|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TN |
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tại Hội thảo tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 - 2021 và định hướng đến năm 2030 trong lĩnh biển và hải đảo diễn ra chiều 31/5, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết: Để chào mừng 20 năm thành lập Bộ TN&MT (2002- 2022) và hưởng ứng Ngày KH&CN hàng năm (18/5), Bộ TN&MT đang thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu KH&CN nổi bật giai đoạn 2011- 2021; giới thiệu một số kết quả nghiên cứu của Bộ trong thời gian qua, tập trung những đề tài, nhiệm vụ được ứng dụng hiệu quả, phục vụ công tác quản lý của ngành. Đồng thời, cũng sẽ xác định các định hướng nghiên cứu và các giải pháp để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Bộ tổ chức chuỗi các hội nghị, hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá, giới thiệu các kết quả KH&CN nổi bật, xác định định hướng sắp tới của 9 lĩnh vực chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 20-2021, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, các chương trình, nhiệm vụ, đề tài KH&CN các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo, góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý biển và hải đảo.
Cùng với đó, góp phần phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các đảo, đánh giá được tiềm năng, trữ lượng khoáng sản, tài nguyên sinh vật biển. Đồng thời từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ, thành tựu KH&CN để khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai.
Cùng với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu KH&CN trong lĩnh vực biển và hải đảo như: cơ chế, chính sách chưa tạo động lực để thu hút các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu sâu; nghiên cứu ứng dụng thực tiễn vẫn còn có những khiêm tốn; các đề tài về giải pháp, mô hình công nghệ, kỹ thuật còn chưa nhiều; kết quả nghiên cứu chưa được triển khai phổ biến, áp dụng rộng rãi.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, thúc đẩy phát triển KH&CN của lĩnh vực biển và hải đảo trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý và trao đổi thảo luận tập trung vào xác định những lĩnh vực trọng tâm cần triển khai để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; xác định, chỉ rõ những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để điều chỉnh trong khuôn khổ trách nhiệm quản lý của Bộ; từ đó triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực biển và hải đảo định hướng năm 2030.
Theo TS. Nguyễn Minh Trung, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong giai đoạn tới, định hướng về KH&CN trong lĩnh vực biển và hải đảo của Bộ TN&MT sẽ tập trung tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học thực tiễn xác định các đối tượng điều tra mới về tài nguyên thiên nhiên biển. Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ điều tra, quan trắc tài nguyên thiên nhiên biển và hải đảo; giám sát thiên tai và dự báo, ứng phó sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ triển khai quy hoạch không gian biển; quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ. Đồng thời nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn tích hợp và kết nối dữ liệu môi trường biển và hải đảo dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các báo cáo: Một số kết quả nổi bật của Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, quy trình đánh giá chất lượng hệ sinh thái vùng biển ven bờ bằng công nghệ tiên tiến phục vụ quản lý tài nguyên và môi trường biển”; Xu hướng khoa học, công nghệ biển và hải đảo quốc tế; Khoa học công nghệ biển trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam./.