Đưa điện ảnh vào học đường

Thứ năm, 04/04/2013 15:53

Sinh thời, Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học lịch sử nước nhà. Thế nhưng, hiện nay có không ít bạn trẻ đã vô tâm trước văn hóa, lịch sử dân tộc theo kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”! Việc đưa những thước phim điện ảnh kể về lịch sử, truyền thống cha anh vào học đường sẽ góp phần làm cho “Dân ta phải biết sử ta”, giúp giới trẻ nhận ra “sứ mạng” của mình trong việc bảo vệ, tôn trọng những giá trị của lịch sử ngàn năm văn hiến…

Những giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử từng than phiền rằng, giới trẻ ngày nay bị chi phối quá nhiều bởi các yếu tố ngoài xã hội, họ tỏ ra “ngây ngô” với lịch sử dân tộc và lơ đễnh trong những giờ học môn Lịch sử. Đôi lúc, họ còn khiến giáo viên nhói lòng trước những phát ngôn sai lệch, thiếu trách nhiệm của lớp người trẻ - thế hệ kế thừa, làm chủ xã hội tương lai nhưng trong đầu họ là những mảng trắng, những kiến thức lõm bõm với pho sử nước nhà.

Và mới đây, chúng tôi còn cảm thấy thất vọng hơn trước lỗ hổng kiến thức của sinh viên một trường đại học ở Bạc Liêu. Cụ thể, trong phần thi hóa trang tại Ngày hội Thanh niên, các bạn đã “trình làng” một bộ sưu tập cách điệu hóa truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, với lời bình: “Cha Lạc Long Quân đem 100 con xuống biển, mẹ Âu Cơ đem 100 con lên non…” (vậy là mẹ Âu Cơ sinh ra đến 200 trứng?!), sau khi bị khán giả bên dưới la ó, phản ứng, các sinh viên này mới xin đính chính lại vì “lý do kỹ thuật”.

 

 Học sinh trường THPT Chuyên Bạc Liêu xem phim Chiến thắng Điện Biên Phủ
trên không. Ảnh: N.V

 
Chiến lược đưa điện ảnh vào học đường đã được Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Bạc Liêu xúc tiến từ nhiều năm nay, tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn chưa làm thỏa lòng những người thật sự có trách nhiệm và tâm huyết với lịch sử nước nhà. Nhưng “còn nước còn tát”, từ thế “ép buộc” chúng ta sẽ định hướng, tuyên truyền về lịch sử Việt Nam thông qua những thước phim thật sự hấp dẫn để lôi cuốn thế hệ kế thừa, khiến họ tự nguyện tham gia những buổi công chiếu và quảng bá rộng rãi đến đông đảo bạn bè.

Trong hành trình kéo lịch sử lại gần với giới trẻ để họ thêm quý, thêm yêu những trang sử vẻ vang của dân tộc, những chiến tích lẫy lừng mang tầm thế kỷ của cha anh, các anh em trong đội chiếu bóng không ngần ngại khó khăn, vất vả “chuyển” những thước phim ý nghĩa đến trường Đại học Bạc Liêu, Cao đẳng Y tế, Trung tâm giáo dục thường xuyên, THPT Chuyên Bạc Liêu, THPT Dân tộc nội trú… Đó thật sự là những món quà quý mang tất cả tình thương, tâm huyết của những người làm công tác chiếu bóng đối với các bạn trẻ với mong muốn, thế hệ trẻ hãy hiểu để trân trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống cha ông và tự hào mình là người Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

“Vượt qua bến Thượng Hải” kể về giai đoạn Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông về Hạ Môn (Thượng Hải) sau khi thoát khỏi vụ án ở Hồng Kông năm 1931. Giai đoạn này Người đang bị mật thám Pháp và Chính phủ Nam kinh quốc dân đảng ráo riết săn lùng. Để đến được Vladivostok (Nga) buộc lòng phải qua tô giới Thượng Hải. Dưới vòng vây và sự truy lùng gắt gao của quân thù nhưng Người vẫn đến được Nga nhờ trí tuệ lớn và sự hỗ trợ đắc lực của kiều bào, bạn bè quốc tế. Đó là phần nổi của bộ phim, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn khán giả còn phát hiện một giá trị nhân văn ẩn sâu trong đó. Ấy là tâm hồn, là tinh thần cao thượng ẩn trong nhân cách cao rộng của Người. Người giản dị, khiêm tốn, dành tình thương bác ái cho tất cả mọi kiếp người. Và trong bộ phim này là tình thương cho 11 con em Việt kiều tham gia cách mạng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, mắt Người rớm lệ trước sự ra đi của cô bác sĩ Phương Thảo… Ở Người, ta còn tìm thấy nỗi lòng của người con xa quê tìm đường cứu nước lòng luôn đau đáu hướng về nguồn cội, tổ tiên…

Một “Cánh đồng hoang” với những con người bình dị và thành đồng không khuất phục trước kẻ bạo ác; cùng với “Thiên mệnh anh hùng”, “Đừng đốt”, “Về nơi gió cát”… đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều bạn trẻ. Một số bạn còn chịu khó lên mạng, hoặc đến các cửa hàng băng đĩa để bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình những bộ phim Việt Nam kinh điển nêu trên.

Hướng tới, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng nên mở rộng địa bàn về vùng sâu để không chỉ thu hút khán giả là học sinh các trường học, mà còn lôi kéo được lượng khán giả nông thôn hùng hậu; đồng thời, cần trang bị thêm những bộ phim tài liệu về những chặng đường lịch sử dân tộc, lịch sử của vùng đất Bạc Liêu anh hùng. Qua đó, giáo dục giới trẻ lý tưởng sống đẹp, sống có mục đích để không phải hổ thẹn với lịch sử, với những người đã ngã xuống để chúng ta có được cuộc sống như hôm nay.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực