Tối 23/10 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 tổ chức lễ trao giải cho các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc, các tập thể đạt thành tích cao.
Tham dự có: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo 35 Trung ương.
|
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động cuộc thi sâu rộng và có nhiều bài viết chất lượng tốt nhận Giải tập thể xuất sắc
|
Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022 do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, phân công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện.
Đây là hoạt động thiết thực góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về “Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng.
Cuộc thi là sự tiếp nối thành công của Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021, có sự mở rộng về quy mô và nâng lên tầm mức toàn quốc.
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các tỉnh ủy/thành ủy/đảng ủy trực thuộc Trung ương, vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo các cấp. Nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức, phát động Cuộc thi sâu rộng, với cách thức triển khai sáng tạo, hiệu quả, như Quân ủy Trung ương (với 03 vòng thi từ cấp cơ sở đến toàn quân), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Điểm đáng ghi nhận ở Cuộc thi năm nay là sự tham gia rất trách nhiệm của không chỉ đội ngũ cán bộ tuyên giáo, cán bộ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, phóng viên báo chí mà còn của đông đảo cán bộ, đảng viên, giáo viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân. Nhiều đồng chí đảng viên lão thành rất tích cực tham gia Cuộc thi, với các bài viết thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (tác giả cao tuổi nhất là 100 tuổi, ở thành phố Hải Phòng). Đội ngũ thanh niên, sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng và có cả học sinh trung học phổ thông tham gia nhiệt tình với Cuộc thi (tác giả trẻ tuổi nhất là 16 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp). Đặc biệt, Cuộc thi có sự tham gia của một số học giả nước ngoài với các tác phẩm có chất lượng tốt, được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao.
Sau hơn 8 tháng phát động, Cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị trên khắp 63 tỉnh, thành phố với 116.252 tác phẩm dự thi. Có 15 đơn vị/địa phương thu nhận từ 1.000 tác phẩm trở lên, điển hình là Quân ủy Trung ương với 56.243 bài, Tỉnh ủy Bắc Giang với 10.577 bài, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với 7.230 bài, Tỉnh ủy Thanh Hóa với 6.883 bài, Tỉnh ủy Kiên Giang với 6.450 bài, Thành ủy Hà Nội với 5.488 bài… Các đơn vị/địa phương sau khi thu nhận các bài viết dự thi đã tiến hành sàng lọc, đánh giá nhiều vòng, nhiều cấp, chọn lựa các tác phẩm có chất lượng tốt nhất để gửi dự thi cấp Trung ương.
Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi đã thành lập Hội đồng Giám khảo gồm các nhà khoa học, nhà báo có kinh nghiệm, uy tín, tổ chức chấm 02 vòng Sơ khảo và Chung khảo theo hình thức chấm độc lập đối với từng tác phẩm và tiến hành rà quét trùng lặp bằng phần mềm chống đạo văn để bảo đảm tính khách quan và chất lượng khoa học của Cuộc thi.
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Cuộc thi có chất lượng chuyên môn cao với nhiều tác phẩm thể hiện sâu sắc tính Đảng, tính chiến đấu, theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Các tác phẩm dự thi bám sát các vấn đề nổi lên về lý luận, thực tiễn của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Trong đó, tập trung bảo vệ, khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Cương lĩnh, đường lối của Đảng; lý luận về đường lối đổi mới đất nước; bảo vệ, lan tỏa nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khoá XIII; cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tổng kết thực tiễn, cung cấp những kinh nghiệm hay, mô hình, cách làm sáng tạo và đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả/nhóm tác giả
|
Phát biểu tại lễ trao giải, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi nhấn mạnh, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng góp phần củng cố niềm tin chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; đấu tranh với những thói hư, tật xấu trong xã hội, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần ý thức sâu sắc và phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; đổi mới công tác tuyên truyền theo phương châm truyền thông chủ động, thông tin đi trước mở đường gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước; các nghị quyết quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nâng cao chất lượng dự báo và chuẩn bị hệ thống luận cứ khoa học vững chắc để kết hợp giữa "xây" và "chống", vừa kiên định, kiên trì, đột phá trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa đấu tranh không khoan nhượng, có hiệu quả trong phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
"Thành công của Cuộc thi là cơ sở để tin tưởng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức, hình thức, cách làm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục bồi dưỡng các nhân tố tích cực được phát hiện qua Cuộc thi để hình thành mạng lưới, đội ngũ rộng khắp phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, tiếp tục nâng cao hơn nữa các tuyến bài viết chính luận trên các báo, tạp chí với logic chặt chẽ, luận cứ sắc bén, thuyết phục để hình thành dòng thông tin chủ lưu, tích cực, chủ động đáp ứng nhu cầu của công chúng; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông hướng tới nhiều đối tượng khác nhau đặc biệt là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên.
Các cơ quan báo chí truyền thông cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, phóng viên vững vàng về mảng đề tài này cũng như xây dưng đội ngũ kế cận đông đảo, có chất lượng đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới", GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nói.
Dịp này, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng chính thức phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ ba.
Các tác phẩm xuất sắc nhất và các tập thể tiêu biểu nhất để trao giải, gồm:
- Giải cá nhân: 102 giải. Thể loại Tạp chí có 52 giải, gồm 07 giải A, 10 giải B, 15 giải C và 20 giải Khuyến khích), trong đó có hai tác phẩm của tác giả nước ngoài (Trung Quốc, Mỹ) đoạt giải A. Thể loại Báo có 50 giải, gồm 05 giải A, 10 giải B, 15 giải C, 20 giải Khuyến khích).
20 tác giả/nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên có bài viết chất lượng tốt được trao giải triển vọng. Ban Chỉ đạo Cuộc thi có phần thưởng cho tác giả cao tuổi nhất, tác giả trẻ tuổi nhất tham gia dự thi.
- Giải tập thể xuất sắc: 15 giải cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động cuộc thi sâu rộng và nhiều bài viết chất lượng tốt.
|