Tôn giáo - Lĩnh vực bị lợi dụng để phục vụ mục đích chống phá cách mạng
Chương I - Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành năm 2023 mở đầu bằng khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Tôn giáo ở Việt Nam được ví như bức tranh thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới”. Hiện nay, nước ta có khoảng trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước).
|
Thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm ở xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang (Ảnh: Phương Liên) |
Các tôn giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm theo nhiều con đường khác nhau do nước ta liên tục bị các thế lực bên ngoài xâm lược. Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo có nguồn gốc bên ngoài đã được truyền bá vào nước ta. Bên cạnh sự tiếp thu thì các tôn giáo đều có sự cải biến và tiếp biến cho phù hợp với văn hóa của người Việt. Từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI, các giáo sĩ phương Tây đã vào nước ta để truyền giáo. Những thế kỷ tiếp theo, Công giáo, đạo Tin lành có điều kiện phát triển mạnh ở Việt Nam, bên cạnh đó, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo vẫn tiếp tục cùng đồng tồn.
Với những đặc điểm như vậy, không khó hiểu khi nghiên cứu của các học giả đều chỉ ra thực tế là “đối với vấn đề tôn giáo, từ thực dân, phát xít, đế quốc đến các lực lượng chống đối trong nước và nước ngoài đều coi đây là lĩnh vực có thể lợi dụng để phục vụ cho mục đích chống phá cách mạng”[1].
Các thế lực bên ngoài khi xâm lược nước ta đều tìm cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để phục vụ cho mục đích chính trị của họ như thực hiện chính sách đồng hóa người Việt thành người Hán của các triều đại phong kiến phương Bắc thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc. Trong thế kỷ XX, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tìm mọi cách nô dịch nhân dân ta về văn hóa thông qua tôn giáo. Hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam qua chiến lược “Diễn biến hoà bình”. “Trong chiến lược này, các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm lợi dụng vấn đề tôn giáo. Vấn đề tôn giáo được họ gắn với vấn đề nhân quyền, dân chủ qua các thủ đoạn cụ thể”[2].
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (khi đó là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) trong bài báo “Đẩy mạnh mặt trận thông tin đối ngoại về quyền con người” đăng trên Báo Thế giới và Việt Nam, tháng 9/2023, nêu: “…đáng lo ngại nhất là nhiều năm qua, quyền con người là lĩnh vực Việt Nam luôn chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, bao gồm các thế lực thù địch, phản động, cho đến các quốc gia, tổ chức quốc tế và các cá nhân”[3].
Tác giả cho biết thêm: “Mỹ là quốc gia công bố Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế hàng năm và mặc dù gần đây đã đưa nhiều nội dung tích cực hơn về tình hình tôn giáo Việt Nam nhưng vẫn còn những nhận định thiếu khách quan, định kiến. Cụ thể, trong Báo cáo năm 2022, cho rằng Chính phủ kìm hãm tự do tôn giáo vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia và hòa hợp xã hội hay chính quyền địa phương gây khó khăn đối với việc đăng ký hoạt động tôn giáo, đàn áp, sách nhiễu nhóm tôn giáo thiểu số, bắt giữ tùy tiện thành viên các nhóm tôn giáo”[4].
Các hình thức và luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch
Núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, với các luận điệu: “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, một số thủ đoạn phổ biến xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà các thế lực thù địch sử dụng nhiều dưới các hình thức tinh vi, gồm:
Một là, lợi dụng internet, lập các trang website, mạng xã hội để phát tán, đăng tải các bài viết, hình ảnh, video clip xuyên tạc chính sách tôn giáo, bôi nhọ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng trên 5.000 trang website, fanpage của các tổ chức phản động lưu vong đã và đang tuyên truyền thông tin xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nổi lên là trang web của các tổ chức như: Việt Tân, Ủy ban cứu người vượt biển và nhiều trang website khác…[5].
Thủ đoạn là “xây dựng những video clip chỉ 2 - 3 phút nhưng đi vào vấn đề thời sự, những câu nói danh ngôn, những hành động đẹp đẽ, hình ảnh bắt mắt. Khi thu hút được nhiều người quan tâm, được nhiều bạn trẻ chia sẻ, những website này chuyển sang phát tán những thông tin phản động, phiến diện, một chiều”[6] nhằm đẩy mạnh hoạt động phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo, kích động quần chúng đòi tự do tôn giáo…
Các phần tử cực đoan trong và ngoài nước khai thác những thiếu sót mang tính cá biệt trong thực hiện chính sách tôn giáo ở một số nơi để kích động người dân, tín đồ tổ chức các cuộc biểu tình, quay video phát tán lên các trang mạng xã hội do chúng thành lập, xuyên tạc tình hình tôn giáo, vu khống Việt Nam hạn chế tự do tôn giáo, kiểm soát hoạt động tôn giáo…
Hai là, tác động một số diễn đàn, tổ chức quốc tế để thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là cơ quan tham vấn độc lập cho Quốc hội Mỹ, thành lập nhằm phục vụ cho việc cải thiện “nhân quyền” ở các nước mà Mỹ cho là “cần quan tâm đặc biệt”.
Trong các báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo tại Việt Nam, USCIRF cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước”; chỉ trích chính quyền và Công an Việt Nam; USCIRF đặc biệt quan tâm đến số tượng vi phạm pháp luật bị xét xử được họ gọi là “tù nhân lương tâm” và thông tin USCIRF sử dụng trong các báo cáo này chủ yếu từ nguồn thiếu kiểm chứng, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng cực đoan móc nối với các phần tử chống đối trong nước nên luôn thiếu khách quan, thiếu xác thực, thậm chí xuyên tạc về tự do tôn giáo ở nước ta.
TS. Nguyễn Công Trí trong bài viết: Nhận diện luận điệu xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam và sự thật không thể phủ nhận, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới qua đấu tranh chính luận (2022) nêu rõ thủ đoạn: “Các đối tượng cầm đầu của các tổ chức này lập các “hồ sơ vi phạm tự do tôn giáo”, “danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo” chuyển cho Bộ Ngoại giao Mỹ và một số tổ chức quốc tế vu cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền” và kêu gọi các tổ chức này gây sức ép với chính quyền Việt Nam”.
Ba là, tìm cách “chính trị hóa” vấn đề tôn giáo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo.
|
Các buổi sinh hoạt tại nhóm đạo Tin lành ở bản Si Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên luôn khuyên nhủ tín hữu “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc”; đồng thời phản bác lại 2 tà đạo là "Giê Sùa" và "Bà cô Dợ". (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm gần đây xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới bị lợi dụng vào mục đích chính trị, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định xã hội như: “Vương quốc của người Mông” gắn với đạo Tin lành Vàng Chứ, “Nhà nước Tin lành Đềga” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam bộ; đạo "Bà cô Dợ"; đạo "Giê Sùa" ở một số địa phương vùng núi Tây Bắc... nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo… Đây đều là những tà đạo, không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Các thế lực thù địch lợi dụng một số vấn đề thời sự trong nước, trong đó có đất đai liên quan đến tôn giáo để kích động, lôi kéo một bộ phận người có đạo gây mất ổn định chính trị, xã hội. Lôi kéo, mua chuộc, nuôi dưỡng các phần tử cực đoan, ly khai trong các tôn giáo ở trong và ngoài nước, tuyên truyền kích động gây mất ổn định tình hình các tôn giáo ở Việt Nam.
Từ vấn đề tôn giáo bị lợi dụng cho thấy, các thế lực ngoại xâm và thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm can thiệp vào tình hình nội bộ của nước ta. “Họ luôn lợi dụng con bài tự do tôn giáo để nuôi dưỡng, dung túng cho những tổ chức phản động lưu vong, hỗ trợ những thành phần chống đối trong nước tìm cách tác động, xuyên tạc tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam hòng gây sức ép, hạ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Họ dựa trên những báo cáo sai lệch để xuyên tạc tình hình thực tế tín ngưỡng, tôn giáo trong nước, trực tiếp can thiệp việc xử lý số đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá ở Việt Nam”.[7]
Những chiêu bài, thủ đoạn của các thế lực thù địch thể hiện dã tâm phá hoại chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, hòng gây nên những bất ổn chính trị trong nước.
Sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam cũng cho thấy những vấn đề liên quan đến tôn giáo luôn cần được giải quyết thỏa đáng để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, không tạo cớ cho các thế lực chính trị bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta./.
------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] TS. Nguyễn Công Trí: Nhận diện luận điệu xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam và sự thật không thể phủ nhận, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới qua đấu tranh chính luận, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.500
[2] Nguyễn Thanh Xuân (2023), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr. 228
[3], [4] PGS. TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Đẩy mạnh mặt trận thông tin đối ngoại về quyền con người, (2023), Báo Thế giới và Việt Nam (Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao) https://baoquocte.vn/day-manh-mat-tran-thong-tin-doi-ngoai-ve-quyen-con-nguoi-240330.html
[5], [6] Phạm Hưng: “Cảnh giác trước thông tin xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam”, Tạp chí Thời đại VietNam Times, ngày 24/10/2019, https://thoidai.com.vn/canh-giac-truoc-thong-tin-xuyen-tac-ve-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-90854.html
[7] Nguyễn Xuân Thịnh: "Bóc trần chiêu trò “khảo sát tôn giáo Việt Nam” của BPSOS", Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn, ngày 11/3/2024, https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/boc-tran-chieu-tro-khao-sat-ton-giao-viet-nam-cua-bpsos-i724892/
-------------------------------
Mời đọc bài cuối: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - Sự thật không thể phủ nhận
ThS. Hoàng Thị Cúc - TS. Phạm Ngọc Minh