Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn
Tỉnh Quảng Ninh hiện đã có 11 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ được hạ thủy, trong đó 9 tàu đưa vào hoạt động (5 tàu vỏ sắt, 4 tàu vỏ gỗ) tại các địa phương (Cẩm Phả: 3 tàu, Uông Bí: 2 tàu, Cô Tô: 2 tàu, Hải Hà: 1 tàu và Quảng Yên 1 tàu). Từ đầu năm đến nay có 4 chủ tàu vỏ thép mua bảo hiểm và được hỗ trợ với tổng kinh phí là 107 triệu đồng.
Các tàu đóng theo Nghị định 67 đều có công suất lớn trên 600 CV, có khả năng khai thác ở những ngư trường xa; thiết kế tàu đồng bộ, hiện đại, an toàn cao; chất lượng thi công tàu tốt, mức tiêu hao nhiêu liệu thấp, công suất khai thác cao.. nên khi đi vào sử dụng đều đạt sản lượng khai thác cao, mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ tàu. Đặc biệt, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác rất tốt, giữ được độ tươi sống sau những chuyến đi biển dài ngày, giúp cho các chuyến ra khơi đều nâng cao giá trị, tạo doanh thu lớn hơn.
Các ngư dân được hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định 67 đều hoạt động hiệu quả, bình quân, mỗi tháng các tàu đi được 2 – 3 chuyến đi biển, doanh thu mỗi chuyến trên 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50-60%.
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu 39 tàu được đóng mới theo phân bổ theo Nghị định 67, thì số lượng tàu đánh bắt thủy sản xa bờ được đóng mới của Quảng Ninh còn ít, tiến độ triển khai chương trình còn chậm. Vì vậy, Quảng Ninh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn để ngư dân có thể tiếp cận vốn vay được thuận lợi hơn. Nhiều địa phương đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, với sự tham gia của các đoàn thể, phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã, nghiệp đoàn nghề cá, cơ sở đóng tàu, ngân hàng... để hướng dẫn ngư dân trình tự, thủ tục vay vốn.
9 tháng của năm 2017, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 86.545 tấn, đạt 78% kế hoạch, tăng 7,5% cùng kỳ; trong đó, khai thác 48.537 tấn, đạt 82,3% kế hoạch, tăng 6,4% so với cùng kỳ; nuôi trồng 38.008 tấn, đạt 73,1% kế hoạch./.