Nhận diện một số quan điểm lệch lạc và những phần tư cơ hội chính trị

Thứ sáu, 05/11/2021 14:14
(ĐCSVN) - Việc nhận diện, điểm mặt chỉ tên những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị là công việc khó khăn, song không phải là nhiệm vụ “bất khả thi”. Nếu điểm mặt, chỉ tên được những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị, chúng ta mới có thể chủ động phòng ngừa, giữ vững từ bên trong, góp phần đấu tranh có hiệu quả các hoạt động móc nối trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.

Trước hết, chúng ta cần nhắc lại rằng: Lệch lạc là sai lệch, không đúng, không ngay ngắn. Những quan điểm, tư tưởng, suy nghĩ lệch lạc đương nhiên là những quan điểm không đúng, sai lệch; có nghĩa là trái ngược với sự đúng đắn, sự thật, lẽ phải và chân lý. Thực tế, sự không đúng, lệch lạc có phổ khá rộng, không chi tiết, cứng nhắc nhưng có thể hiểu đó chính là sự phiến diện, một chiều, quy chụp, méo mó, bịa tạc, vi phạm pháp luật…

Trong tiếng Anh, sự lệch lạc là Deviance hay Deviant Behavior, còn có nghĩa là sự lầm lạc, hành vi lệch lạc. Đó là một khái niệm thuộc lĩnh vực xã hội học, được định nghĩa là sự vi phạm có nhận thức các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng của một nhóm hay của xã hội. Trong thực tế, các tiêu chuẩn văn hóa và kỳ vọng bao trùm khá rộng các hoạt động của con người, vì thế sự lệch lạc cũng mang nghĩa rộng tương ứng. Tóm lại, sự lệch lạc thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, ví như sự vi phạm các quy phạm pháp luật, là tội phạm, thấp hơn là sự không tuân thủ các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng ở các cấp độ khác nhau…

 

Trong phạm nội dung này, tác giả xin khu biệt quan điểm lệch lạc là những quan điểm không đúng, thậm chí trái ngược hoàn toàn với sự thật, với thực tế những gì đang diễn ra. Vì thế, những sự chống đối của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đối với cách mạng nước ta cũng không khó để nhận diện, dù cả trên môi trường Internet thật giả lẫn lộn khó lường; dù là dưới bất kỳ hình thức, âm mưu, thủ đoạn, luận điệu tinh vi, thâm độc, xảo quyệt đến thế nào đi chăng nữa.

Trước hết, phải thừa nhận rằng kể từ khi mạng xã hội phát triển bùng nổ ở Việt Nam, nhất là các mạng Facebook, YouTube với số lượng người dùng rất lớn trong vòng 15 năm trở lại đây; bên cạnh những tác dụng, là những mặt trái đi kèm, điển hình là các loại thông tin xấu, độc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân xuất hiện liên tục, dưới các hình thức ngày càng bài bản, tinh vi hơn. Điều hết sức nguy hiểm là không chỉ các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài ra sức chống phá, mà ở trong nước cũng không ít phần tử cơ hội, bất mãn chính trị vì tư lợi cá nhân, vì suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bất mãn, hằn học, đố kỵ, bon chen,… mà đang tâm xuyên tạc, “nối giáo cho giặc” chống phá chính người dân, đất nước mình... Xin nhắc lại rằng việc nhận diện, kiểm chứng sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị là điều không khó. Có thể điểm qua một vài “lát cắt” sau:

Về mặt thời gian: Trước bất kỳ sự kiện chính trị lớn nào của đất nước, trước mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội,… nhiều người quan tâm, chúng đều luôn có những chiêu bài để kích động, chống phá mà không từ bất kỳ thủ đoạn nào, đặc biệt là trên không gian mạng đầy hỗn loạn, khó phân biệt thật - giả, tốt - xấu. Đó là những đợt tấn công, chống phá điên cuồng; chứ thực tế sự hằn học, thù hận, dã tâm chống phá ấy diễn ra hết sức liên tục, thường xuyên.

Về mặt nội dung và hình thức: Trong mọi sự kiện, vấn đề, dù là phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ hay ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, chúng đều ra rả nhai lại những luận điệu cũ mèm, gồng mình gắng gượng bịa tạc, gán ghép, vô lối “thổi phồng” những hạn chế, khuyết tật về sự lãnh đạo của Đảng ta, về sự nghiệp cách mạng của đất nước ta với những câu từ lố bịch, gượng gạo, sáo rỗng. Chúng sáng tác, phát tán rất nhiều bài viết, hình ảnh, video clip thông qua nhiều con đường khác nhau, nhất là chuyển tài liệu từ nước ngoài vào, phát tán tài liệu trong nước, đăng tải các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội…

Thâu tóm, xâu chuỗi lại, những nội dung chống phá cách mạng nước ta mà các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị dày công tạo dựng có thể kể đến là:

Thứ nhất, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh;

Thứ hai, phủ nhận, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam;

Thứ ba, phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và xuyên tạc, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

Thứ tư, tuyên truyền sai lệch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng ta;

Thứ năm, tung ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật về nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, các nhiệm kỳ;

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, ra sức thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên hầu khắp các lĩnh vực…

Chúng tiến hành thực hiện điên cuồng sự chống phá vô lối, tùy tiện, lệch lạc bằng các thủ đoạn, phương cách cơ bản sau: 1. Lấy hiện tượng để quy kết thành bản chất; 2. Tạo ra những thông tin giả bằng nhiều cách khác nhau; 3. Lôi kéo, kích động nhiều người nhẹ dạ, cả tin, gây những mối nguy hại khó lường… Âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị là đòi xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá bỏ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là mối họa nguy hiểm tiềm tàng, thâm độc nhất.

Vậy Điều 4 Hiến pháp có nội dung như thế nào mà các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị luôn dã tâm, điên cuồng đòi xóa bỏ? Dưới đây là nội dung cụ thể của Điều 4:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.[1].

Thực tế lịch sử chính trị thế giới ghi nhận rằng, sự tự do, dân chủ không phụ thuộc, đồng nghĩa với sự đa nguyên, đa đảng; mà yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tự do, dân chủ đó là đảng lãnh đạo, cầm quyền của quốc gia đó có dựa vào, phụ thuộc và hướng đến vai trò làm chủ của nhân dân hay không. Có nghĩa rằng, bất kỳ đảng nào lãnh đạo đất nước, ở bất kỳ thể chế chính trị nào, cũng phải đặt mục tiêu vì nhân dân lên đầu tiên, coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm gắn với sự tồn vong của đảng mình. Và thực tế xuyên suốt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nhất là trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trong 24 năm liên tục (từ năm 1945 đến năm 1969); biểu hiện của một nhà nước của dân, do dân, vì dân được thể hiện ngay từ thuở ban đầu một cách hết sức rõ ràng, nhất quán. Dù điều này rất dễ dàng kiểm chứng, nhưng cũng xin dẫn ra đây một ví dụ thể hiện tư tưởng chủ đạo của Người về vấn đề này, với các quan điểm, chủ trương, đường lối đã được hiện thực hóa. Người khẳng định rằng nhà nước Việt Nam là Nhà nước do nhân dân làm chủ; Nhà nước phục vụ quyền lợi của nhân dân. Từ những ngày đầu mới thành lập nước, Người đã khẳng định rằng: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nước ta là nước dân chủ.

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2].

Một trong những quyền hạn ấy chính là nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước, để khiến nhà nước luôn thay đổi, thích ứng, hành động vì nhân dân. Tất nhiên, nhân dân phải có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ nhà nước, làm cho nhà nước ngày càng hoàn thiện, trong sạch, vững mạnh. Và trong tiến trình của cách mạng Việt Nam từ khi Bác qua đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân luôn được vận dụng, kế thừa, phát triển cho phù hợp với thực tiễn trong nước cũng như trên thế giới. Đó chính là sự thể hiện rõ ràng, thuyết phục nhất sự khẳng định bản chất tốt đẹp, quan trọng, nhất quán, quyết định vai trò, vị thế, bản chất của một đảng lãnh đạo của dân, do dân, vì dân - yếu tố tiên quyết quyết định sự tự do, dân chủ của một quốc gia.

Đó cũng chính là điều phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trước tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới hiện nay. Vậy nên, quan điểm đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị là hết sức lệch lạc, vô lý, thể hiện rõ sự chống đối, phá hoại đất nước ta một cách điên cuồng, bất chấp luật pháp cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân một nước độc lập, tự do.

Cũng trong phạm vi nội dung này, xin phép được nhận diện thêm phần nào về những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị hiện nay qua sự quan sát, tìm hiểu cá nhân cũng như sự nghiên cứu, khái quát, tổng kết của các nhà khoa học suốt thời gian qua. Thực tế, việc nhận diện, điểm mặt chỉ tên những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị là công việc khó khăn, song không phải là nhiệm vụ “bất khả thi”. Nhưng phải điểm mặt, chỉ tên được những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị, chúng ta mới có thể chủ động phòng ngừa, giữ vững từ bên trong, góp phần đấu tranh có hiệu quả các hoạt động móc nối trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.

Theo đó, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ở nước ta hiện nay hoạt động rất ồn ào, dưới sự cổ vũ, hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch, phản động. Các hoạt động của những phần tử ở trong nước này cũng nguy hiểm không kém các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước khi chúng liên tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phủ nhận các thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực mà đất nước đã đạt được; thường xuyên phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;… nhằm gây hoang mang dư luận, gây mất ổn định chính trị để phục vụ ý đồ làm rối loạn tư tưởng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, vị thế và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đến mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.

Các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đó chính là những đối tượng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; luôn hoài nghi, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có quan điểm, thái độ, lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, thiếu nhất quán, không kiên định, dễ dao động, bi quan, thiếu niềm tin, thoái chí, thỏa hiệp, phản bội, chống phá cách mạng, phá hoại sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Tóm lại, những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị là những phần tử đã thoái hóa, biến chất, nhưng chúng rất giỏi che giấu thân phận và quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị của mình. Họ luôn lợi dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội có thể để trục lợi, tiến thân chứ không vì tập thể, vì số đông. Họ dùng mọi thủ đoạn để  “chui sâu leo cao” để sử dụng quyền lực phục vụ cho lợi ích của cá nhân, nhóm nhỏ, chứ không bao giờ vì lợi ích tốt đẹp của tập thể, số đông, nói gì đến lợi ích của quốc gia - dân tộc. Họ thuộc nhiều thành phần, đối tượng khác nhau, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, công việc. Họ có thể hạn chế về nhận thức, thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin từ những kênh không chính thống, bị kẻ xấu lợi dụng; nhưng cũng có thể là do sống vụ lợi ích kỷ, dựa thói “công thần” sinh bất mãn; và đặc biệt nguy hiểm là những người đương chức, có học thức nhưng suy nghĩ, hành động thường trực sự sẵn sàng rắp tâm gây rối, chống đối, phá hoại. Họ luôn huyễn hoặc tự cho mình là tài giỏi, không được quan tâm, trọng dụng, cất nhắc, đảm trách các vị trí quyền lực, đối xử xứng đáng nên thường trực tâm lý, thái độ, hành vi bất mãn, chống đối chứ không hề hợp tác vì sự phát triển tốt đẹp chung… Đã thế, họ còn luôn núp dưới danh nghĩa đổi mới, cải cách, dân chủ, nhân quyền, vì tập thể, vì sự phát triển của đơn vị, xã hội, đất nước. Thế nhưng, chúng luôn bị bóc trần bản chất cơ hội, bất mãn, chống phá của mình khi những mục đích, mưu cầu cá nhân bị lộ tẩy.

Xin khẳng định rằng, cơ hội chính trị và bất mãn chính trị là hai khái niệm có nội hàm khác nhau, biểu hiện tư tưởng chính trị không giống nhau. Tuy nhiên, chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, và hết sức nguy hại, nhất là khi chúng câu kết với các thế lực thù địch, hoặc bị các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách lôi kéo, hỗ trợ, tiếp sức nhằm biến thành kẻ phản bội, phản động, sẵn sàng bán đứng đồng nghiệp, nhân dân và đất nước. Vì thế, đấu tranh chống lại các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị cũng là cuộc chiến tất yếu, khách quan, thường xuyên, cấp bách, bởi nó liên quan trực tiếp đến sự phát triển, thậm chí là sự tồn vong của mỗi đơn vị, cũng như toàn xã hội và đất nước. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, không khoan nhượng, với hệ giải pháp toàn diện về các vấn đề chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật.

Có thể tin rằng, với bản chất chính nghĩa, sự phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế và trong nước; sự bảo đảm, thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; công cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn, hành động phá hoại các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chắc chắc sẽ giành được thắng lợi, dù có khó khăn, gian nan đến đâu đi nữa!

----------------------------------

[1]Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 9

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 473.

TS. Nguyễn Tri Thức, Tạp chí Cộng sản

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực