Vận chuyển hàng hóa đường thủy tăng trưởng ấn tượng

Thứ ba, 26/03/2024 10:35
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông Vận tải vừa tổ chức mới đây.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị.  

Tại Hội nghị, đánh giá vận tải hàng hoá năm 2023 tăng 15,5% so với 2022, trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định đó là mức tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, vận chuyển hành khách đường thủy cũng tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng lưu ý: Thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết, biến đổi khí hậu bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Hiện nay với thị phần vận tải hàng hoá và hành khách của đường bộ chiếm tỷ trọng cao (79,84% về hàng hoá, 91,79% về hành khách). Do đó, để tái cơ cấu thị phần vận tải, Bộ GTVT phải quyết liệt triển khai các giải pháp và ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa để chia sẻ thị phần vận tải đường bộ và đường sắt, đặc biệt trên hành lang vận tải Bắc - Nam.

"Trong bối cảnh trên, để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết những khó khăn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Bộ GTVT thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng yêu cầu các cục, vụ, sở GTVT triển khai các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các loại hình vận tải và vận tải đa phương thức.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng.

 Toàn cảnh Hội nghị

Rà soát các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Trong đó, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, qua đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam với khu vực và thế giới.

Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế, phục vụ chung cho khu vực, có tính lan tỏa, để đón đầu xu hướng phát triển trong nước và thế giới.

Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phát triển hệ thống cảng xanh, giảm phát thải và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, sẵn sàng cho việc hội nhập quốc tế, trở thành những mắt xích quan trọng trong các tuyến, hành lang vận tải hàng hải xanh của quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cập nhật, cải tiến nội dung chương trình đào tạo về vận tải, logistics, áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến, theo hướng đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, tăng thời gian đào tạo thực hành.

Tăng cường hợp tác, mở rộng kết nối hạ tầng, hoạt động vận tải với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực