"Tàu ra, Trường Sa vào Tết"

Thứ hai, 05/02/2024 15:20
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân lại tổ chức vận chuyển nhu yếu phẩm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Trong những ngày vừa qua, chúng tôi được tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và những người làm báo cả nước đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024.
Không gian Tết trên đảo Song Tử Tây 

Tết là thời điểm ai cũng muốn được về nhà, được quây quần với người thân, bên mâm cơm gia đình ngày Tết, thế nhưng cũng có nhiều người, vì công việc, vì nhiệm vụ, không thể có mặt bên mâm cơm sum vầy ngày tất niên. Một trong số đó là những người lính đảo.

Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đều tổ chức vận chuyển nhu yếu phẩm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Trong những ngày vừa qua, chúng tôi được tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và những người làm báo cả nước đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024.

Cán bộ chiến sỹ Vùng 4 vận chuyển hàng ra đảo 

Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, mùa xuân năm nào cũng đến sớm hơn thường lệ, đó là khi các chuyến tàu của Vùng 4 Hải quân chở các mặt hàng hóa ra. Tàu ra, Trường Sa vào Tết. Tết Trường Sa đến sớm hơn nhưng rất đủ đầy và cũng có những nét rất riêng, độc đáo.

Chuyến đi kéo dài 20 ngày trên biển. Những vật tư, thực phẩm, quà Tết đến với Trường Sa không thể thiếu gạo nếp, lá dong, thịt lợn, hoa quả, bánh mứt, cùng nhiều phương tiện, đồ dùng thiết yếu. Các nhu yếu phẩm và quà Tết gửi ra Trường Sa luôn có sự chung tay đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước.

Vượt hàng trăm hải lý mùa biển động, những mặt hàng Tết đến với Trường Sa mang theo cả hơi thở của mùa xuân, cùng tấm chân tình mà đất liền gửi gắm. Nhận được những cây quất, cành mai, những con lợn sống, những tấm lá dong xanh mướt, những bịch gạo nếp, đỗ xanh được gói gém cẩn thận,… cũng là lúc Tết về với cán bộ, chiến sĩ và quân dân Trường Sa.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác tàu 571 

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác tàu 571 cho biết: Những chuyến tàu ra đảo vào dịp cuối năm luôn có sự tham gia của nhiều phóng viên, nhà báo ở các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước để truyền tải thông tin từ đất liền ra đảo và phản ánh chân thực nhất những hình ảnh về đời sống của cán bộ chiến sĩ, không khí vui Tết đón Xuân trên đảo.

Hoạt động ra thăm, chúc Tết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân; là tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm, tấm lòng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên cả nước cùng hướng về Trường Sa, đồng lòng vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; chung tay chăm lo đời sống vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ đối với quân và dân các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Sự quan tâm này sẽ tiếp thêm động lực, là nguồn sức mạnh để quân và dân Trường Sa luôn kề vai sát cánh, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 trao tặng quà Tết và chúc mừng nhân dân trên đảo Song Tử Tây 

Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà: Những món quà này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội đối với các chiến sĩ, nhân dân ở Trường Sa. Với tinh thần đất liền mang tình cảm ra với Trường Sa, Trường Sa gửi gắm niềm tin về với đất liền và rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với đảo xa. Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió để họ vững chắc tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác tàu 571 cho biết: Mỗi năm Tết đến, Xuân về, không riêng gì lãnh đạo, chỉ huy của Lữ đoàn 146 nói riêng mà Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng và các lãnh đạo tỉnh, thành phố và Trung ương luôn luôn quan tâm hướng về Trường Sa chuẩn bị tốt mọi cơ sở vật chất, tinh thần, để tổ chức những chuyến tàu ra đảo đảm đầy đủ và tốt đẹp nhất cho cán bộ, chiến sĩ, tạo được niềm tin cho mọi người dân.

Để chuẩn bị tốt hàng hóa phục vụ cho ngày Tết của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa với đặc thù là đóng quân xa đất liền và trên một môi trường biển khắc nghiệt, sóng và gió, thì công tác chuẩn bị phải trước Tết một thời gian, tùy theo từng mặt hàng để chuẩn bị. Những mặt hàng khô thì chuẩn bị trước, những mặt hàng tươi như rau củ, quả thì chuẩn bị sau. Đặc thù như là lá dong để gói bánh chưng thì cũng sát ngày mới mua và chuyển xuống tàu, để ra đến đảo lá vẫn còn xanh. Ngoài ra, các mặt hàng Tết như bánh kẹo, quà của các tỉnh, thành phố và đồng bào bào đất liền dành gửi tặng Trường Sa thì đều được phân bổ, gửi  tận tay cho cán bộ, chiến sĩ để họ cảm nhận được tình cảm quê hương dành cho mình.

Nhân dân trên đảo Song Tử Tây trong những ngày Tết 

"Những món quà tuy nhỏ nhưng cũng tiếp thêm nghị lực, niềm tin để người lính yên tâm công tác, thấy đây là vinh dự và trách nhiệm của một cuộc đời người chiến sĩ khi được một lần làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa" - Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết.

Bắt đầu từ các tuần giáp Tết, chiến sĩ ở Trường Sa sẽ có thêm một nhiệm vụ mới là chăm sóc, trang trí nơi ở, nơi làm việc của mình để đón Tết sắp đến. Không khí phấn khởi, tin tưởng vào một mùa Xuân mới, thắng lợi mới lại đang tràn ngập nơi đất đảo Trường Sa.

Không khí Tết bắt đầu rộn ràng khi quân dân trên đảo cùng tổng dọn vệ sinh trong tiếng chuyện trò rộn rã. Những căn nhà được quét lại sơn trắng, công trình thanh niên, cây xanh được sửa sang làm đẹp. Nhưng vui nhất, không khí Tết nhất, vẫn là hoạt động gói bánh chưng chan chứa tình quân dân tại các đảo. Gạo nếp được các chiến sĩ dậy sớm, ngâm từ sáng, những lá dong được bộ đội và người dân cùng nhau rửa cẩn thận, những chiếc lá bàng vuông được hái xuống; một nhóm cán bộ chiến sĩ khác vào chuồng bắt heo, mổ lấy thịt. Những đứa trẻ trên đảo cũng xúm lại, đông vui.

Gói bánh chưng với các chú bộ đội trên đảo 

Chị Đinh Thị Mỹ Hảo, một người dân ở đảo Song Tử Tây tâm sự: “Được gói bánh chưng với các chú bộ đội trên đảo, tôi cảm thấy rất phấn khởi, vui; cảm thấy không khí tết ấm áp và đầy đủ. Trong quá trình gói bánh chưng, các chú bộ đội hướng dẫn các cháu nhỏ cách gói bánh và Tết cổ truyền để các cháu hiểu hơn về Tết cổ truyền và cách gói bánh ngày xưa do cha ông truyền lại. Mọi người ở nhà cũng quan tâm lắm, có gì là gửi ra hết, mặc dù cũng thấy xa nhà nhưng được quan tâm, gửi ra như vậy rất là vui”.

Bánh chưng Trường Sa đầy đủ hương vị của đất liền. Tuy nhiên, bộ đội, người dân, mỗi vùng miền một cách gói khác nhau, khiến nồi bánh chưng cũng rất đặc biệt. Nhất là những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông mang một nét riêng, đậm vị mặn mòi của biển cả, nắng gió nơi đảo xa.

Rồi những cây quất, cành mai được trang trí với những phong bao lì xì đỏ chói, dây kim tuyến nhiều màu cùng ánh điện nhấp nháy. Mân ngũ quả của đêm giao thừa cũng được bày biện cẩn thận, với những nét rất riêng, là đu đủ, dừa, chuối, là dứa biển và quả tra.

Niềm vui ngày Tết 

Chị Nguyễn Thị Châu Úc, một hộ dân trên đảo cho hay: “Ở đất liền không ai gói bằng bằng lá bàng vuông cả. Không phải ngoài đảo không có lá dong mà vì lá khi chuyển từ đất liền đến đảo không còn tươi, vì thế lá bàng vuông được lót vào trong để bánh có màu xanh đẹp, còn lớp ngoài gói bằng là dong. Dù cán bộ, chiến sĩ và cả người dân đều xa gia đình nhưng tình đoàn kết quân và dân trên đảo khiến chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thấu hiểu, yêu người lính, yêu đảo, yêu biển hơn. Thực sự đón Tết ở đảo, là một vinh dự, mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng muốn được hòa mình vào không khí Tết ở đây 1 lần trong đời”.

Đã nhiều năm công tác trên đảo, Thượng Tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây tâm sự: cuộc đời binh nghiệp được gắn bó với Song Tử Tây là đảo thứ 5 và vinh dự đều được đón Tết ở cả 5 đảo. Với  mỗi dịp đón Tết xa nhà, tuy tâm tư tình cảm hướng về gia đình, có nỗi nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê hương nhưng tất cả vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, anh và đồng đội có lập trường kiên định, vững vàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng Tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây  

Thượng tá Nguyễn Văn Khương khẳng định: Các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo luôn nỗ lực cao nhất, hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Việc chăm sóc, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội được đặc biệt chú trọng. Bộ đội trên đảo thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao để đảm bảo sức khoẻ, xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Từ đó tạo ra không khí phấn khởi, yên tâm công tác, thi đua lập thành tích.

Còn với chiến sĩ Nguyễn Anh Kiệt tâm sự: “Được làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây là vinh dự lớn của bản thân tôi. Dù ban đầu có đôi chút nhớ nhà, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội, của bà con trên đảo khiến tôi hoà nhập cuộc sống mới rất nhanh. Thời điểm này, Song Tử Tây đang rộn ràng các hoạt động vui xuân, đón Tết, tôi càng thấy thêm gắn bó, yêu thương và quyết tâm cao nhất để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Phải nói là mỗi ngày trên đảo là một ngày vui, một ngày ý nghĩa của tuổi trẻ chiến sĩ ở Trường Sa yêu thương”.

Cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đón giao thừa năm Quý Mão - 2023 bên Cột mốc chủ quyền 

Với chiến sĩ Mai Ngọc Hoàn, những buổi sinh hoạt đọc sách trong thư viện hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí của đơn vị là trải nghiệm đầy thú vị, bổ ích: “Từ thư viện của đơn vị, chúng tôi, những chiến sĩ trẻ được bồi đắp thêm tình yêu quê hương, Tổ quốc, càng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn cho dân tộc”.

Dù không được tham gia trọn vẹn các hoạt động vui Xuân, đón Tết với quân và dân Song Tử Tây vì điều kiện thời tiết, nhưng từng khoảnh khắc của chúng tôi trên đảo Song Tử Tây đã trọn vẹn những yêu thương. Chúng tôi được mời đĩa rau câu, ly cà phê, tách trà, chùm trái tra chín (còn được bà con và bộ đội Trường Sa gọi là nho biển) được người dân trên đảo chăm chút, hào sảng mời khách; được đắm mình trong nụ cười, cái bắt tay thật chặt và những câu chuyện gần gũi, thân thương, đẹp lộng lẫy tình người giữa biển đảo quê hương. Cùng sắc mai, nhành đào, chậu quất là đoá bàng vuông nở giữa đêm khuya thơm ngát.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146 chia sẻ: Đảo Song Tử Tây là một trong những đảo đẹp nhất, xanh nhất ở Trường Sa. Nơi đây ngoài các lực lượng bộ đội còn có chùa chiền, có người dân, có Uỷ ban Nhân dân xã, có trường học. Nhịp sống của Song Tử Tây giờ đây không còn cách biệt với đất liền. Đời sống của bộ đội và nhân dân đã được cải thiện vượt bậc so với trước. Nói về Trường Sa bây giờ là nói về vùng biển đảo trù phú, xinh đẹp, bình yên.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực