Giữa vòng tay thần lửa...
Thứ sáu, 23/03/2018 14:48 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Hơn một năm trước, vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến người ta rúng động với số người thương vong. Và bây giờ, những con số tương tự sau vụ hỏa hoạn tại Carina Plaza lại làm tất cả phải bàng hoàng. Chúng ta không muốn nói về những con số nữa, nhưng vẫn phải đối mặt với nó, như là đối mặt với sự thật.
Cảnh sát PCCC hỗ trợ giải cứu người dân tại chung cư Carina. (Ảnh: vnexpress)
Hàng trăm người tại chung cư Carina Plaza đã phải trải qua một đêm trắng kinh hoàng trước khi chấp nhận vạ vật trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Nhưng họ vẫn còn may mắn hơn 13 nạn nhân không thể thoát khỏi vòng tay thần lửa. Thực tế, nhiều khu dân cư đô thị luôn đối mặt với rủi ro cao về cháy nổ bởi các yếu tố địa hình hạn chế, hoặc sự thiếu thốn về các thiết bị PCCC. Nhưng điều đáng nói với trường hợp của Carina lại nằm ở việc khác. Trước khi xảy ra sự cố, tòa chung cư này không hề vi phạm những quy định đã được thẩm tra về PCCC!? Có nghĩa là mọi thứ vẫn an toàn và bình yên cho đến khi bỗng nhiên... chuông báo cháy không reo và nước chữa cháy không xả.
Ngược dòng thời gian trở về thời điểm cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, ngay sau đó người ta đã nói về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác PCCC. Hai lãnh đạo quận và phường bị cách chức, 3 cảnh sát cứu hỏa TP Hà Nội cùng hàng loạt người có liên quan bị khiển trách và cảnh cáo. Có thể với cương vị của mình, họ có phần nào lỗi và phải chịu trách nhiệm về công việc được giao. Nhưng không thể phủ nhận một điều, những con người ấy đều nằm trong một hệ thống có vấn đề về quy hoạch và kiểm soát PCCC. Đã từ rất lâu, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tỏ ra bị động khi phải chạy theo tình hình thực tiễn về PCCC. Chỉ đến khi xảy ra thảm họa, người ta mới thấy những tuyên bố về việc rà soát, rút kinh nghiệm và cả những lời hứa “xử lý nghiêm”. Muộn màng. Luôn là muộn khi điều quý giá nhất - sinh mạng con người đã không thể giữ.
Số lượng cán bộ PCCC nói riêng và công chức nói chung liệu có tỷ lệ thuận với hiệu quả và chất lượng phục vụ dân sinh? Dĩ nhiên, đó là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng thói quen luôn chạy theo sau các sự vụ thay vì đi trước đón đầu là có thật. Xin cấp phép PCCC là một chuyện, nhưng việc kiểm tra, đôn đốc, bảo trì một cách có trách nhiệm lại là chuyện khác. Không thể chỉ đổ lỗi cho lực lượng PCCC khi xảy ra cháy nổ. Trên bất cứ địa bàn nào, việc xét duyệt và kiểm tra định kỳ luôn phải có sự phối hợp đồng bộ. Với đặc thù của PCCC, việc “mất bò mới lo làm chuồng” luôn để lại những hậu quả thảm khốc.
Ở chiều ngược lại, nhận thức của người dân về công tác PCCC cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Tâm lý xem nhẹ rủi ro và phó mặc trách nhiệm cho các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phổ biến. Dù công tác tuyên truyền, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy không phải không có, nhưng vẫn không ít người thờ ơ với tư tưởng “cha chung không ai khóc”.
Thêm một vụ cháy nữa, thêm những nạn nhân nữa, và chắc chắn sẽ lại có thêm những sợi dây kinh nghiệm nữa. Việc rà soát hàng chục ngàn chung cư, khu dân cư và các cơ sở sản xuất lúc này có lẽ vẫn là bất khả thi trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu các đơn vị liên quan không lập tức vào cuộc, người dân sẽ phải tiếp tục thấp thỏm sống giữa vòng tay thần lửa.
“Phòng cháy hơn chữa cháy”, khẩu hiệu ấy ai cũng biết, nhưng không hẳn dễ làm!
HC