Quy hoạch không gian biển phải đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận trong xã hội

Thứ tư, 17/08/2022 22:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, việc tham vấn ý kiến cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý được xem là cơ sở quan trọng để quy hoạch được đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận trong xã hội…​
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TN 

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, quy hoạch không gian biển là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Theo đó, Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết, lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý được xem là cơ sở quan trọng, giúp cho Bộ TN&MT tháo gỡ những vướng mắc, để quy hoạch được đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội…

Theo Thứ trưởng, song song với việc lấy ý kiến bằng văn bản, Bộ TN&MT đã tổ chức các cuộc họp và hội thảo cấp vùng để trực tiếp tham vấn các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhằm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh, với chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế biển. Để trở thành tỉnh mạnh về biển, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển và các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển, …

Cùng với đó, xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển, khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp khai thác; chế biến muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới; sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản;...

Đặc biệt, để tạo động lực phát triển, Ninh Thuận đã hợp tác với các Bộ, ngành Trung ương đưa vào quy hoạch quốc gia các lĩnh vực có lợi thế mới như: điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng nước sâu và trung tâm logistics để kêu gọi đầu tư; đồng thời, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển trung tâm kinh tế biển.

Đánh giá rất cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phan Tấn Cảnh cho rằng, dự thảo Quy hoạch sẽ là cơ sở quan trọng giúp các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đưa ra các chính sách phát triển phù hợp trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, không gian biển góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao đổi, thảo luận về các kết quả đánh giá, dự báo, định hướng phát triển trong quy hoạch; phân vùng quy hoạch (khu vực biển và ven bờ); các nội dung liên quan đến quy hoạch 6 ngành kinh tế biển, gồm: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên; xử lý xung đột giữa các khu vực biển được quy hoạch cho các mục đích sử dụng khác nhau đảm bảo phù hợp với các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực