Sức hút từ chiêu trò đầu tư “lãi suất khủng”
Mới đây, bằng chiêu trò “vẽ” dự án, gọi vốn với lãi suất cao, Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) đã huy động được hơn 1.200 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Để lôi kéo nhà đầu tư, Phạm Mỹ Hạnh đã đưa ra những thông tin gian dối về giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh.
Theo thông tin từ Báo Công an nhân dân, Phạm Mỹ Hạnh huy động vốn của nhà đầu tư thông qua ba gói hợp tác kinh doanh: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty với lời cam kết, hứa hẹn với đối tác về việc trả lãi suất từ 24% - 48%/ năm. Mức lãi suất “khủng” này để khiến nhiều người nhẹ dạ, đem tiền đến góp vào công ty của Hạnh. Đến thời điểm Phạm Mỹ Hạnh bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, đã có hơn 1.000 người tham gia đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh với số tiền lên tới 1.264 tỷ đồng.
|
Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh bị cáo buộc huy động 1.200 tỷ từ nhiều nhà đầu tư. (Ảnh: HN). |
Cũng liên quan đến việc thu hút vốn bằng chiêu trò đầu tư “lãi suất khủng”, thông tin về việc Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) bị Công an Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm giam đã khiến hàng vạn nhà đầu tư vào Công ty này vô cùng lo lắng.
Trước đó, Tập đoàn Nhật Nam từng giới thiệu trên website của mình rằng đang sở hữu khối tài sản vững chắc đa dạng ngành nghề như: Nhà hàng, karaoke, khách sạn, chuỗi cafe cao cấp,... Với lĩnh vực bất động sản, Nhật Nam còn giới thiệu là sở hữu quỹ đất trải dài khắp cả nước như ở Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc,... Các quỹ đất của Nhật Nam đều nằm ở những vị trí đắc địa. Với đường hướng kinh doanh mới mẻ cùng định hướng phát triển lâu dài bền vững, trong tương lai Công ty sẽ trở thành doanh nghiệp đứng top 5 trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Đặc biệt, nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư, Vũ Thị Thúy còn đưa ra chương trình huy động vốn lãi suất “khủng”, dưới tên gọi “Chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày”, với lợi nhuận cao trung bình khoảng 46%/ năm, thậm chí tới 70% - 80%/ năm. Công ty Nhật Nam đưa ra những gói đầu tư từ 20 triệu đồng cho đến hàng chục tỷ đồng. Lợi nhuận và gốc được trả hàng ngày, trừ thứ Bảy, Chủ nhật để thu hút tiền của nhà đầu tư. Thậm chí, có thời điểm, nếu nhà đầu tư mua gói đầu tư 3 - 5 tỷ đồng, thì sẽ được tham gia vào Câu lạc bộ doanh nhân Nhật Nam, khi đó lợi nhuận vẫn nhận 46%/năm, nhưng lại được tặng thêm mỗi tháng 30 triệu đồng, tặng thêm 5 chỉ vàng, 1 mảnh đất và 5 tháng phân chia lợi nhuận.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ năm 2020 đến năm 2022, Vũ Thị Thúy đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với khoảng 20.000 cá nhân trên toàn quốc. Sau khi các cá nhân này nộp tiền, Vũ Thị Thúy sử dụng một phần tiền của người nộp sau trả gốc, lãi cho người nộp trước. Thúy chiếm đoạt số tiền còn lại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thận trọng khi đầu tư
Được biết, hiện các vụ lừa đảo vẫn đang trong quá trình mở rộng điều tra nhưng với số lượng nạn nhân lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người thì chắc chắn việc khắc phục hậu quả, lấy lại tiền cho nhà đầu tư là rất khó. Những vụ việc này sẽ là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nhẹ dạ cả tin, hám “lãi suất khủng” khi tham gia các hoạt động đầu tư tài chính.
Thực tế cho thấy, điểm chung của các tổ chức, cá nhân sử dụng chiêu trò “lãi suất khủng” để huy động vốn đó là họ thường không dùng vốn của nhà đầu tư để kinh doanh các dự án, lĩnh vực như cam kết, mà lấy tiền của người sau trả cho người trước. Lợi nhuận trả cho nhà đầu tư không phát sinh từ lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, huy động vốn bằng cách hợp tác kinh doanh hay đầu tư góp vốn hứa hẹn lãi suất cao thực chất là một phương thức đầu tư tài chính, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư. Các đối tượng thường khai thác vào 2 điểm yếu của các nạn nhân, đó là sự thiếu hiểu biết và tâm lý ham lợi nhuận cao.
|
Hàng trăm nhà đầu tư tập trung đòi tiền Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam. (Ảnh: Lê Trang). |
Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là mặc dù cơ quan chức năng, báo chí liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu trò huy động vốn “lãi suất khủng” nhưng số lượng người tham gia các loại hình này vẫn không ngừng gia tăng, quy mô các vụ việc bị phát giác vụ sau cao hơn rất nhiều lần các vụ việc trước. Hệ quả là tiền đầu tư của người dân bị chiếm đoạt, tình hình trật tự, an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn. Hoạt động huy động vốn thông qua các kênh được pháp luật thừa nhận, cho phép hoạt động bị nhiều ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia, người dân cần nâng cao cảnh giác, không ham lãi suất cao. Lãi suất cao luôn tỷ lệ thuận với rủi ro; nên cảnh giác với những lời mời đầu tư mang lại lãi suất cao bất thường. Nhà đầu tư cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của doanh nghiệp trước khi quyết định tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, khi đầu tư góp vốn kinh doanh, cần nắm được hoạt động kinh doanh thực tế. Nội dung hợp đồng góp vốn cần có những điều khoản rõ ràng; đó là cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết khi phát sinh tranh chấp.
Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Tham gia hoạt động đầu tư, mọi người đều hướng đến lợi nhuận cao, đó là tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các đối tượng lừa đảo sử dụng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là với chiêu trò đầu tư “lãi suất khủng”, để bảo vệ tài sản của chính mình, thiết nghĩ các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, trước khi quyết định tham gia đầu tư để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt vốn đầu tư./.