Sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng, bảo vệ

Thứ tư, 05/05/2021 18:29
(ĐCSVN) - Những ngày qua, trong khi nhân dân cả nước vui mừng chào đón kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) thì đáng tiếc, vẫn còn những ý kiến xuyên tạc sự kiện lịch sử quan trọng này. Đây chỉ là những ý kiến lạc lõng giữa không khí hân hoan của cả dân tộc cùng chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông.
leftcenterrightdel
 Chiến thắng 30/4 vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị lịch sử. (Ảnh minh họa) 

Với luận điệu xuyên tạc, một số cá nhân đang cố tình bóp méo sự thật lịch sử; hạ thấp ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4/1975. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, quân Giải phóng chiếm được Sài Gòn gần như nguyên vẹn là nhờ trước đó Dương Văn Minh đã “chủ động hoà hợp hoà giải” và yêu cầu quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngừng bắn...” (?).

Thực tiễn lịch sử những gì diễn ra trong ngày 30/4/1975 đã cho thấy, hoàn toàn không có việc ngụy quyền Sài Gòn, trực tiếp là Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh chủ động ra lệnh tự hạ súng, chào đón quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập; không có chuyện “Dinh Độc lập hoàn toàn bỏ ngỏ, không có bất cứ sự phản ứng nào”. Bởi ít ngày trước thời điểm 30/4, với ảo tưởng về một giải pháp quân sự do Mỹ tiến hành, ngụy quyền Sài Gòn và các tướng lĩnh của quân đội Việt Nam cộng hòa vẫn lớn tiếng kêu gọi “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn. Và trong những nỗ lực vô vọng cuối cùng, các lực lượng bên kia chiến tuyến đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể gây sát thương, tiêu diệt sinh lực và ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng.

Nhiều nhân chứng lịch sử tham gia tiến công Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975 cũng đã ghi lại trong hồi ký của mình, có không ít chiến sĩ quân Giải phóng đã ngã xuống khi cách cổng Dinh Độc lập không xa. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người trực tiếp áp giải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc lập tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã nhiều lần chia sẻ: Để có chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, chúng ta đã phải hy sinh lớn về sức người, sức của, do đó, chúng ta phải trân trọng lịch sử. Có những chiến sỹ hy sinh cách giờ phút giải phóng chỉ tính bằng giây, bằng phút. Có chiến sỹ hy sinh ngay trước cổng Dinh Độc lập như liệt sỹ Tô Văn Thành, hy sinh chỉ cách cổng Dinh Độc lập chừng trăm mét; liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng xe tăng Lữ đoàn xe tăng 203 hy sinh trên tháp pháo tại cầu Sài Gòn, trên đường tiến vào giải phóng Dinh Độc lập… Do đó, xuyên tạc, bóp méo những gì đã diễn ra trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 nói chung và sáng ngày 30/4/1975 nói riêng không chỉ là có lỗi với lịch sử mà còn là hành động vô ơn đối với những người anh hùng đã ngã xuống ngay trước giờ chiến thắng.

Không dừng lại ở đó, nhiều cá nhân còn lớn tiếng kêu gọi: “Việt Nam không nên kỷ niệm 30/4 nếu muốn hòa hợp dân tộc”(?). Song, có một thực tế mà những cá nhân này không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của chính nghĩa, chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắng lợi 30/4 đã bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng 8/1945, thành quả của cuộc kháng chiến chống Pháp và là thắng lợi trọn vẹn nhất, vững chắc nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở đường để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ sau chiến thắng 30/4/1975 đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhất quán chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, hòa hợp, hòa giải dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử; coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc. Sự thật lịch sử trong mọi hoàn cảnh phải được tôn trọng, bảo vệ. Những quan điểm, luận điệu sai trái, bóp méo sự thật lịch sử do các cá nhân cơ hội chính trị đưa ra dù được khéo léo che đậy đến đâu thì vẫn là thủ đoạn nhằm khoét sâu hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Cùng với dòng chảy lịch sử, dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử. Đối với thế hệ trẻ, nền độc lập, tự do mà chúng ta đang được thừa hưởng hiện nay chính là thành quả của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thành quả và tinh thần đó cần được kế thừa, phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hiện nay.

Mỗi người cần trân trọng lịch sử; cảnh giác và đấu tranh kiên quyết với những âm mưu, luận điệu bóp méo lịch sử... Đó là cách để chúng ta bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của các thế hệ ông cha đi trước./.

TS Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực