Sự phát triển lý luận phương thức bảo vệ Tổ quốc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ ba, 30/08/2022 22:20
(ĐCSVN) - Lý luận phương thức bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là nội dung quan trọng trong hệ thống lý luận về BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Đảng. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đến trước khi có Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã xác lập đa dạng những vấn đề cụ thể về phương thức BVTQ. Đến Đại hội XIII, Đảng đã bổ sung, phát triển thêm một số vấn đề mới về phương thức BVTQ, góp phần hoàn thiện thêm lý luận và chỉ đạo nhiệm vụ BVTQ trong thời kỳ mới.
leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học "Lý luận - Thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" ngày 20/7. (Ảnh minh họa: Hải Minh)

Phương thức BVTQ là tổng thế các hình thức, phương pháp, biện pháp được áp dụng trên mọi lĩnh vực của quốc gia mà các chủ thể lãnh đạo, quản lý và tham gia sử dụng vào sự nghiệp quốc phòng để đạt được mục tiêu BVTQ. Đó là tổng thể những vấn đề: Kết hợp xây dựng với bảo vệ, lấy xây dựng đất nước mạnh lên làm phương thức bảo vệ hữu hiệu nhất; sử dụng các hình thức và biện pháp đấu tranh vũ trang để đánh bại các hành động vũ trang xâm lược; áp dụng các hình thức, biện pháp đấu tranh phi vũ trang để đánh bại các thủ đoạn tiến công phi vũ trang; kết hợp đấu tranh phi vũ trang và vũ trang, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; thực hành “tự bảo vệ”, nhất là bảo vệ từ bên trong để đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”; khai thác và phát huy vai trò của đối ngoại vào BVTQ.

Từ khi đất nước ta hoàn toàn thống nhất, cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và BVTQ XHCN. Trong thời kỳ tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã áp dụng tổng thể, có hiệu quả các phương thức BVTQ, đem lại những thành tựu quốc phòng quan trọng, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Những thành tựu quan trọng đó, cùng với sự không ngừng sáng tạo bổ sung, phát triển lý luận BVTQ và những yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp BVTQ trước sự vận động phức tạp, khó lường, khó dự báo của tình hình thế giới đã trở thành cơ sở, tiền đề cho Đảng ta, nhất là Đại hội XIII của Đảng phát triển, làm sâu sắc thêm lý luận về phương thức BVTQ, góp phần chỉ đạo tiến hành sự nghiệp quốc phòng, công cuộc giữ nước trong thời kỳ mới. Sự phát triển lý luận phương thức BVTQ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được thể hiện trên những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại [1].

Đây là sự kế thừa, bổ sung, phát triển mới, nhằm tiến tới đồng bộ hóa, dần hoàn thiện lý luận phương thức BVTQ của Đảng, được ghi nhận, xác lập trong Văn kiện Đại hội XIII. Nếu như trước đây, Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX mới chỉ xác định “Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã bổ sung và làm rõ thêm bốn lĩnh vực cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau là “kinh tế”, “xã hội”, “quốc phòng”, “an ninh”; và được Đại hội XII khẳng định lại vấn đề này,… thì đến Đại hội XIII, Văn kiện không chỉ bổ sung thêm hai lĩnh vực cần phải kết hợp là “văn hóa” và “đối ngoại”, mà còn kết cấu lại các lĩnh vực phải kết hợp theo một trật tự thống nhất, lần lượt là kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại… nhằm tạo nên sự thống nhất về nhận thức; đồng thời, quán triệt và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo BVTQ đã được Đại hội XIII xác lập là: “gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” [2].

Cũng với sự bổ sung và kết cấu lại các lĩnh vực phải kết hợp trên đây để BVTQ, đó còn sự bổ sung về mục tiêu, yêu cầu đạt được của sự kết hợp. Nếu như trước đây các văn kiện, nghị quyết của Đảng đòi hỏi sự “kết hợp chặt chẽ” và “kết hợp tốt” một cách chung chung, thì nay Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đòi hỏi phải đạt được đến độ là “kết hợp chặt chẽ, hiệu quả”, nhằm không chỉ thực hiện quan điểm về mục tiêu “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước”, mà còn đáp ứng đòi hỏi phát triển nhanh và bền vững của từng lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của đất nước trong thời kỳ phát triển mới đến năm 2025, 2030 và giữa thế kỷ XXI.

Sự kế thừa, bổ sung, phát triển vấn đề kết hợp giữa các lĩnh vực cụ thể trong BVTQ của Văn kiện Đại hội XIII đã làm cho lý luận về phương thức BVTQ không ngừng hoàn thiện; tính chất phức hợp của sự gắn kết đồng thời giữa các lĩnh vực đòi hỏi được tăng lên, cùng tính trọng tâm, trọng điểm xác định đối với từng lĩnh vực trong thực hiện nhiệm vụ BVTQ ngày càng được thể hiện rõ hơn. Nhờ sự bổ sung, phát triển này mà quán triệt, cụ thể hóa việc nắm vững và xử lý tốt một trong 10 mối quan hệ lớn mà Đại hội XIII đã xác định là “giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” đối với mọi lĩnh vực, chủ thể quốc gia trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Hai là, có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đây là sự kế thừa, bổ sung, phát triển mới một cách trực tiếp đối với một những vấn đề thuộc lý luận về phương thức BVTQ của Đảng đã được xác lập từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đến nay, với tính mới là sự tổng hợp và đúc kết lý luận về phương thức BVTQ được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII.

Phương thức chủ động giữ nước được Đảng liên tục quán triệt, bổ sung, phát triển trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đến đầu thế kỷ XXI, trước bối cảnh quốc tế và đất nước nổi lên những nguy cơ đặc biệt nguy hại cho sự nghiệp cách mạng, nhất là đối với nhiệm vụ BVTQ, Đảng đã xác lập nên quan điểm có tính chất xác định rõ hơn một trong những hình thức, phương pháp, biện pháp BVTQ là “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, nhằm quán triệt, phát huy truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “Giữ nước từ khi nước chưa nguy” của cha ông ta trong thời kỳ mới. Vấn đề này được thể hiện sơ lược trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX; được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, đồng thời được Đại hội XII khẳng định lại và xác lập: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”[3]. Đến Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định lại vấn đề này. Tuy nhiên, tính mới và đặc sắc nhất của lý luận về phương thức “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” ở Văn kiện Đại hội XIII là không còn chỉ thể hiện ở việc xác nhận lại, ghi lại ở riêng phần quốc phòng, an ninh nữa. Nghĩa là không còn xác lập và coi “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” chỉ thuộc về phần quốc phòng, an ninh và chỉ riêng thuộc về trách nhiệm của quốc phòng, an ninh nữa. Trái lại, nó đã được xác lập ở hầu khắp các phần khác, lĩnh vực khác và quy định các lĩnh vực khác cũng phải thực hành phương thức này. Cụ thể:

Trong “Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”, Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Chủ động chuẩn bị các phương án để kịp thời thích ứng với những biến động của tình hình” [4]. Trong 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đã có ba định hướng xác định phương châm chủ động giữ nước như: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”; “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả” [5]. Trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, Văn kiện Đại hội XIII xác định “Chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế” [6]. Trên lĩnh vực văn hóa, Văn kiện còn xác định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa” [7]. Trên lĩnh vực y tế, đó còn là: “Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng” [8]. Với lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, Văn kiện yêu cầu: “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” [9] … Như vậy, ngay từ mục tiêu đến những định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực trong thời kỳ mới, Văn kiện Đại hội XIII đã quy định trách nhiệm cùng phải thực hiện phương thức “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của các ngành, lĩnh vực khác.

Đặc biệt, phương châm BVTQ từ sớm, từ xa được Văn kiện Đại hội XIII cụ thể hóa bổ sung và phát triển thêm nội dung trên bốn lĩnh vực trọng yếu sau: Với quốc phòng, an ninh, đó là: “Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống”; “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”; “Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” [10]. Với đối ngoại, đó là: “Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” [11]; “giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế” [12]. Với xây dựng Đảng, đó là: “Tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên”; “Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng” [13].

Rõ ràng, sự phát triển mới của phương thức BVTQ từ sớm, từ xa không còn được xác lập riêng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh nữa, mà đã xác lập ở hầu khắp mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, sự chủ động giữ nước đó còn phải khuôn theo nguyên tắc “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”, nghĩa là không phải sự chủ động chỉ xuất phát từ mỗi lĩnh vực theo ý muốn riêng của ngành, lĩnh vực mình, mà phải tiến hành bằng “biện pháp hòa bình” và “phù hợp” với luật pháp quốc tế… Đây chính là sự phát triển mới về lý luận, vừa mang tính khẳng định lại, vừa bổ sung và tổng hợp một cách khái quát, hệ thống nhất về phương thức BVTQ, đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII.

Sự bổ sung, phát triển lý luận phương thức BVTQ trong Văn kiện Đại hội XIII không chỉ trực tiếp góp phần bổ sung, ngày càng hoàn thiện thêm lý luận BVTQ Việt Nam XHCN của Đảng trong thời kỳ mới, mà còn góp phần vào thành công, cũng như khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Đại hội XIII trong lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị thực tiễn của sự bổ sung, phát triển mới lý luận phương thức BVTQ đã và đang góp phần định hướng, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVTQ trong thời kỳ phát triển nhanh và bền vững của đất nước hiện nay. Nó trực tiếp giúp cho các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các chủ thể của các ngành, lĩnh vực này có nhận thức, thái độ và hành động đúng đắn đối với nhiệm vụ BVTQ đang diễn ra trong bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo hiện nay. Sự bổ sung, phát triển lý luận về phương thức BVTQ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn là một bước chuẩn bị hết sức quan trọng về lý luận và thực tiễn giúp cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Nhà nước ta thực hiện Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

---------  

[1], [2], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157, 110, 114, 116-117, 135, 147, 151, 155, 156 và 159, 50, 189.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.149.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110, 154.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Quang, Viện KHXH&NVQS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực