Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung làm tốt gắn với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của chị em phụ nữ. Đồng thời, tổ chức rà soát, phân tích các loại hình kinh tế đang được thực hiện ở nông thôn để có giải pháp phù hợp cho từng mô hình cụ thể, giúp chị em phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, chung tay XDNTM…
|
Hội thảo chia sẽ kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình cho phụ nữ nông thôn tại MDEC Sóc Trăng - 2014. Ảnh: P.Đ |
Một trong những hoạt động, phong trào sôi nổi của chị em trong thời gian qua là thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề gắn với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; phát huy tinh thần hợp tác, tương thân tương ái hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và thu hút đông đảo chị em tham gia. Đến nay, các cơ sở Hội đã vận động thành lập các loại hình phù hợp, thiết thực thu hút hơn 84.570 chị em tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, trồng hoa huệ ở TP. Bạc Liêu; mô hình đan đát, trồng lúa theo phương pháp “3 giảm - 3 tăng” ở huyện Giá Rai; mô hình đan thảm lục bình, nuôi cá sấu, ba ba, cá bống tượng ở huyện Hồng Dân...
Ưu điểm của các mô hình này không chỉ giúp chị em giải quyết thời gian nông nhàn, tạo thêm thu nhập cho gia đình, mà còn tận dụng tốt diện tích đất, khai thác tốt nguồn tài nguyên ở địa phương. Một trong những mô hình đang được các cấp Hội tổ chức nhân rộng trong toàn tỉnh là mô hình phụ nữ tận dụng đất trống bờ vuông để trồng màu. Đây là mô hình ít đầu tư vốn nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao, cho thu hoạch từ 20 - 40 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, để xây dựng mô hình nâng cao vai trò giới và tạo điều kiện thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ trong các hộ nuôi trồng thủy sản, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp cùng Dự án WWF (thúc đẩy chứng nhận và thực hành quản lý tốt hơn cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ ở Việt Nam) tổ chức khảo sát việc lồng ghép giới trong các mô hình cải thiện sinh kế có sự tham gia của phụ nữ tại các tổ hợp tác trong vùng dự án thuộc 3 huyện: Hòa Bình, Giá Rai, Đông Hải. Sau khi khảo sát, Hội sẽ tiến hành phối hợp tổ chức chuyển giao kỹ thuật dạy nghề hoặc sản xuất lồng ghép với các kiến thức thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao vai trò về phát triển kinh tế gia đình của phụ nữ trong các tổ hợp tác. Mặt khác, để tạo việc làm ổn định cho lao động nữ trên cơ sở thực hiện Đề án 295 về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu, đề xuất chính sách liên quan tới giảm nghèo và đã được thực hiện như: dạy nghề miễn phí cho phụ nữ nông thôn, chính sách phát triển làng nghề đan đát truyền thống, các sản phẩm mỹ nghệ… Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan tổ chức dạy nghề và chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, trồng lúa chất lượng cao. Kết quả, hàng năm có gần 4.000 lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề (tăng gấp 6 lần so với chỉ tiêu đặt ra), trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề hàng năm là 3.000 lao động...
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho chị em hiểu đúng, đầy đủ và có trách nhiệm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ giảm nghèo; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong việc tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất; vận động chị em tích cực lao động, sản xuất phát triển ngành nghề theo điều kiện thực tế của địa phương; đẩy mạnh các hoạt động thuộc Đề án 295, nhằm hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập.