Nâng cao nhận thức người làm báo trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Thứ năm, 28/10/2021 09:51
(ĐCSVN) - Hòa Bình đã có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò hết sức quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hoá, thực sự trở thành vũ khí sắc bén, là công cụ lãnh đạo của Đảng. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng nói chung, báo chí nói riêng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó có tác dụng chuyển tải, trao đổi thông tin, tri thức ( khoa học, kỹ thuật, văn hoá, chính trị...) đến con người một cách nhanh nhất, thường xuyên nhất.

Cần nâng cao nhận thức đội ngũ nhà báo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Tỉnh Hòa Bình đã tăng cường công tác quản lý, định hướng thông tin, báo chí, tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin để Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, chủ động thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, tiêu cực, bất mãn trên địa bàn tỉnh.

Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991) đến nay, báo chí Hoà Bình không ngừng phát triển và đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của các cấp uỷ đảng địa phương, hệ thống các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển, thường xuyên và kịp thời bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh  để tuyên truyền, vận động, cổ vũ nhân dân tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí được xem là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và là diễn đàn để nhân dân bày tỏ ý chí và nguyện vọng, đề xuất kiến nghị, góp phần giải quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước, của tỉnh.

Báo chí là loại hình các phương tiện truyền thông đại chúng được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động, có nhiệm vụ chuyển tải thông tin nhanh nhất, mới mẻ nhất đến cho đông đảo công chúng. Để báo chí phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và các tầng lớp nhân dân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ở góc độ của người công tác ở địa phương, cần tập trung vào các giải pháp sau:

1. Các cơ quan báo chí gắn kết chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm trong tuyên tuyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Kịp thời nắm bắt hoạt động của các tôn giáo, không để các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.

2. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, các cơ quan báo chí phải kịp thời phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

3. Báo chí phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực tế ở địa phương cũng như địa bàn cả nước khi các thông tin bịa đặt, kích động mà các thế lực thù địch tung ra, các cơ quan báo chí có những bài, hay đợt tuyên truyền phù hợp làm rõ đường lối đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì hiệu quả tuyên truyền và phản bác các quan điểm sai trái sẽ có hiệu quả cao.

4. Tạo ra được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản với các tờ báo, các Đài phát thanh, truyền hình và các cấp chính quyền. Vừa tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động trong công tác và hoạt động vừa chịu sự chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chủ quản, chính quyền. Đi đôi với nâng cao chất lượng báo chí, chúng ta cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Ở góc nhìn từ một địa phương khi có các vấn đề, hiện tượng mà các thế lực thù địch phản động xuyên tạc, kích động nếu các cơ quan báo chí của tỉnh nhanh chóng có những bài mang tính định hướng phân tích sâu, rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, chỉ ra những âm mưu xuyên tạc, kích động, gây rối thì sự việc sẽ được giải quyết rất nhanh chóng. Ngược lại nếu không có những bài báo có tính định hướng phân tích sâu tình hình sẽ trở nên rất phức tạp.

5. Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và các tầng lớp nhân dân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới thì cùng phải đi đôi với xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phù hợp với thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế vừa có nhiệm vụ quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vừa có nhiệm vụ chuyển tải thông tin tới nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Để người dân hiểu rõ hơn, sâu hơn những thành tựu mà chính quyền địa phương, Đảng, Nhà nước đã làm được cho nhân dân, các quốc gia khác còn chưa làm được, cần mở rộng các hình thức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận với các đại diện cơ quan báo chí tại các khu dân cư.

6. Thường xuyên thực hiện công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, sự phối kết hợp của các cơ quan tham gia quản lý báo chí. Trước những sự kiện, những vấn đề của tỉnh được dư luận quan tâm, các cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành vào cuộc phản ánh, phân tích nhiều chiều nên có thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí của tỉnh để xác minh, đồng thời kịp thời định hướng dư luận.

7. Công nghệ hiện đại, cộng với những tiện ích của internet đã khiến người ta có thể xuất bản báo rất nhanh chóng, giảm bớt nhiều quy trình xử lý quá phức tạp do rào cản của các yếu tố kĩ thuật. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những điều kiện thuận lợi và thách thức đối với báo chí. Các cơ quan báo chí cần tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để thúc đẩy năng lực của báo chí trong việc thông tin nhanh nhạy, đa chiều, thiết thực tới công chúng đã được đặt ra. Tăng tính định hướng thông tin trong các hoạt động tương tác với người đọc thông qua các ứng dụng của mạng xã hội, đưa sản phẩm báo chí vào mạng xã hội để độc giả tiếp cận. Theo khảo sát cho thấy một bộ phận người dân ít xem, thậm chí không xem các sản phẩm báo chí chính thống, do vậy họ không nhận thức đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hay bị các thế lực thù địch lợi dụng. Vì thế, chúng ta phải tận dụng mạng xã hội mang các sản phẩm báo chí chính thống đến với họ./.

Nguyễn Đoàn Cần - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực