Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam

LOẠT BÀI: BÓC TRẦN VÀ ĐẬP TAN LUẬN ĐIỆU LỢI DỤNG NHÂN QUYỀN ĐỂ CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Thứ sáu, 28/06/2024 08:15
(ĐCSVN) - Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thì mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, tin tưởng, kiên định, giữ vững con đường cách mạng và thành tựu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước ta.

Bài 1: Những thành tựu không thể phủ nhận về quyền con người tại Việt Nam

Bài 2: Vạch trần luận điệu phủ nhận thành tựu nhân quyền ở Việt Nam

Để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào. Trong đó, điều đặc biệt là rất nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức tự xưng về nhân quyền chưa từng đặt chân đến Việt Nam nhưng lại dựa theo các báo cáo, thông tin để lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” nhằm mục đích kêu gọi sự can thiệp của quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Đơn cử, như có báo cáo nhân quyền và nội dung báo cáo nhân quyền của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế đã đưa ra những thông tin không chính xác cho rằng Việt Nam bắt, giam giữ những người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội... Nhằm minh chứng cho những nội dung được đưa ra trong bản báo cáo, nhiều đối tượng được liệt kê và họ cho là “các nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” thời gian qua như Lê Anh Hùng, Phan Tất Thành... Thực chất, đây đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phạm các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự, bị bắt giữ, điều tra, có đối tượng đã bị đưa ra xét xử và tuyên phạt với những bản án đúng người, đúng tội theo đúng pháp luật hiện hành, được dư luận và người dân Việt Nam đồng tình, ủng hộ.

Có thể thấy rằng, các chiêu bài cũ rích mà các thế lực, thù địch có quan điểm sai trái, thường hay vu cáo về nhân quyền Việt Nam trong một số báo cáo thường đưa ra các luận điệu như: Chính quyền Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và tổ chức nhân quyền độc lập; giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập; các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bắt giữ tùy tiện, biệt giam… Hay như, thông qua giải thưởng nhân quyền cho các đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước. Đơn cử như, báo cáo “Sức mạnh nhân dân bị tấn công năm 2023” của tổ chức “Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân” (CIVICUS Monitor) nhằm bênh vực, đòi thả tự do cho số đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam khi có các hành vi phạm tội tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ như Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Phan Sơn Tùng...

Những luận điệu sai trái của CIVICUS cho thấy âm mưu, thủ đoạn của tổ chức này là vu cáo Việt Nam quyền tự do dân chủ “bị bịt kín” nhằm cổ súy ra đời các tổ chức đội lốt “xã hội dân sự” hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích; phủ nhận những thành tựu dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Từ đó, đưa ra những “yêu sách” đòi mở rộng quyền tự do, dân chủ đứng ngoài pháp luật; đòi thực hiện chế độ đa đảng và thúc đẩy ra đời các tổ chức chính trị đối lập với xu hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tìm cách kích động phản kháng, biểu tình, bạo loạn lật đổ, thực hiện mưu đồ triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. 

Với mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội cực đoan đã cố tình xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam không coi trọng dân chủ, nhân quyền, phớt lờ các quyền cơ bản của con người, vi phạm quyền công dân. Hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch phản động ngày càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, chúng còn tuyên bố rằng vi phạm dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa phi dân chủ; chúng còn yêu cầu đưa Việt Nam vào danh sách đen các nước cần được quan tâm, giám sát đặc biệt về dân chủ nhân quyền.

Những quy chụp cho rằng Việt Nam xem xét nhân quyền với nội hàm quá rộng, thiên về khuôn phép xã hội, coi nhẹ bảo đảm quyền tự nhiên cụ thể của cá nhân cùng với những luận điệu nhân danh nhân quyền để ra sức cổ xuý các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây, lấy nhân quyền phương Tây để phổ quát toàn thế giới, cao hơn chủ quyền quốc gia là căn cứ phi khoa học để các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam. Điều này vi phạm đến công ước và nguyên tắc quốc tế, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Lợi dụng triệt để thông tin, báo cáo, số liệu phiến diện, vu cáo, sai lệch của các tổ chức, các trang thông tin như BBC New, RFA, RFI, VOA tiếng Việt, Thoibao.de… và các tổ chức phản động như “Việt Tân”, “Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS)”… liên tục đăng các bài viết, rêu rao luận điểm, trích dẫn thông tin sai lệch từ các báo cáo nhằm xuyên tạc thành tựu nhân quyền của Việt Nam.

Chúng kích động, thổi phồng, quy chụp cho rằng chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt bớ, giam cầm tuỳ tiện… Khi “điểm lại” một số vụ án như vụ Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên, Thái Văn Đường, Đặng Đình Bách… với những biệt danh rất nổi và “nổ” như “nhà hoạt động vì môi trường”, “chuyên gia năng lượng xanh”, “blogger”, “tù nhân chính trị”… và đưa ra luận điệu Việt Nam “tiếp tục hình sự hoá và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền bao gồm các nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động vì quyền của người thiểu số và các học giả trong khi các tù nhân chính trị bị đối xử tàn tệ trong tù”.

Các tổ chức phản động đăng các bài viết, rêu rao luận điểm, trích dẫn thông tin sai lệch, với những luận điệu lợi dụng nhân quyền lặp đi lặp lại nhiều lần đến lố bịch nhằm xuyên tạc thành tựu nhân quyền của Việt Nam. 

Về mặt bản chất, tất cả các thông tin trên đều bịa đặt, vu cáo, sai lệch, phiến diện; lợi dụng các đối tượng phạm tội là những người hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, luật sư,… nên thế lực bên ngoài đã câu kéo, móc nối để kích động, xuyên tạc, thổi phồng các vụ việc này, quy chụp cho chính quyền Việt Nam.

Thực tế, vụ án của bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt tạm giam để điều tra hành vi vi phạm pháp luật khi bà Hồng không thực hiện quy định đóng thuế khi nhận những nguồn tài trợ kinh phí từ một số tổ chức nước ngoài để hoạt động; Nguyễn Thị Tố Nhiên - Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam bị bắt tạm giam về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức quy định tại Điều 342 Bộ Luật Hình sự; “Thái Văn Đường” tên thật là Đường Văn Thái - một đối tượng phản động thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước, đang bỏ trốn tại Thái Lan, tháng 4/2023 xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh; Đặng Đình Bách - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững bị khởi tố về tội trốn thuế…

Các thế lực thù địch, tổ chức phản động còn cáo buộc Việt Nam xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hạn chế quyền tự do ngôn luận, kiểm soát trên không gian mạng. Việc các tổ chức phản động xuyên tạc vấn đề nhân quyền trên không gian mạng ở Việt Nam thực chất là muốn xoá bỏ Luật An ninh mạng nhằm tạo kẽ hở để chúng lợi dụng không gian mạng như phương tiện để nhằm phá hoại tư tưởng, can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình nội bộ của nước ta.

Thực tế, hiện nay các quốc gia trên thế giới đều đã quan tâm đến những diễn biến, phát ngôn, hoạt động trên không gian mạng, theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, 138 quốc gia (trong đó 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng, với nhiều cái tên khác nhau nhưng nội dung chính là nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp, cơ quan công quyền cũng như bảo vệ quyền của người dân trên môi trường không gian mạng. Cần phải khẳng định rõ rằng, Việt Nam cũng như các quốc gia khác ban hành Luật An ninh mạng không phải cấm đoán công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc đăng tải, sử dụng thông tin trên không gian mạng… Luật An ninh mạng của Việt Nam tạo cơ sở để giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động phòng, ngừa và xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trong đó Luật cũng liệt kê rõ ràng, cụ thể các hành vi nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó có những hành vi xâm phạm đến quyền con người. 

Một thủ đoạn các thế lực thù địch sử dụng những năm qua là “chính trị hoá” các vấn đề xã hội, các vụ án hình sự, qua đó xuyên tạc, áp đặt cho đó là vi phạm nhân quyền, vi phạm dân chủ, tranh dành quyền lực… suy diễn lái vụ việc sang những vấn đề chính trị, cho rằng đó là bản chất của chủ nghĩa xã hội, do “Đảng độc quyền lãnh đạo”. Một số vụ việc từ năm 2013 đến nay đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc trắng trợn, cắt ghép, thổi phồng những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, chính quyền địa phương, quy chụp do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý của Nhà nước. Đơn cử như vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), khi có phương án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp của chính quyền xã, xuất hiện nhóm “Đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu đã lừa mị người dân không nhận đất sản xuất, không đi bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, lôi kéo người dân tổ chức khiếu kiện liên quan đến “đòi đất” quốc phòng; sau đó các đối tượng này đã manh động sát hại 3 chiến sĩ công an khi đang làm nhiệm vụ. Với những tội ác của mình, các đối tượng đã bị Toà án Nhân dân TP Hà Nội và Toà án Nhân dân Cấp cao Hà Nội xét xử về các tội “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ”, trước toà các bị cáo đều đã nhận tội và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Lợi dụng vụ việc này, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã cắt ghép, dàn dựng, xuyên tạc chính quyền các cấp, vu cáo “Chính quyền coi dân như kẻ thù”, xuyên tạc trắng trợn “Quân đội đồng loã với chính quyền cướp đất đồng Sênh”, “quân đội thu hồi đất để làm sân gold”… từ đó lợi dụng vấn đề đất đai để đòi sửa Hiến pháp, Luật đất đai, “trả lại quyền tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam”. 

Hay như vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam và bị xét xử về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Rồi đến vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt giam về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” và việc truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ đại án Việt Á truy tố 2 cựu Bộ trưởng cùng một loạt Vụ trưởng, Vụ phó, cán bộ UBND tỉnh, tỉnh uỷ; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành… về các tội “Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Và vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB do Trương Mỹ Lan cầm đầu đã được đưa ra xét xử sơ thẩm với những bản án nghiêm khắc cho thấy Việt Nam rất nghiêm minh, không có vùng cấm...

Tuy nhiên, lợi dụng sự chú ý của dư luận với những vụ đại án này, các trang mạng xã hội phản động đã tranh thủ tung ra các thông tin xấu, độc, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thậm chí chúng đưa ra những luận điệu vô căn cứ, bóp méo trắng trợn sự thật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, rêu rao sai lệch về luật pháp, chính quyền, về chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước ta.

 

Có thể nhận thấy, mục đích đê hèn của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng dân chủ, nhân quyền là "chiêu bài" cuối cùng để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước để đi tới âm mưu lật đổ chính quyền. Như đã chỉ ra ở trên, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những vấn đề có tính nhạy cảm như vấn đề xã hội, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền... để chống Việt Nam. Các hành vi này có tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt và nguy hiểm.

Đơn cử, như mới đây nhất, ông Thích Minh Tuệ từ hình ảnh một khất sĩ đầu trần chân đất, mặc tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải, đi khất thực dọc theo các tuyến đường từ Nam ra Bắc đã được các youtuber, tiktoker, facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng”. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, việc nhiều người đi theo ông Thích Minh Tuệ đã gây ảnh hưởng đến giao thông, trật tự, trong đó một số người gặp vấn đề về sức khỏe, có người bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường, có người bị tử vong. Trước những sự việc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Thích Minh Tuệ về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Thích Minh Tuệ được đi bộ và hành trình theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho bản thân ông và người dân, cũng như sự ổn định xã hội. Ông Thích Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. 

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: TTXVN 

Thế nhưng, khi ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực, các tổ chức như Việt Tân, Đài Á Châu Tự do, Chân trời mới media, Thời báo.de… liên tiếp xuyên tạc việc ông Thích Minh Tuệ dừng khất thực do bị “trấn áp”, xuyên tạc chính quyền đang “vùi dập một người chân tu chân chính”, “áp đặt người dân không được sống đúng với tín ngưỡng, tự do tôn giáo”. Từ đó, các tổ chức này xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, cố tình thổi phồng, và đưa thông tin không đúng sự thật, qua đó gieo rắc hoài nghi, phân biệt giữa người tu trong các tổ chức tôn giáo, kêu gọi người dân lên tiếng phản đối chính quyền, cổ súy người dân tiếp tục xuống đường...

Do vậy, để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thì mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác tin tưởng, kiên định, giữ vững con đường cách mạng và thành tựu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước ta. Trong đó, cần thiết phải nhận diện thấy rõ những âm mưu lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” thông qua việc tìm hiểu những đặc điểm, ngôn từ, cách diễn đạt, nguồn địa chỉ thông tin, video, so sánh kiểm chứng đúng - sai, thật - giả trên các trang mạng khác nhau, xác định đường liên kết tên miền của Việt Nam hay nước ngoài của những tổ chức trong nước hay là các tổ chức phản động, lưu vong dựng chuyện. Từ đó, có những nhìn nhận chính xác được vấn đề, nhất là mạng xã hội mà các thế lực thù địch dùng làm phương tiện triển khai "chiêu bài nhân quyền". Đồng thời, theo điều kiện và khả năng thực tế cần tích cực tham gia đóng góp công sức vào quá trình phát triển của đất nước; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước ta, bảo vệ và phát huy quyền con người không chỉ là thành quả của cách mạng mà còn là mục tiêu nhất quán trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc nhận diện, bóc trần và đập tan những thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay là nhằm góp phần ngăn chặn sự phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử xấu chống phá cách mạng Việt Nam, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân Việt Nam nói chung trong tiến trình đổi mới đất nước, phát triển đất nước Việt Nam hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./. 

TS. Trần Quốc Tuấn - Đỗ Phương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực