Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của người dân trong ngày đầu Nghị định 46 có hiệu lực thi hành
Nghị định 46/2016 không chỉ là tăng mức xử phạt mà còn quy định cụ thể và
khá chi tiết đối với các hành vi vi phạm.
Nghị định đưa ra những mức phạt hành chính ở mức cao. Theo đó, hơn 100 lỗi vi phạm luật giao thông sẽ được tăng mức xử phạt, và rất nhiều lỗi bị tăng gần gấp đôi. Ví dụ như, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ô tô từ 22 - 24 tháng, hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng - 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Ngoài ra, mức phạt trên còn được áp dụng đối đối với hành vi lái xe nhưng nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.
Đồng tình với những quy định mới trên, anh Lê Tuấn Nghĩa, lái xe khách trên tuyến đường Hải Phòng – Hà Nội cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc tăng cao các mức xử phạt như tại nghị định 46/2016. Cần có chế tài mạnh để răn đe đối với những hành vi như vậy, phải nhìn nhận những hành vi trên là những hành vi hết sức nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cá nhân người điều khiển xe ô tô, mà còn gây nguy hiểm cho rất nhiều hành khách đi xe, cũng như những người tham gia giao thông khác trên đường.”
Cùng quan điểm này, anh Trần Văn Hùng, sống tại Hà Nội nhận xét: “Tôi cho rằng với những mức xử phạt vi phạm cao như vậy, những người ngồi sau vô-lăng sẽ có ý thức hơn trong việc cầm lái, điều này là hết sức cần thiết, bởi tình trạng số lượng xe ô tô trong thời gian gần đây tăng rất nhanh.”
Liên quan đến Nghị định 46/2016, những nội dung quy định đối với người điều khiển xe mô tô (kể cả xe máy điện) không chỉ là tăng về mức xử phạt mà còn được quy định cụ thể và khá chi tiết đối với các hành vi vi phạm. Ví dụ, với hành vi không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” bị phạt từ 60.000 đồng - 80.000 đồng. Các hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định cũng bị phạt với mức tiền từ 60.000 đồng - 80.000 đồng.
Nghị định quy định rõ mức xử phạt từ 80.000 đồng - 100.000 đồng với các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước; điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên; bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe.
Đối với những nội dung quy định dành cho xe mô tô, xe máy điện tại Nghị định 46/2016, bác Nguyễn Thúy Hạnh, tại Đống Đa – Hà Nội chia sẻ: “Mức phạt thì không cao, tuy nhiên cần có chế tài đối với những hành vi trên”. Theo bác Hạnh, đối tượng sử dụng xe máy điện đa phần là các em học sinh, sinh viên, việc chấp hành luật lệ giao thông đối với các em còn rất hạn chế. Rất nhiều những trường hợp tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân chính từ người điều khiển xe máy điện là các em học sinh, sinh viên. Tình trạng không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, đi thành hàng hai, hàng ba thường thấy trên đường hiện nay cũng đa phần là các em học sinh, sinh viên.
Phạt từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng chân chống hoặc
vật khác quệt xuống đường” được quy định tại Nghị định 46/2016
Ngoài ra, một số hành vi có nguyên nhân gián tiếp gây ra TNGT cũng được Nghị định đề cập tới và có các chế tài xử phạt. Ví dụ như: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ, đặt máy tuốt lúa trên đường bộ; Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông; Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; Đổ rác, xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định; Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.
Ngoài những ý kiến đồng tình đối với với Nghị định 46/2016, có khá nhiều ý kiến cho rằng một số điều khoản trong Nghị định còn thiếu tính thực tế, chưa phù hợp với hạ tầng, điều kiện phát triển giao thông của đất nước. Trong đó, quy định về xử phạt khi người tham gia giao thông “vượt” đèn vàng là một trong những quy định đang gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Anh Nguyễn Phúc Thái, lái xe tại hãng Mai Linh chia sẻ: “Rất khó để thực hiện đúng với hạ tầng giao thông như hiện nay, không phải tất cả các trụ đèn tín hiệu giao thông đều có bộ đếm thời gian, đây là điều hết sức khó khăn với người tham gia giao thông.”
Một nội dung khác, quy định xử phạt từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường” được quy định tại Nghị định 46/2016 cũng đang nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh cho rằng chưa phù hợp. Chị Phương Dung, tại Hà Nội khẳng định: “Sử dụng chân chống quệt xuống đường và quên chân chống khi đi xe là hai việc hoàn toàn khác nhau về động cơ, tuy vậy bản chất sự việc thì không khác nhau. Tôi thường xuyên hay quên gạt chân chống, vậy tôi cũng bị phạt đến 2.000.000 đồng thì quá vô lý!? Cần quy định rõ ràng về điều này, nếu không sẽ vô cùng bất hợp lý”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nhất trí với việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nhưng cần đồng thời tăng trách nhiệm, đạo đức công vụ của các cơ quan thực thi pháp luật (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông); cần có cơ chế để nhân dân giám sát, phát hiện những trường hợp lạm quyền, trục lợi khi thực thi công vụ.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về cả những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, bất cập khi triển khai Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt./.