Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Thứ hai, 24/06/2024 09:22
(ĐCSVN) - Quyền con người hay nhân quyền là vấn đề luôn được quan tâm và bàn luận từ rất sớm. Đồng thời, quyền con người là vấn đề nhạy cảm mà nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam luôn chú trọng thực hiện nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của đất nước, đồng thời qua đó cũng nhằm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận đầu tiên tại Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi giành được độc lập năm 1945. Sau đó, quyền con người, quyền công dân tiếp tục được khẳng định và mở rộng tại các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013. Cùng với đó Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn xác định con người là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các quan điểm này được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); Chỉ thị số 12-CT ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Đến Đại hội khóa XIII của Đảng trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhất quán tiếp cận vấn đề quyền con người gắn với quyền dân tộc, khẳng định chủ nghĩa xã hội là chế độ tốt nhất bảo đảm quyền con người cho nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Tùng Phương).

Mặc dù luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đặt mục tiêu nhưng các vấn đề về quyền con người vẫn thường xuyên bị các tổ chức, nhóm, hội phản động lợi dụng, chống phá nhằm tạo làn sóng dư luận không tốt. Theo dõi, đấu tranh trên nhiều phương tiện báo, đài, mạng xã hội… có thể thấy một số phương thức được các tổ chức, nhóm, hội phản động sử dụng để lôi kéo nhân dân của chúng ta tin là đúng và làm theo gây bất ổn dư luận xã hội. Các thủ đoạn này thường được biểu hiện dưới các hình thức sau:

Thứ nhấtđánh tráo khái niệm. Đây là hành động thay thế khái niệm này bằng khái niệm khác, khiến người ta hiểu sai về sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan nhằm đạt một mục đích nào đó. Những khái niệm được đánh tráo nhằm phủ nhận thành tựu của cách mạng; thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của Việt Nam, bôi đen hiện thực, gieo rắc hoài nghi trong nhân dân và cán bộ, quy chụp nguyên nhân là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia; bịa đặt, xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả Bác Hồ. Những luận điệu thường được tung ra, truyền bá vào từng thời điểm cụ thể như những ngày lễ lớn của đất nước, trước và trong các kỳ đại hội của Đảng… đánh vào tâm lý một bộ phận nhân dân, nhất là những người dân dễ bị kích động, trình độ nhận thức chưa cao, từ đó gieo rắc hoang mang, nghi ngờ trong lòng dân, tác động hòng làm đội ngũ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ haixuyên tạc mục tiêu, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra định hướng phát triển đất nước giải đoạn 2021 - 2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Chính vì vậy, càng ngày Đảng và Nhà nước ta càng có nhiều chính sách, chủ trương nhằm dành sự quan tâm đến nhân dân, đảm bảo quyền con người và sự phát triển con người đồng đều, toàn diện. Song, các thế lực thù địch, phản động lại luôn tìm mọi cách xuyên tạc mục tiêu, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Thứ balợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo.Về vấn đề này, các tổ chức, nhóm, hội phản động cố tình cho rằng Việt Nam có hai chính sách tôn giáo: (1) Chính sách bảo đảm trên hình thức và “chính sách” không bảo vệ, không bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trong thực tế thông qua “cơ chế xin - cho”; (2) Tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”. Đồng thời chúng xuyên tạc, vu cáo, chỉ trích các văn bản, chính sách, pháp luật về tôn giáo và lợi dụng các vụ việc và việc Nhà nước xử lý các đối tượng, vụ việc phức tạp liên quan tới tôn giáo. Các thế lực phản động xuyên tạc rằng: nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về dân tộc không tương đồng với các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng còn lợi dụng niềm tin tôn giáo của một bộ phận nhân dân theo đạo để xuyên tạc, lợi dụng các quyền đã có của họ biến thành không có để đòi quyền tự do tạo dư luận như một bài trên Youtube với tiêu đề “Chúng ta có quyền tự do mặc áo nâu, tự tu, cạo đầu”. Hay chúng còn lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng lôi kéo đồng bào các dân tộc thiểu số đấu tranh đòi thành lập “Vương quốc Mông”, “Nhà nước Đêga”.

Ngoài những phương thức trên, các tổ chức, nhóm, hội phản động, chống phá còn sử dụng nhiều cách thức khác nhau một cách tinh vi như lồng ghép một số nội dung không đúng vào các bài viết, tin bài bàn luận về một vấn đề nào đó trên mạng xã hội nhằm định hướng dư luận.

Để đấu tranh với các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về quyền con người bên cạnh việc nhận diện đúng thông tin đưa ra thì chúng ta cần có các biện pháp để ngăn chặn sự lan tỏa thông tin, xóa bỏ triệt để thông tin và cung cấp thông tin đúng sự thật cho nhân dân.

Trước hết phải luôn nâng cao tinh thần học tập chính trị, giữ vững lập trường, tư tưởng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thực hiện giải pháp này, trước hết các tổ chức trong hệ thống chính trị cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về hệ tư tưởng của Đảng, về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó cần nhận diện chính xác và tuyên truyền đến mọi cán bộ, đảng viên, và tầng lớp Nhân dân về những đối tượng, nhóm đối tượng, thủ đoạn, phương thức và những luận điệu xuyên tạc mà chúng sử dụng nhằm ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta hiện nay. Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, ngăn chặn sớm các tin tức xấu độc trên các trang mạng xã hội.

Cùng với đó, luôn luôn cảnh giác trước các thông tin từ những nguồn không chính thống, đặc biệt là các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuyệt đối không chia sẻ những thông tin từ nguồn không chính thống, chưa được kiểm chứng. Nếu biết rõ thông tin đó là không đúng thông qua các trang mạng xã hội có thể báo cáo bài viết, video đó trên trang chủ. Phổ biến tới toàn thể cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân cũng cần thực hiện 5K để phòng tránh (không tin ngay, không vội bấm “thích”, không thêm thắt, không kích động, không vội chia sẻ). Đính chính ngay những thông tin không đúng bằng nguồn tin chính xác, chỉ rõ luận điểm, thông tin không đúng đã được đăng tải.

Có thể thấy, việc đấu tranh, phản bác những luận điểm xuyên tạc, không đúng về quyền con người là một quá trình dài, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta mà nguồn lực lượng chính là đảng viên, nhân dân. Qua từng thời kỳ cùng với sự phát triển của xã hội đã phát triển nhiều hình thức tinh vi xuyên tạc của các thế lực thù địch về quyền con người nhằm vào chính quyền ta. Các thế lực thù địch không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào khi có thể để chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Do đó để bảo vệ quyền con người mà nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã cùng đấu tranh, gìn giữ, bảo vệ và phát triển mỗi đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần yêu nước, đề cao tinh thần cảnh giác và luôn giữ vững niềm tin vào Đảng và đường lối, chính sách của Đảng đã đề ra./.

Hoàng Thị Kim Ngân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực