Thành công của mô hình đảo thanh niên đầu tiên
Năm 1993, Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hải Phòng thành lập đội TNXP Bạch Long Vĩ với nhiệm vụ đưa TNXP ra đảo định cư, lập nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia tại Vịnh Bắc Bộ.
“Đảo lúc này không có dân sinh sống, cơ sở hạ tầng đơn sơ, điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, đất đai canh tác ít, chủ yếu là cát và đá. Giao thông đi lại giữa đảo với đất liền hầu như không có, chỉ trông chờ vào tàu Hải quân trong các chuyến ra đảo làm nhiệm vụ. Lương thực, thực phẩm, rau xanh thậm chí nước ngọt đều phải chuyển từ đất liền ra”, Bí thư Đảng ủy, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng Nguyễn Công Diễn nhớ lại.
Đội viên TNXP Bạch Long Vĩ tham gia phát triển kinh tế huyện đảo - Ảnh: Anh Tuấn
Với lòng quyết tâm không ngại khó khăn, gian khổ, với tinh thần đoàn kết, chia sẻ tương trợ đùm bọc lẫn nhau, trong điều kiện đầy khó khăn như vậy, lực lượng TNXP Hải Phòng đã biến những bãi cát sỏi đá cằn cỗi thành những dãy nhà, khu vui chơi, chuồng trại chăn nuôi, vườn rau xanh tươi để có một cuộc sống mới trên đảo không khác là bao so với đất liền.
“Trước khi tham gia TNXP hầu hết đội viên đều chưa có nghề. Vậy mà giờ đây, bình quân mỗi đội viên được đào tạo từ 2 đến 3 nghề, được trang bị kiến thức để nâng cao nghiệp vụ, bổ sung kiến thức tổ chức cuộc sống trên đảo”, anh Trần Văn Hiên, Liên đội trưởng Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ cho hay.
Với 60 đội viên ban đầu, giờ đây trên đảo Bạch Long Vĩ đã có khu dân cư TNXP đông vui tấp nập. Đội TNXP Bạch Long Vĩ ngày nào sau 25 năm đã được nâng cấp thành Liên đội TNXP với cơ cấu tổ chức theo ngành nghề chuyên sâu: đội xây dựng; đội trồng trọt, chăn nuôi; đội dịch vụ; đội vệ sinh môi trường.
“TNXP luôn là lực lượng xung kích nòng cốt đi đầu trong các hoạt động văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn… vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng, vừa kết hợp phát triển kinh tế, góp phần xây dựng huyện đảo ngày một giàu đẹp”, Liên đội trưởng Trần Văn Hiên khẳng định.
Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng Nguyễn Công Diễn, Đội TNXP Bạch Long Vĩ ban đầu chỉ có duy nhất đồng chí đội trưởng là đảng viên. Khó khăn gian khổ cũng là môi trường để TNXP được thử sức, rèn luyện được trang bị kiến thức giác ngộ chính trị và phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến nay, 28 đồng chí đã được kết nạp đảng.
Những đổi thay ở Bạch Long Vĩ đã khẳng định thành công của mô hình xây dựng đảo thanh niên đầu tiên của cả nước, khẳng định vai trò của thanh niên, của Đoàn Thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh ở nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân rộng mô hình đảo thanh niên trên toàn quốc
Thực hiện Kết luận số 60 KL/TW ngày 16/4/2013 của Bộ Chính trị về kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Trung ương Đoàn đã ban hành Chương trình hành động, trong đó, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Cà Mau, Kiên Giang, TP Hải Phòng tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lập Đề án xây dựng đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 24/01/2014.
Đoàn viên, thanh niên phối hợp với các lực lượng dọn vệ sinh ven biển Bạch Long Vĩ - Ảnh: Anh Tuấn
Theo đó, Đề án đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 tiếp tục được triển khai tại 06 đảo trong đó 4 đảo xây dựng mới là đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh; đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau; đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang; đảo Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định. Đảo thanh niên Bạch Long Vĩ và đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị là hai đảo tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, mục tiêu trọng tâm của đề án là phát huy vai trò xung kích của thanh niên, các hộ gia đình trẻ, phát triển lực lượng TNXP làm nòng cốt ra đảo lập nghiệp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển đảo; xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trở thành các cụm dân cư mới có quy hoạch đồng bộ gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, an toàn biển đảo, góp phần thực hiện chủ trương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Đảng và Nhà nước.
Sau 5 năm triển khai Đề án, bên cạnh việc vận động thanh niên, gia đình trẻ đến sinh sống, lập nghiệp bền vững trên đảo, Đề án cũng hướng tới việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, hỗ trợ mua sắm phương tiện nuôi trồng, đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; trồng rừng, xây dựng các công trình, dự án trên đảo…
Các tỉnh, thành Đoàn có đảo thanh niên cũng tích cực phối hợp, vận động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân trên các đảo như: ra quân dọn vệ sinh bãi biển; khám, cấp thuốc miễn phí; hướng dẫn chuyển giao mô hình rau sạch; vận động quyên góp tặng cây xanh, phòng đọc, bàn ghế, tủ sách, máy tính, lắp đặt Internet; đầu thu phát sóng truyền hình; bồn chứa nước ngọt cho các hộ dân. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn còn vận động nguồn xã hội hóa phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng Cột cờ Tổ quốc tại các tỉnh có biên giới, biển đảo.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, một số địa phương đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ ra đảo lập nghiệp. Đến nay, ngoài các hộ dân đã sinh sống trên các đảo, các địa phương đã vận động được 22 hộ với 79 nhân khẩu tình nguyện ra đảo. Hiện các hộ gia đình sinh sống trên đảo thanh niên chủ yếu tham gia đánh bắt, nuôi trồng hải sản, xây dựng một số công trình và phát triển các loại hình dịch vụ. Đời sống, việc làm của các hộ đang từng bước ổn định, thu nhập cũng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư chưa được cấp hoặc cấp không đồng bộ nên việc thực hiện dự án trên các đảo thanh niên đang chậm tiến độ. Điều kiện sản xuất, sinh hoạt, đời sống của cư dân trên đảo tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Liên đội trưởng Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ Trần Văn Hiên nêu ví dụ, các dự án xây dựng đảo thanh niên Bạch Long Vĩ 25 năm qua mới tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh tạo sự ổn định lâu dài trên đảo. Song về mục tiêu khai thác tiềm năng biển đảo để phát triển kinh tế, xây dựng đảo thanh niên giàu mạnh là chưa rõ. Các chương trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác tiềm năng, vị thế biển đảo còn yếu cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, để các đảo thanh niên phát triển theo đúng mục tiêu của Đề án rất cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành cùng sự chung tay của toàn xã hội./.