Cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương

Thứ năm, 12/05/2022 21:43
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TL

Trong hai ngày 12- 13/5, tại Hà Nội, các cơ quan liên quan của Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì) và Na Uy (Bộ Ngoại giao chủ trì) với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức “Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, quy tụ hơn 400 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia, bao gồm các nhà lãnh đạo, chuyên môn, khoa học; các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức tài chính, các trung tâm nghiên cứu toàn cầu.

Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” nhằm: Thảo luận các cơ hội chính trong việc thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức chính của khủng hoảng COVID-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Lê Minh Ngân, bảo vệ sức khỏe của các đại dương chính là bảo đảm bền vững cho các vấn đề tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, giải quyết sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia có vùng ven biển thấp. Để bảo vệ đại dương, Trái đất cho các thế hệ hôm nay và mai sau, chúng ta cần thống nhất về nhận thức và hành động để xác định đúng các rủi ro, chuyển hóa những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới, kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong các mô hình phát triển trước đây.

Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong Cộng đồng quốc tế, sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng “Ngày đại dương thế giới 2022 với chủ đề: Hồi sinh- cùng hành động vì đại dương” và khẩn trương triển khai các cam kết về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP 26) vừa qua.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mong muốn, các quốc gia quan tâm cùng chung tay hành động vì nhân loại cũng như sự sống trên Trái đất. Theo đó, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu, do vậy, các quốc gia cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Trong giai đoạn tới, các quốc gia cần khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia cần quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng tại đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng cho rằng, các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để chúng ta cùng nhau tiến ra biển với một tâm thể bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra các sự kiện bên lề, trong đó có Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh - Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển. Báo cáo được xây dựng nhằm giới thiệu khái niệm về kinh tế biển xanh, đánh giá thực trạng một số ngành kinh tế biển chính của Việt Nam, từ đó xác định tiềm năng và xây dựng kịch bản phát triển kinh tế biển bền vững trong tương lai. Các chuyên đề liên quan như phục hồi và xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch COVID-19 vì một nền kinh tế biển bền vừng và có khả năng chống chịu với khí hậu; quy hoạch không gian biển, các đô thị và hạ tầng ven biển chống chịu với khí hậu; an ninh khí hậu, giới và khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng sẽ được đề cập tại Hội nghị.

Hội nghị dự kiến sẽ ra Tuyên bố của đồng Chủ tịch Hội nghị trong đó đưa ra các nội dung và kết luận chính của Hội nghị, cung cấp thông tin đầu vào cho Liên hợp quốc, các chương trình nghị sự năm 2022 và các năm sau đó, trong đó có Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Liên hợp quốc.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực