Góc nhìn pháp lý trong vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng

Thứ năm, 05/09/2024 15:56
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em lại là người có chức năng bảo vệ, giáo dục trẻ em, đang mang danh nghĩa thiện nguyện thì đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải bị xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Đề nghị đưa vụ bạo hành Mái ấm Hoa Hồng ra xét xử lưu động, công khai

Mái ấm Hoa Hồng - Sự giả dối của tên gọi

Mái ấm Hoa Hồng (Q.12, TP.HCM) nơi xảy ra các vụ bạo hành trẻ (Ảnh: Báo Thanh Niên) 

Ngày 4/9, báo chí đã phản ánh tại Mái ấm Hoa Hồng đã xảy ra tình trạng ngược đãi nhiều trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này. Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, không thu phí, được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12 cấp Giấy phép hoạt động vào năm 2023.

Mái ấm Hoa Hồng là mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà G.T.S.H làm chủ, mở cửa từ 8h - 20h hằng ngày. Nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Thời điểm này, tại cơ sở có 85 trẻ em, cụ thể 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi có 36 trẻ, từ 36 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi có 30 trẻ, từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi có 3 trẻ, đang điều trị tại bệnh viện 1 trẻ.

Ngay khi nhận được thông tin do báo chí phản ánh, chiều 4/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã cử tổ công tác gồm Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12 đến mái ấm Hoa Hồng để xác minh trực tiếp tại cơ sở.

Trước mắt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đề xuất và đã chuyển 85 trẻ đến các cơ sở bảo trợ xã hội như Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp để cách ly trẻ ra khỏi môi trường có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Cùng với đó, Công an Quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án. Người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em lại là người có chức năng bảo vệ, giáo dục trẻ em, đang mang danh nghĩa thiện nguyện thì đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải bị xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật. Từ các clip từ phóng sự điều tra của cơ quan báo chí sẽ là căn cứ để cơ quan điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm, khi đủ căn cứ thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, xử lý đối với các bảo mẫu do có hành vi hành hạ các cháu bé ở cơ sở bảo trợ này. Hành vi đánh đập trẻ em khi các con còn quá bé, hành vi này rất tàn nhẫn có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác, thậm chí nếu có thương tích hoặc có thể dẫn đến các cháu tử vong thì có thể xử lý về tội Giết người.

Hành vi đánh đập trẻ em của nhiều bảo mẫu trong cả quá trình rất dài khiến cho các trẻ tại đây phải sống trong đau đớn, sợ hãi, hoảng loạn, hoàn toàn có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng kéo dài về tâm lý, về sức khỏe, thậm chí có thể xâm hại đến tính mạng của các em. Vì vậy, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các bảo mẫu này, đồng thời cần chuyển các cháu bé đến các cơ sở bảo trợ công lập, đình chỉ vĩnh viễn đối với cơ sở này để răn đe, phòng ngừa.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của các bảo mẫu trong clip, làm rõ diễn biến hành vi, nhận thức của những người này và hậu quả đã gây ra đối với các cháu bé để xử lý hình sự đối với những người này về các tội danh cụ thể tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. Đồng thời, tiến hành thu thập các dữ liệu điện tử từ camera giám sát, thu thập thông tin từ các phóng sự điều tra của báo chí, lấy lời khai của những người có liên quan, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường đồng thời làm rõ mức độ tổn thương cơ thể, thương tích cũng như tổn hại về tâm lý của các cháu bé, làm rõ hành vi bạo hành, động cơ mục đích, nhận thức và đặc biệt là làm rõ hậu quả đã gây ra đối với trẻ em ở cơ sở bảo trợ này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Với những hành vi dùng đũa, chổi đánh vào người các cháu bé ở độ tuổi còn quá nhỏ, hành vi tát, quăng quật, ném các cháu bé xuống sàn hoàn toàn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng đối với các cháu bé này. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích, để các bác sĩ thăm khám để xác định hậu quả của hành vi bạo hành này đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả thăm khám điều trị, xác minh, giám định thương tích cho thấy đã có cháu bé bị thương tích thì dù thương tích dưới 11 %, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bảo mẫu đã có hành vi đánh đập cháu bé về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục… nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc nếu nạn nhân không chết thì hình phạt cũng có thể tới 10 năm tù theo khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trường hợp các cháu bé không có thương tích, hậu quả chỉ là tổn thương tâm lý thì vẫn xử lý hình sự đối với các bảo mẫu này về tội Hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự do hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Hình phạt có thể tới 03 năm tù.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những bảo mẫu này có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn phù hợp hay không, có nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục trẻ em hay không, làm rõ cơ chế quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài việc làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ diễn biến hành vi phạm tội, đánh giá hậu quả của hành vi đã gây ra để xử lý đối với các bị can có liên quan thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng làm rõ các nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Cũng cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý cơ sở bảo trợ xã hội này, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực