Tiền Giang: Khai thác tiềm năng kinh tế ven biển theo hướng đa dạng và hiệu quả

Thứ hai, 04/01/2010 10:53

  
                           Ảnh: Internet 

Tiền Giang nằm cuối hạ lưu sông Tiền tiếp giáp với biển Đông. Toàn tỉnh có 32 km bờ biển và khoảng 15.000 ha đất bãi bồi, lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ở cả ba vùng sinh thái: nước ngọt, nước lợ, nước mặn, tập trung ở huyện biển Gò Công Đông.

Tiền Giang xác định kinh tế thủy sản là mũi nhọn trong các chương trình phát triển của địa phương; đặc biệt đối với huyện biển Gò Công Đông. Đây là huyện sớm khai thác bãi bồi ven biển thuộc các xã Tân Điền, Tân Thành..đưa con nghêu vào nuôi xuất khẩu và là địa phương đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nghề nuôi nghêu, làm giàu cho bà con vùng đất mặn có một thời cuộc sống hết sức khó khăn. Hiện nay, diện tích nuôi nghêu tại đây đã phát triển lên 2.300 ha mặt nước cho sản lượng hàng năm từ 20.000 đến 30.000 tấn. Đây còn là vùng nguyên liệu quan trọng bậc nhất phục vụ ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Chỉ riêng nguồn lợi từ chế biến nghêu, bà con tại đây thu lợi vài trăm tỉ đồng/ năm.

Bên cạnh việc nuôi con nghêu, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ huyện Gò Công Đông đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, mạng lưới điện hạ thế và các tiện ích khác cho hai dự án nuôi trồng thủy sản Nam và Bắc Gò Công chủ yếu nuôi tôm sú. Toàn huyện hiện có 13 xã nuôi tôm sú với diện tích gần 3.500 ha, hàng năm thả gần nửa tỉ con tôm sú giống. Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp trên 1.500 ha, trên 200 ha bán công nghiệp còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Với bình quân năng suất 5 tấn/ha/năm đối với mô hình nuôi công nghiệp, 2,5 tấn/ha/năm đối với nuôi quảng canh cải tiến, mỗi năm, toàn vùng nuôi đạt sản lượng gần 6.300 tấn tôm thương phẩm.

Để nghề nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát huy được tiềm năng và thế mạnh trong tương lai, Gò Công Đông đã hình thành được 8 chi hội nghề cá tại những xã trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Hàng năm thông qua hội thảo, tập huấn, xây dựng các điểm trình diễn toàn huyện có hàng ngàn lượt hộ nông dân được chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản phù hợp. Ngoài con tôm sú và con nghêu vốn thế mạnh lâu nay, huyện còn chú ý phát triển tôm càng xanh, nuôi cá kèo, các loại thủy sản có giá trị khác trong những mô hình nuôi phù hợp. Diện tích nuôi thủy sản được mở rộng lên trên 16.800 ha tôm, nghêu và các loại thủy sản khác với sản lượng thu họach gần 34.000 tấn/ năm.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương nuôi thủy sản bền vững, gần đây, Gò Công Đông khuyếch trương mô hình nuôi luân vụ tôm sú với cá kèo hoặc tôm càng xanh trên ao tôm sú. Mô hình này tỏ rỏ tính ưu việt nhờ giải quyết được môi trường, khắc phục mầm bệnh đồng thời cho hiệu quả cao. Huyện hiện có 31 ha nuôi tôm càng xanh và 33 ha mặt nước nuôi cá kèo luân vụ trên ao tôm sú. Diện tích tập trung tại các xã Bình Đông, Tân Trung, Phước Trung...Điển hình có ông Nguyễn Văn Chà cư ngụ tại xã Phước Trung nhiều năm nay thành công với mô hình luân vụ cá kèo trên ao tôm sú. Ông cho biết, khoảng tháng 2 là thả tôm sú chính vụ. Sau khi thu hoạch tôm sú xong, ông bắt tay ngay cải tạo ao đầm thả tiếp vụ cá kèo. Với cách làm như thế, trong năm qua ông đã bán được gần 630 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 205 triệu đồng

Theo ông Chà, nguồn lợi từ mô hình luân canh tôm sú – cá kèo gấp đôi so với độc canh tôm sú vừa tránh được rủi ro do dịch bệnh. Hiện nay, toàn huyện Gò Công Đông có trên 1.500 ha đang áp dụng mô hình kinh tế trang trại chủ yếu nuôi trồng thủy sản với thu nhập từ 100 triệu đồng/ năm/ trang trại trở lên. Từ đó, cho thấy khai thác tốt tiềm năng nuôi trồng thủy sản là hướng đi đúng của huyện miền biển trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và giúp nông dân làm giàu nhanh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực