Lào Cai tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo

Chủ nhật, 28/01/2024 17:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Lào Cai đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, với trên 182 km biên giới, gồm 25 nhóm ngành dân tộc anh em cùng sinh sống và có hơn 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 138/152 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 68 xã khu vực I, 4 xã khu vực II, 66 xã khu vực III, 605 thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chuẩn giai đoạn 2016 – 2020 của toàn tỉnh là 5,31%; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2023 đạt 4,43%, hiện còn 14,9%, hộ cận nghèo còn 10,25% (theo tiêu chí mới).

Trên địa bàn tỉnh có nhiều tôn giáo hoạt động, điển hình là đạo Phật; đạo Thiên chúa giáo; đạo Tin lành… Bên cạnh đó, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có một số tổ chức mang màu sắc tôn giáo hoạt động như tổ chức bất hợp pháp “Dương Văn Minh”, tà đạo “Bà cô Dợ”, tổ chức mang màu sắc tôn giáo như Ngọc phật Hồ Chí Minh, đạo Hoàng Thiên Long… lén lút hoạt động, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch dịp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thành lập ban chỉ đạo các cấp, thành lập nhóm chuyên gia, tổ giúp việc và đội ngũ cộng tác viên trong toàn tỉnh, thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội cả ở thực địa và trên mạng xã hội, kịp thời tham mưu đề xuất xử lý các vụ xảy ra trên địa bàn để không trở thành “điểm nóng”, phức tạp ở cơ sở; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn gọi hỏi, bóc gỡ, xử lý kỹ thuật khi có các thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội nhằm ổn định tình hình, không gây hoang mang trong Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ đạo thành lập, vận hành 167 trang tuyên truyền trên mạng xã hội của Ban Chỉ đạo 35 các cấp và 152 xã, phường, thị trấn. Đây là kênh thông tin chia sẻ, lan tỏa các thông tin chính thống trên mạng xã hội được người dân ở địa phương thường xuyên theo dõi và chia sẻ các thông tin. Tới nay, đã chia sẻ trên 3.000 tin, bài viết, phóng sự, video, clip từ các trang chính thống; thực hiện trên 12.300 lượt bình luận đấu tranh. Công tác tuyên truyền thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí, truyền thông ngày càng được đổi mới, phong phú, đa dạng; chỉ đạo và thực hiện rà soát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với vấn đề dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng còn tồn tại những hạn chế và khó khăn nhất định. Ở những thôn bản xa xôi, biên giới, nơi mà nhận thức của đồng bào còn hạn chế, đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để truyền đạo trái pháp luật; gieo rắc thông tin nhảm nhí, luận điệu xuyên tạc, kích động hòng gây rối trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay.

Để góp phần củng cố, tăng cường niềm tin trong các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự ổn định, phát triển, việc tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với vấn đề dân tộc thiểu số cần tiếp tục được coi trọng và thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, nhất quán trong chủ trương đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, phát huy tính sâu sắc, chính luận qua kênh tuyên truyền trên báo chí; tính linh hoạt, sinh động của tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tính trực quan của hệ thống pa nô, áp phích, tranh cổ động; tính lan tỏa, tác động tâm lý, tình cảm của hình thức tuyên truyền qua văn hóa, văn nghệ, sân khấu hóa; sự nhanh nhạy, thường xuyên, đa dạng của Internet, mạng xã hội… phù hợp với địa bàn, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân. Chú trọng làm rõ đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo, đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp gắn với phát huy vai trò công tác tuyên vận trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Chú trọng biên soạn, cung cấp, triển khai các chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; chuyên đề làm rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá về vấn đề dân tộc, tôn giáo… tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận cấp xã hàng tháng và làm tài liệu phục vụ hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân của tổ tuyên vận, các chi hội đoàn thể thôn, tổ dân phố.

Chú trọng nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân ở cơ sở, phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo để có phương án giải quyết hiệu quả ngay từ cơ sở. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền quan điểm của Đảng ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, nói xấu, chống phá gây mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ niềm tự hào dân tộc trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ba là, chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò của các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 35 từ tỉnh đến cấp huyện, nhất là lực lượng chuyên gia, cộng tác viên trong viết bài tuyên truyền, đấu tranh trực diện với các luận điệu, quan điểm, thông tin sai sự thật, xấu độc về vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch. Phát huy sức mạnh tổng lực của lực lượng báo chí, văn học nghệ thuật, Internet, mạng xã hội toàn tỉnh, nhất là hệ thống trang tuyên truyền của lực lượng Ban Chỉ đạo 35 từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, lan tỏa, “phủ xanh” mạng xã hội các thông tin tích cực, chính thống với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “bảo vệ Đảng là bảo vệ chính mình”.

Bốn là, tăng cường xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương. Bảo đảm thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả các chính sách, đề án, kế hoạch đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quan điểm “tập trung ưu tiên phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số”, và “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân” đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thực tiễn đã khẳng định, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc thiểu số là sự kiên định, nhất quán với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng, to lớn, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam sau hơn 37 năm đổi mới. Song, với bản chất phản động, âm mưu chống phá, các thế lực thù địch không từ bỏ thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mạng, tuyên truyền vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Do đó, công tác chăm lo chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, ngày càng phức tạp, cam go, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của cả hệ thống chính trị các cấp./.

 

Phùng Nam Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực