Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Thứ bảy, 06/06/2020 00:58
(ĐCSVN) – Việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại Dương thế giới có ý nghĩa rất lớn không chỉ ở nước ta mà cả đối với cộng đồng đại dương thế giới. Đây là dịp để các địa phương ven biển, các cơ quan, doanh nghiệp thể hiện cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển, đảo để phát triển kinh tế; bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi (Ảnh: Phương Nhung)

Thông tin trên được ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân sự kiện Tuần Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương Thế giới diễn ra từ ngày 1-8/6.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết thông điệp và ý nghĩa của Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 và các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng, phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam trong cả nước ?

Ông Tạ Đình Thi: Chủ đề Ngày Đại dương Thế giới năm 2020 do Liên hợp quốc lựa chọn là “Đổi mới vì một đại dương bền vững”. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 là “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

Chủ đề nêu trên nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Như chúng ta đã biết, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 8 tháng 6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới. Từ năm 2009, Ngày Đại dương Thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng nhằm tôn vinh, bày tỏ mối quan tâm gắn bó của loài người với biển và đại dương vì tương lai của toàn cầu.

Mục tiêu chung của việc tổ chức kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò đặc biệt quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.

Với tư cách là một quốc gia biển, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương có biển tổ chức Tuần lễ  Biển và Hải đảo Việt Nam, từ ngày 1-8/6 hằng năm để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới.

Việc tổ chức Tuần lễ  Biển và Hải đảo Việt Nam hằng năm đã được quy định trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và có ý nghĩa rất lớn trong lĩnh vực quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo không chỉ ở nước ta mà cả đối với cộng đồng đại dương thế giới.

Đây chính là dịp để các địa phương ven biển, các cơ quan, doanh nghiệp thể hiện cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển, đảo để phát triển kinh tế; bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương.

Các hoạt động hưởng ứng sẽ diễn ra đồng loạt trên khắp cả nước và trong suốt tháng 6/2020 với những hoạt động thiết thực tổ chức các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm, hiệu quả; các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng như các chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; khuyến khích các nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển; tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng….

PV: Ngày 05/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào để thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP,  thưa ông?

Ông Tạ Đình Thi: Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu với Ban Cán sự Đảng TN&MT và Đảng ủy Bộ ban hành Kế hoạch số 646-KH/BCSĐTNMT ngày 4 tháng 5 năm 2020.

Theo đó, đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025; việc thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao làm đầu mối giúp Ban Cán sự Đảng Bộ tổ chức theo dõi, đôn đốc, phối hợp, tổng hợp triển khai Kế hoạch hành động và triển khai các nhiệm vụ: Chương trình phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình thương hiệu Biển Việt Nam; xây dựng Đề án thành lập Giải thưởng Việt Nam về biển và đại dương; định kỳ tổ chức diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP; sơ kết, tổng kết việc thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ xây dựng và thực hiện bộ chỉ số tổng hợp quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố ven biển theo chuẩn mực quốc tế; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 26/NQ-CP; trọng tâm là lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tăng cường năng lực, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo và nhiệm vụ Văn phòng Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường năng lực và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đến năm 2030.

Triển khai thực hiện tốt chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển; xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển quốc gia đến năm 2030; xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về biển và hải đảo.Thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030. Xây dựng và thực hiện Đề án điều tra, đánh giá tổng thể và xếp hạng sức khỏe hệ sinh thái biển; điều tra, đánh giá các chất phóng xạ tự nhiên hiện có trong nước biển, trầm tích biển và tài nguyên sinh vật biển tại một số khu vực thuộc vùng biển Việt Nam.

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Tổng cục có hoạt động gì nhằm triển khai kế hoạch này?

 Ông Tạ Đình Thi: Ngày 4 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg  ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Nhằm triển khai kế hoạch, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiến hành xây dựng Kế hoạch thực hiện của Bộ TN&MT, đồng thời hướng dẫn, phối hợp, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1746 của Tổng cục.

Tổng cục cũng đang triển khai xây dựng và thực hiện Hợp phần 14a “Điều phối, quản lý chung Dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” thuộc Dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa và vi nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý ; Đề án thành lập Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát xây dựng Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam và chuẩn bị cho Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (5/6) và ngày Đại dương Thế giới 8/6), một trong những nội dung là tuyên truyền về rác thải nhựa đại dương.

Bên cạnh những hoạt động nêu trên, Tổng cục cũng đã chủ động tìm kiếm, trao đổi, làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện Kế hoạch.

PV: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua từ ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.  Sau gần 4 năm Luật đi vào thực tiễn có những khó khăn, vướng mắc gì không,  thưa ông?

Ông Tạ Đình Thi: Trong thời gian gần 4 năm qua, thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực tham mưu với Bộ TN&MT đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển triển khai, bước đầu đã đưa công tác quản lý tổng hợp tài nguyên (QLTHTN), bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo đạt kết quả khá tốt trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều vấn đề phát sinh mới, nhất là tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, nhận thức trong xã hội về vấn đề biển, đảo còn hạn chế, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển và hải đảo đang dần hoàn thiện, kinh phí đầu tư, trang thiết bị và lực lượng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tuy vậy, đến nay việc triển khai phương thức QLTHTN biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu quản lý theo các nguyên tắc, nội dung của Luật; các công cụ quan trọng của QLTHTN biển và hải đảo còn thiếu như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; một số chế định chậm được triển khai như công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thực hiện QLTHTN vùng bờ, lập hồ sơ tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường (ONMT) biển và hải đảo; còn chưa có sự phân định ranh giới và quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý hành chính trên biển; công tác phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương còn chưa thống nhất, thiếu gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ; năng lực thực hiện và nguồn kinh phí còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ...

Do đó, theo kế hoạch trong năm nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai các hoạt động chuẩn bị và năm 2021, Tổng cục sẽ tham mưu với Bộ TN&MT tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật; trên cơ sở đó sẽ đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực