|
Khu nhà ở công vụ cho cán bộ, giảng viên tại Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng). |
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014. Theo đó, khoản 6, Điều 88. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung Điều 49) có xác định:
Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Do tính chất nhiệm vụ nên đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang đều công tác xa nhà. Vì vậy, nếu đề xuất bổ sung chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được thực hiện sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng tôi ổn định cuộc sống gia đình và yên tâm công tác”.
|
Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn. |
Cùng chung suy nghĩ nêu trên, Trung tá Phạm Tài Bá, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân chủng Hải Quân cho biết: “An cư lạc nghiệp là mong mỏi của mỗi cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang. Trong điều kiện chung của đất nước, hiện nay rất nhiều đồng chí đang gặp khó khăn về nhà ở. Việc tháo gỡ những khó khăn này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác hậu phương Quân đội, mà còn giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm gắn bó với đơn vị, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc xác định rõ đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại khoản 6, Điều 88, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thể hiện rõ sự quan tâm của cơ quan chức năng đối với nhu cầu về nhà ở của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang hiện nay”.
Theo Đại tá, TS Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng): “Được bảo đảm về nhà ở là nhu cầu chính đáng của mọi cán bộ, chiến sĩ. Việc đáp ứng nhu cầu này phải được thực hiện trên cơ sở chủ trương chung của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, nhà trường cụ thể. Các nội dung đề xuất của Bộ Xây dựng trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ là cơ sở, điều kiện quan trọng để thực hiện tốt hơn chính sách nhà ở đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang”.
Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhìn nhận: “Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trong thời bình, họ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn; thường xuyên phải đối mặt với gian khỏ, hiểm nguy; thậm chí nhiều người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tôi cho rằng, nếu được thông qua, những nội dung đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý để chúng ta thực hiện tốt hơn chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang. Qua đó, phần nào bù đắp những cống hiến, hy sinh của họ”.
Thực tế hiện nay, số lượng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang đang khó khăn về nhà ở vẫn còn rất lớn. Không chỉ ở các đô thị, nhiều đối tượng trong lực lượng vũ trang không ở khu vực đô thị cũng cần có sự hỗ trợ về nhà ở, trong khi các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội chưa phủ kín hết được. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan là do có nhiều vấn đề đặc thù cần phải nghiên cứu.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về nhà ở, đất ở cho cán bộ trong lực lượng vũ trang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng đã có những đóng góp cho lực lượng vũ trang tại các địa bàn khó khăn. Những nội dung đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về bổ sung chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang là những đề xuất kịp thời, phù hợp với đặc thù thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, về lâu dài, nên chăng cần có quy định cụ thể chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ trong lực lượng vũ trang khi hoàn thành nhiệm vụ (xuất ngũ, về hưu...) mà chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ nhưng có khó khăn về nhà ở, để cải thiện nhà ở; bổ sung quy định về chính sách tạo lập nguồn tài chính..., để cải thiện nhà ở trong lực lượng vũ trang. Việc hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân chỉ được hưởng một lần./.