Điểm tựa mùa Xuân nơi cửa biển

Thứ sáu, 24/01/2020 11:07
(ĐCSVN) - Biển cả luôn ồn ào và giận dữ, nhưng cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều nguồn lợi. Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với người ngư dân cả nước nói chung, ngư dân xứ Huế nói riêng, có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là dân quân biển, Bộ đội Biên phòng… làm điểm tựa vững chắc, biển cả mãi mãi là chủ quyền thiêng liêng.
leftcenterrightdel
Niềm vui của ngư dân xứ Huế khi được lực lượng dân quân biển giúp vận chuyển hải sản sau chuyến biển bội thu 

Trong niềm vui, thành quả bội thu từ biển đó, những ngư dân đó vẫn nhắc đến các chiến sĩ dân quân biển, bộ đội biên phòng, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh nhà với sự biết ơn, tình cảm trân quý hết mình vì dân của các anh.

Tiết trời còn se lạnh trong sương đêm, Xuân về xứ Huế xanh vợi cũng là lúc chúng tôi có mặt tại cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang, cảng cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Những chái nhà cắt nóc liêu xiêu theo dòng nước bạc, những tấm lưng trần ngư phủ phơi gió sương, bốn bề lồng lộng liêu trai. Xa khơi, phù sa đổ đầy theo đàn cá lội. Lại một mùa biển gọi ngư dân xứ Huế.

Tàu cá của ngư dân Trần Quang vào cảng từ sớm để cân cá cho các thương lái. Anh cho biết, tàu cá có công suất trên 500CV hành nghề chụp mực phía Tây Bắc ngư trường Hoàng Sa. Chuyến đi chừng 10 ngày vừa qua nhưng mỗi lao động cũng kiếm được hơn 8 triệu đồng. “Ở Hoàng Sa mùa này hải sản nhiều lắm”, anh Quang chia sẻ. Sau khi trở về bán hải sản, anh Quang tổ chức “thết đãi” các lao động và mời Trung đội dân quân biển huyện Phú Vang đến chung vui.

Anh Quang còn nhớ mãi tai nạn gãy chân khi đang kéo lưới đánh cá ở ngư trường cách bờ khoảng 60 hải lý vào năm ngoái. Nhờ sự có mặt kịp thời của Trung đội dân quân biển nên công tác sơ cứu được tiến hành tại chỗ, kịp thời. “Lúc đó, tôi vừa đau vừa mất bình tĩnh, may mắn là trên thuyền có một số ngư dân trong trung đội dân quân đã sơ cứu bước đầu. Nhờ được sơ cứu đúng cách, nên sau khi chuyển vào đất liền bó bột, điều trị, chân tôi không để lại di chứng gì”, anh Quang kể.

Câu chuyện của chúng tôi cứ rôm rả còn ngoài kia, hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu lại chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Với ngư dân, không gì vui bằng ra khơi khi cái Tết đã cận kề, mỗi chuyến ra khơi dịp này luôn bội thu, tiêu thụ nhanh lại được giá. Hàng trăm cây đá từ các nhà máy đá không kịp “chảy” xuống khoang tàu. Nước uống, lương thực, thực phẩm cũng được đưa lên tàu một cách khẩn trương, nhộn nhịp.

Dân quân biển Dương Văn Đề, thuyền viên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An chia sẻ. “Thị trấn Thuận An có hàng trăm tàu cá lớn nhỏ, tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 400CV-820CV có hơn 50 chiếc. Thường ngày, hoạt động nghề biển vốn dĩ gặp nhiều khó khăn với sóng gió, bão bùng. Nhưng cứ độ Xuân về, chúng tôi luôn hướng ra biển, bởi ở đó có những người bám biển không chỉ vì nguồn lợi kinh tế mà còn vì lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”. Được biết, anh Đề đã không ít lần giúp đỡ các tàu cá bị chết máy khi đánh bắt xa bờ. Mỗi lần nhận được tín hiệu các tàu thuyền gặp sự cố, cần sự giúp đỡ là các anh sẵn sàng gác việc thu mua để lai dắt tàu tới vị trí an toàn, giao cho lực lượng cứu hộ mới tiếp tục công việc. Từ khi tham gia trung đội dân quân biển, nhiều ngư dân như anh Đề có thêm kiến thức về tự vệ, cách xử lý tàu thuyền khi gặp sự cố và am hiểu hơn về Luật Biển Việt Nam và tình hình trên biển”.

Có mặt tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, chúng tôi may mắn gặp những tàu cá của “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” vừa vào bờ để đón Tết sau hành trình đánh bắt dài ngày trên biển. Niềm vui về những chuyến ra khơi an toàn, hiệu quả hiện rõ trên nét mặt của những ngư dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch xã Vinh Hiền chia sẻ: “Từ khi mô hình “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” có sự tham gia của dân quân biển được thực hiện, thì mỗi đợt ra khơi tàu thuyền trong tổ đánh bắt nhiều hơn, sản lượng của mỗi chuyến đi cũng tăng đáng kể. Năm nay, ngư dân chắc chắn sẽ có đón một cái Tết tươm tất, đủ đầy”.

Được biết, “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” với nòng cốt là lực lượng quân quân biển của địa phương. Quá trình hoạt động, với phương châm đoàn kết cùng nhau như người trong một gia đình, nếu một thành viên trong “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” không may gặp hoạn nạn như: Đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết, mất mát ngư lưới cụ, máy móc hỏng hóc... thì các thành viên còn lại của tổ đều tích cực tham gia đóng góp hỗ trợ cả về vật chất, công sức để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn. Bên cạnh việc cùng nhau đánh bắt, khai thác, hỗ trợ nhau trên biển, các tàu cá trong tổ đóng góp một phần rất quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tổ viên trong các “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” thường xuyên được lực lượng nòng cốt là chiến sĩ dân quân biển tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, chấp hành tốt nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển. Đồng thời, trong hoạt động khai thác hải sản trên biển, các tàu cá cũng chủ động giữ thông tin liên lạc với Ban CHQS các huyện, đồn Biên phòng, chủ động thông báo diễn biến thời tiết, các vụ việc xảy ra trên biển.

Anh Nguyễn Đức Lợi, thành viên “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” của xã chia sẻ: “Từ ngày thành lập “Tổ đánh bắt an toàn trên biển”, việc đánh bắt thủy hải sản của chúng tôi đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, những lúc ra khơi, đánh bắt xa bờ gặp sự cố rủi ro, chúng tôi kịp thời ứng cứu và tương trợ lẫn nhau. Khi chuẩn bị về đón Tết, một tàu trong tổ phát hiện ra vỉa cá lớn, lập tức thông báo cùng tập trung đánh bắt. Mỗi tàu thu hơn 5 tấn hải sản, tính ra chuyến này mỗi thuyền viên có thêm 15 triệu đồng đón Tết, vui Xuân.

Được biết, “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” là một trong những mô hình hiệu quả mà quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được hàng chục “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” với hàng trăm thành viên. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc triển khai mô hình “Tổ đánh bắt an toàn trên biển” đi vào hoạt động, nhất là khi cần tăng chuyến đi, tăng sản lượng trước, trong và sau mỗi dịp Tết hay mùa đánh bắt cao điểm đã giúp cho ngư dân tự tin, yên tâm hơn trên đường vươn khơi bám biển làm giàu. Bà con ngư dân ngày càng gắn kết chặt chẽ với LLVT, kịp thời hỗ trợ đánh bắt những mẻ hải sản lớn, chia sẻ, nắm bắt thông tin, tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

Biển cả luôn ồn ào và giận dữ, nhưng cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều nguồn lợi. Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với người ngư dân cả nước nói chung, ngư dân xứ Huế nói riêng, có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ LLVT là dân quân biển, Bộ đội Biên phòng… làm điểm tựa vững chắc, biển cả mãi mãi là chủ quyền thiêng liêng.../.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực