Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
|
Đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. |
Với góc nhìn của một đảng viên sinh hoạt chi bộ tại địa bàn dân cư, tôi thấy có những vấn đề cần trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ nhiệm vụ của người đảng viên trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong sinh hoạt hằng ngày, khi tiếp xúc với mọi người, mọi thành phần trong xã hội, chúng ta không thể không nghe những tiếng khen, lời chê hoặc phê phán sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước. Có những lời khen đúng, chê hoặc phê bình đúng, cần phải nghe để kiến nghị các cấp sửa chữa làm cho tốt hơn. Song, cũng có những sự phê phán, phản bác với luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ... Là đảng viên, chúng ta cần nhìn cho đúng bản chất của từng sự việc để chống lại, phản bác, đấu tranh lại những luận điệu sai trái của những cá nhân, thế lực thù địch!
Nếu chú ý một chút, chúng ta có thể thấy các thế lực thù địch, những cá nhân phản động, những người trước kia hoạt động cách mạng hoặc công tác trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhưng do bất mãn hoặc vì lý do nào đó đã quay ngoắt lại nói xấu Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử ...
Đối với Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, cá nhân phản động, cơ hội... thường lu loa rằng: Đảng không thể chống tham nhũng thành công, vì chế độ độc đảng cầm quyền sẽ thủ tiêu đấu tranh; muốn chống tham nhũng thành công thì phải mở rộng dân chủ, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chia sẻ trên mạng xã hội những bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chê bai quản lý yếu kém, tham nhũng; bịa đặt, suy diễn thiếu căn cứ gây hiểu lầm, hoang mang trên cộng đồng mạng và trong nhân dân nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ... Trên thực tế ở nơi này, nơi khác, có những đảng viên vẫn còn sinh hoạt đảng, lại đi nói xấu Đảng, phê phán đường lối, chủ trương của Đảng thiếu căn cứ, nói ẩu, nói bừa. Có người nói thẳng rằng còn ở trong đảng là vì quyền lợi chính trị của gia đình mình, chứ thật tình không thiết tha gì với lý tưởng của Đảng. Chính vì thấy được thực trạng đó, nên Đảng mới chỉ ra sự thoái hóa chính trị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...của một bộ phận đảng viên.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật... Thời điểm họ xuyên tạc thường vào những dịp, những sự kiện lớn như: đại hội đảng các cấp, toàn quốc, hay mới đây là dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(30/4/1975 - 30/4/2021) và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.... Luận điệu nói xấu, xuyên tạc là nhằm hạ thấp ý nghĩa to lớn của chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam; rằng giải phóng được Sài Gòn gần như nguyên vẹn là nhờ trước đó Dương Văn Minh đã “chủ động hoà hợp hoà giải”; hay “Việt Nam không nên kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 nếu muốn hòa hợp dân tộc”! Còn trong cuộc bầu cử, chúng xuyên tạc rằng việc bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, không minh bạch, không dân chủ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; bịa đặt, tung tin sai sự thật về công tác nhân sự; kích động, kêu gọi người dân không tham gia bầu cử; lợi dụng việc "tự ứng cử" để gây rối; kêu gọi cử tri “tẩy chay bầu cử”, “không đi bỏ phiếu”, “bỏ phiếu trắng”… với mong muốn tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Và hơn thế nữa, thông qua việc tuyên truyền với luận điệu “tẩy chay bầu cử”, các thế lực phản động, thù địch còn muốn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ cho các âm mưu, hoạt động chống phá của chúng.
Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam biết rất rõ về tình hình đất nước của mình. Trong 46 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển , đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Những thành tựu trong thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, chính là kim chỉ nam hành động của toàn thể đảng viênvà Nhân dân ta nhằm đề cao cảnh giác, không bị động, lúng túng trước những luận điệu và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những cá nhân phản động, bất mãn chế độ. Quá trình thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW sẽ giúp cho từng đảng viên nhìn lại mình, nâng cao nhận thức trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cụ thể hơn, trong mỗi cuộc họp chi bộ, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi đảng viên từ lời nói, việc làm phải là hạt nhân của sự đoàn kết ở địa phương, trong cơ quan, nơi cư trú... Mặt khác, mỗi đảng viên khi tham gia mạng xã hội, cần thận trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Nếu nhận thấy có thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc, thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức, thông tin có nội dung, luận điệu xuyên tạc, đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ... thì phải có ý kiến đấu tranh,phản bác lại những thông tin sai trái đó một cách sắc bén; không im lặng cho qua hoặc thờ ơ, xem như mình vô can. Mỗi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy tín của mỗi đảng viên./.