Hai điểm đầu tư sản xuất thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) của tỉnh tại huyện Vĩnh Lợi và Giá Rai đã kết thúc. Qua đánh giá, mô hình CĐML mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Hiện nay, tuy không còn được Nhà nước đầu tư áp dụng thí điểm mô hình này, nhưng nông dân vẫn duy trì và nhân rộng.
|
Nông dân tham quan mô hình CĐML ở ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai. Ảnh: M.Đ |
Hơn 900 hộ nông dân tham gia mô hình CĐML ở huyện Vĩnh Lợi và Giá Rai đều cho rằng, sản xuất theo mô hình CĐML giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua 3 vụ lúa áp dụng mô hình này, trong khi ruộng ngoài mô hình phải đầu tư gần 24 triệu đồng/ha (từ khâu cải tạo làm đất, giống, phân bón đến khâu thu hoạch), còn chi phí ruộng nằm trong mô hình CĐML đầu tư gần 22 triệu đồng/ha (thấp hơn ruộng ngoài mô hình 2 triệu đồng/ha). Năng suất bình quân ruộng ngoài mô hình là 6,3 - 6,4 tấn/ha; còn ruộng áp dụng mô hình là 6,5 - 6,6 tấn/ha.
Song, điều quan trọng nhất là lợi nhuận. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ ruộng áp dụng mô hình CĐML thu hơn 16,5 triệu đồng/ha; còn ruộng ngoài mô hình là 13,5 triệu đồng/ha. Nông dân tham gia mô hình CĐML lợi nhuận cao hơn 3 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.
Bên cạnh đó, sản xuất theo mô hình CĐML sử dụng thuốc vi sinh phòng trừ sâu bệnh nên hệ sinh thái đồng ruộng ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng hạt gạo tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, việc ghi chép sổ tay theo hướng VietGAP có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm nên dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ khó tính.
Từ những lợi ích trên, nên dù Nhà nước không còn hỗ trợ đầu tư sản xuất hai mô hình thí điểm CĐML ở huyện Vĩnh Lợi và Giá Rai, nhưng nông dân ở đây vẫn tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất CĐML. Ông Lộ Hồng Ân (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) cho biết: “Tôi có 4ha đất lúa áp dụng kỹ thuật mô hình CĐML. Mô hình này vừa giúp giảm chi phí, cho năng suất cao và tăng lợi nhuận. Hầu hết nông dân ở xã tôi đều áp dụng mô hình này”.
Theo ông Lê Tấn Lộc, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Giá Rai: “Sau khi thí điểm mô hình CĐML ở xã Phong Thạnh Đông A đạt hiệu quả, nông dân thấy được lợi ích của mô hình, huyện chọn mỗi xã xây dựng một mô hình CĐML để nông dân học tập và nhân rộng. Từ đó, hướng tới xây dựng cánh đồng lớn, tạo vùng nguyên liệu, thuận tiện cho các doanh nghiệp bao tiêu, thu mua sản phẩm”.
Mô hình CĐML đã tạo niềm tin cho nông dân ở các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long… Từ đó, nhiều huyện đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình CĐML “cấp huyện”. Tuy cách áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa còn hạn chế so với tỉnh tổ chức, nhưng đây là bước đệm để nông dân tiếp cận và làm quen với mô hình. Bà Hồng Kim Thư, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: “Các huyện đã tự đầu tư và vận động nông dân xây dựng mô hình CĐML ở một số xã. Thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mô hình CĐML (cấp tỉnh) ở các huyện còn lại”.
Để xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, cần phải thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Việc xây dựng thành công mô hình CĐML sẽ góp phần quan trọng cho ngành Nông nghiệp Bạc Liêu phát triển theo hướng bền vững.