|
Hội thảo: “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam - thực trạng và những vấn đề đạt ra” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ, Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại TP Đà Nẵng vừa qua. |
Đây là thông tin được một số nhà khoa học nêu ra tại Hội thảo: “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam - thực trạng và những vấn đề đặt ra” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ, Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại TP Đà Nẵng vừa qua.
Trong các thông tin tại Hội thảo, đáng chú ý là ý kiến của TS.Hà Thị Hồng Vân (Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trình bày về kết quả nghiên cứu đời sống sinh kế của cư dân ven biển Việt Nam trong bối cảnh BĐKH.
Trong ý kiến của mình, TS.Hà Thị Hồng Vân đã đánh giá, phân tích một cách hệ thống và tổng quát hoạt động sinh kế của cư dân ven biển Việt Nam dưới tác động của BĐKH trong giai đoạn 2016 - 2020 và nghiên cứu trường hợp tại 03 tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Nam, Cà Mau.
TS.Hà Thị Hồng Vân cho biết, kết quả khảo sát 600 hộ dân và quá trình quan sát ở 03 tỉnh kể trên cho thấy sự giống và khác biệt trong sinh kế của cư dân ven biển 03 tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Nam và Cà Mau. Trong đó, hoạt động đánh bắt vẫn còn khá mạnh ở các địa bàn nghiên cứu, tỷ lệ lên đến 19,16% ở tất cả các hộ gia đình; và Cà Mau là địa phương có tỷ lệ cao nhất lên đến 33%. Tuy nhiên, hầu hết là đánh bắt khá nhỏ lẻ, gần bờ. Cạnh đó, một tỷ lệ đáng chú ý là các hộ gia đình có thành viên làm thuê trong nghề đánh bắt thuỷ sản giảm rõ rệt, chỉ còn 4,5% ở cả 03 tỉnh nghiên cứu.
Cũng liên quan đến hoạt động đánh bắt, theo TS.Hà Thị Hồng Vân, số lượng cư dân đang dần bỏ nghề biển và chuyển sang các nghề khác trên bờ hoặc đi làm ăn xa ngày càng gia tăng. Theo đó, tại Cà Mau, tỷ lệ hộ gia đình có người đi làm ăn xa nhiều nhất (14,5%), trong khi ở Quảng Ninh là ít hơn (5,5%). “Nguyên nhân chính có thể là do ở tỉnh Quảng Ninh và Quảng Nam sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây đã đem lại nhiều lựa chọn tốt hơn cho người dân; trong khi ở Cà Mau kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào rừng, khai thác thuỷ sản, ít có các khu công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hộ gia đình có sở hữu tàu thuyền hoặc vẫn đánh bắt thuỷ sản như một nguồn sinh kế của gia đình ở các điểm nghiên cứu”- TS.Hà Thị Hồng Vân chia sẻ.
|
Nghề nuôi hải sản trên sông tại khu vực ven biển Đà Nẵng. |
Đặc điểm thứ hai từ nghiên cứu này cho thấy, hoạt động sinh kế của cư dân tỉnh Cà Mau khác với 02 địa phương còn lại. Tại điểm nghiên cứu ở Cà Mau, sinh kế rừng - tôm - cua là đặc điểm nổi bật. Do vậy, ý thức của người dân tại đây nhằm bảo vệ rừng rất cao; đối với họ, rừng là nguồn sống của gia đình.
Đặc điểm thứ 3 mà TS.Hà Thị Hồng Vân đưa ra qua nghiên cứu này là có khoảng 71,5% các hộ gia đình có hoạt động sinh kế liên quan đến thuỷ sản, bao gồm đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản. Tại Quảng Ninh cư dân chủ yếu là nuôi hàu, ngao hai cùi và cá song; ở Quảng Nam là nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và tôm đất theo hình thức bán công nghiệp. Ở Cà Mau chủ yếu là tôm sú và các hộ gia đình có sự đa dạng nhất trong việc nuôi thuỷ sản, 95% hộ gia đình nuôi tôm - cua - cá trong cùng một diện tích, và tỉnh Cà Mau là nơi có sự đa dạng nuôi thuỷ sản nhất so với 02 tỉnh khảo sát còn lại.
Tuy nhiên, “con giống thuỷ sản hiện nay vẫn còn chưa phát triển, 10,7% các hộ gia đình cho rằng phải mua con giống từ các tỉnh khác. Tại Quảng Ninh, hàu giống vẫn phải lấy từ Ninh Bình. Ở Cà Mau, ngao giống thì mua từ Thanh Hoá, Nam Định…” - TS.Hà Thị Hồng Vân cho biết.
Đặc điểm thứ tư từ nghiên cứu kể trên được TS.Hà Thị Hồng Vân đưa ra là trồng trọt và chăn nuôi vẫn khá phát triển ở các vùng ven biển, tỷ lệ này chiếm đến 42%, song nhìn chung là quy mô rất nhỏ. “Tại Vân Đồn (Quảng Ninh) đất trồng trọt ngày càng giảm do người dân sẵn sàng bán đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc bị thu hồi đất vì kinh tế du lịch. Tại TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành (Quảng Nam) phát triển du lịch biển tạo ra xu hướng trông chờ vào bán đất, qua đó diện tích đất trồng trọt hoặc chăn nuôi cũng giảm rõ rệt ở các hộ gia đình tại các vùng giáp biển. Tại Cà Mau, nhiều gia đình chỉ nuôi vài con dê, một đàn gà hay chỉ trồng 5-6m vuông rau vẫn được tính là một nguồn sinh kế của hộ gia đình”- TS.Hà Thị Hồng Vân thông tin.
Cùng với 4 đặc điểm trên là các hộ gia đình ngày càng có nhiều thành viên đi làm ở các khu công nghiệp do được hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế biển của Chính phủ. Khảo sát cho thấy có đến 24,3% chủ hộ cho biết gia đình có người làm ở các nhà máy, xí nghiệp công ty sản xuất tư nhân nhỏ trong vùng. Tại Quảng Ninh và Quảng Nam xu hướng này rõ rệt nhất, khi huyện Vân Đồn rất phát triển kinh tế biển trong thời gian gần đây, với nhiều công ty, xí nghiệp; còn với Quảng Nam có khu công nghiệp Chu Lai và các cụm công nghiệp vệ tinh. “Như vậy, các cụm công nghiệp này là sự lựa chọn chính để cư dân chuyển đổi từ nghề biển sang những ngành nghề ở các khu công nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định, an toàn bản thân và gần gia đình để dễ chăm sóc”- TS.Hà Thị Hồng Vân cho biết thêm.
|
Mưu sinh hằng ngày của cư dân ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Nam. |
Đặc điểm nữa mà kết quả khảo sát được TS.Hà Thị Hồng Vân đưa ra là các hộ gia đình ở 03 địa phương nghiên cứu đều có chung một đặc điểm là đa dạng sinh kế. Theo TS.Hà Thị Hồng Vân, trong một hộ gia đình, các thành viên đều có nhiều việc làm khác nhau để có thể đảm bảo cuộc sống và bổ trợ cho nhau. Dựa trên thống kê số lượng những việc làm tạo ra thu nhập và là nguồn sinh kế của 600 hộ gia đình được khảo sát cho thấy, có 64% các hộ gia đình ở Cà Mau có hơn 02 nguồn sinh kế; kế đến là Quảng Ninh là 45% và Quảng Nam là 37%.
Từ các đặc điểm nghiên cứu chỉ ra trên, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, sinh kế của người dân vùng biển hiện nay đang có những thay đổi, tạo sự đa dạng về sinh kế được người dân lựa chọn nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình và bản thân. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh chính sách kinh tế biển của Đảng và Chính phủ nhiều năm qua liên tục ban hành, đổi mới, bổ sung, tạo lợi thế để các hộ gia đình cư dân vùng ven biển tiếp cận và chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp, an toàn hơn. Đồng thời, trong các hộ gia đình cũng ngày càng có nhiều thành viên làm việc ở các khu công nghiệp, nhà máy, công ty, xí nghiệp, có điều kiện để cải thiện đời sống kinh tế và nâng cao mức độ hưởng thụ các giá trị đời sống văn hoá, tinh thần cũng như các dịch vụ đời sống của xã hội hiện đại mang lại.
Đa số các ý kiến cũng đồng thuận với nhận định của nghiên cứu mà TS.Hà Thị Hồng Vân đưa ra khi nói về nguồn vốn của các gia đình trong khu vực khảo sát đã ngày càng cao hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu để phát triển (bao gồm vốn con người, vốn xã hội của các hộ gia đình, vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính). Nhờ có sự thay đổi này, người dân khu vực ven biển đang dần có điều kiện để thay đổi sinh kế, góp phần nâng cao đời sống về mọi mặt; đồng thời qua đó cũng có những đóng góp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo theo định hướng được Đảng, Nhà nước./.