Cuối tháng 3/2013, ở Bạc Liêu có một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Thị Ái Nam ký Quyết định số 598/QĐ-UBND phê duyệt nhu cầu thu hút cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện về công tác tại tỉnh Bạc Liêu.
Có 117 chỉ tiêu mà tỉnh đang có nhu cầu thu hút cho năm 2013 này. Nhiều nhất và cần học hàm, học vị cao nhất là ngành Y tế: 63 chỉ tiêu. Trong đó gồm: 1 giáo sư - tiến sĩ, 1 phó giáo sư - tiến sĩ, 1 tiến sĩ, 13 thạc sĩ ở chuyên ngành y, dược, điều dưỡng và xét nghiệm. Ngoài ra, Sở Y tế còn cần thu hút 8 bác sĩ chuyên khoa II, 7 bác sĩ chuyên khoa I, 1 dược sĩ chuyên khoa cấp I và 25 người có bằng đại học y, dược, điều dưỡng và xét nghiệm. Ứng viên đáp ứng các chuyên ngành trên sẽ được bố trí công tác tại Bệnh viện đa khoa các huyện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trường Cao đẳng Y tế Bạc Liêu. Ngành nghề cần thu hút có trình độ cao và đứng thứ nhì về chỉ tiêu là các chuyên ngành về kỹ thuật. Bao gồm: 11 người có trình độ thạc sĩ: kỹ thuật nhiệt lạnh, công nghệ thông tin, công nghệ ôtô, công nghiệp điện, điện tử công nghiệp, xây dựng, quản lý đất đai, trồng trọt và chế biến nông sản. Các chỉ tiêu này dành cho trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu, Sở NN&PTNT và một số huyện, thành phố. Một số chỉ tiêu khác dành cho các sở, ngành như: Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các phòng, ban ở một số huyện, thành phố.
|
Cán bộ khoa học thuộc Sở NN&PTNT xét nghiệm bệnh trên tô. Ảnh: P.TC |
Riêng ngành Sư phạm, tỉnh chỉ thu hút 20 sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm Mầm non. Chính sách đãi ngộ và chỉ tiêu trên dành cho cả ứng viên trong tỉnh và người đến từ tỉnh ngoài, áp dụng trong năm 2013.
Theo quyết định trên của UBND tỉnh, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” dành cho các ứng viên được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 10 ngày 25/1/2011 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 của UBND tỉnh về ban hành quy định một số chính sách đối với cán bộ tỉnh Bạc Liêu. Cụ thể, giáo sư - tiến sĩ về Bạc Liêu được trợ cấp 500 triệu đồng và được hỗ trợ nhà ở công vụ; phó giáo sư - tiến sĩ: 400 triệu đồng và được bố trí nhà ở công vụ; tiến sĩ: 300 triệu đồng và được bố trí nhà ở công vụ; bác sĩ chuyên khoa II: 200 triệu đồng (có nhà ở công vụ), thạc sĩ: 100 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa I: 50 triệu đồng...
Ngoài những chế độ trợ cấp trên, những người tình nguyện về công tác tại tỉnh Bạc Liêu theo chủ trương trên còn được ưu tiên mua nhà ở, đất ở trả dài hạn theo quy định của tỉnh. Quyết định số 10 cũng quy định, tùy theo cấp học hàm, học vị mà những người tình nguyện sẽ có cam kết thời gian phục vụ cho tỉnh ở các mốc khác nhau. Nếu không thực hiện đúng cam kết thì hoàn trả số tiền được trợ cấp và các chính sách khác nếu có.
Chính sách trên được đánh giá là cú đột phá của tỉnh nhằm “trải thảm đỏ” đón nhân tài. Và theo báo cáo từ Sở Nội vụ, hàng năm Bạc Liêu đã thu hút được khá nhiều người tài tình nguyện về công tác tại tỉnh theo chỉ tiêu thu hút được công bố từng năm.
Tuy nhiên, khi bàn về chính sách đãi ngộ, nhiều người cho rằng: nếu chỉ đãi ngộ bằng tiền thì chưa đủ. Môi trường làm việc là yếu tố hàng đầu để thu hút họ chứ không phải là nguồn thu nhập. Phát huy được sở học của một cá nhân phải là sự cộng hưởng của nhiều vấn đề, đó là sự “hiểu nhau” giữa người làm việc với người quản lý, có đủ điều kiện để người tài thể hiện năng lực (phương tiện, trang thiết bị, tài chính, cộng sự, chính sách, chủ trương…).
Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vừa qua của tỉnh đã có nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này chưa được, hay chưa có cơ hội phát huy khả năng làm việc của mình. Thu hút nguồn nhân lực có học hàm, học vị cao là cần thiết. Đối với Bạc Liêu, đội ngũ quản lý giỏi cũng rất cần được trọng dụng nhiều hơn. Họ luôn mong muốn, một nhà quản lý giỏi sẽ biết được sở trường, sở đoản của nguồn nhân lực, từ đó phát huy tối đa năng lực của họ, giúp họ có điều kiện và sự hăng hái cống hiến hết mình cho sự phát triển của tỉnh.