Trải nghiệm Dinh Cậu Phú Quốc

Thứ bảy, 13/01/2024 20:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Dinh Cậu là công trình tiêu biểu cho tín ngưỡng lâu đời của cư dân đảo Phú Quốc, gắn liền với những triết lý nhân sinh là nơi gửi gắm những ước mơ về sự bình yên, ấm no và hạnh phúc trong cuộc sống lao động của người dân miền biển nơi đây, .

Giữa muôn vẻ đẹp giữa trùng khơi của Tổ quốc, đến Phú Quốc trong hành trình khám phá biển đảo, du khách mọi miền sẽ có cơ hội đến thăm Dinh Cậu, một di tích tâm linh nơi đây. Tọa lạc bên bờ biển, giữa muôn trùng sóng vỗ, trên một bãi đá nổi, nhô ra mặt biển, trên đó có một tảng đá nổi giống hình con rùa. Một lối đi nhỏ từ trong bờ dẫn ra điểm di tích. Dinh Cậu thuộc địa phận khu phố 2, phường Dương Đông, Phú Quốc (Kiên Giang). Nơi đây là điểm đến tâm linh của du khách mọi miền.

 Dinh Cậu trên đảo Phú Quốc là điểm đến tâm linh của du khách thập phương.

Theo tư liệu ghi chép lại, Dinh Cậu được xây dựng từ năm 1937, được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2012. Chuyện kể rằng, xưa kia, nhiều ngư dân Phú Quốc ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về được. Đột nhiên họ thấy một mỏm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển, dân đảo cho là núi thiên nên lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước tai ương sóng cả. Từ đó đến nay, cư dân nơi đây hương khói phụng thờ, coi không gian linh thiêng này là điểm tựa tâm linh để được ấm no giữa muôn trùng biển khơi.

Để khám phá vẻ đẹp và nét văn hoá độc đáo của Dinh Cậu, du khách theo lối nhỏ lên những bậc đá giữa hai bên vách đá. Phía cổng có ngôi miếu trình toạ lạc trên một bệ đá vững chắc, được sơn màu xanh xen màu đỏ, mái có đôi rồng chầu mặt nguyệt. Tiếp đến là cổng dinh với hai cột đá được sơn màu đỏ và biển tên “Dinh Cậu” ghi bằng tiếng Việt. Trên đỉnh bãi đá là ngôi chính điện của Dinh Cậu được trang trí hoa văn họa tiết khá tinh xảo, rực rỡ sắc màu. Phía ngoài là 4 hàng cột, hai cột ngoài cùng sơn màu đỏ tạc hai hàng câu đối chữ vàng: “Muôn đời anh linh chiếu trời đất/ Ngàn thu hiển hách chiếu rọi càn khôn”, hai cột giữa có tạc rồng vàng uốn lượn. Bên trong có ban thờ  điện chính đặt miếu thờ chúa Ngọc Nương Nương và thánh tượng Hai Cậu (Cậu Tài, Cậu Quý).

Dinh Cậu có những nét kiến trúc tinh xảo, độc đáo.  

Mái dinh được tạo tác khá độc đáo và mang nét đặc trưng của tâm linh miền biển, đó là ở giữa mái có đôi rồng màu xanh chầu mặt nguyệt, hai bên góc mái có đôi cá màu xanh hướng ra hai bên. Không gian bên ngoài dinh có ngọn hải đăng ở phía sau, biểu tượng chiếc thuyền chài sơn màu xanh nước biển của ngư dân ở cửa chính giữa dinh. Màu sắc đặc trưng của Dinh Cậu là màu hồng, xanh, đỏ. Dinh Cậu toạ lạc dưới bóng cây phi lao và cây dừa quanh năm xanh tốt.

Biểu tượng chiếc thuyền đi biển của ngư dân miền biển phía trước cửa Dinh Cậu. 

Hằng năm vào ngày 15, 16 tháng 10 (âm lịch), nhân dân mở hội lớn truyền thống Dinh Cậu. Đến thăm Dinh Cậu, ai cũng cảm nhận được không khí của tín ngưỡng tâm linh miền biển và một khung cảnh hùng vĩ trước bao la biển lớn, sóng biển lúc nào cũng vỗ ào ạt dưới chân bãi đá. Chiều về, phía chân trời rực vàng tạo nên một không gian tráng lệ và thơ mộng. Trong không gian ấy, dinh Cậu ẩn hiện giữa trùng khơi trở nên lung linh, huyền ảo.

Những tảng đá kì thú dưới chân bãi đá Dinh Cậu. 

Với những giá trị văn hoá được lưu giữ và nét độc đáo của kiến trúc, Dinh Cậu là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến thăm quan đảo Phú Quốc tươi đẹp. Nơi đây, du khách có cơ hội được khám phá, trải nghiệm nét văn hoá tâm linh độc đáo, mang đặc trưng miền biển. Trước biển khơi muôn trùng sóng vỗ, trước công trình văn hoá được cư dân gìn giữ, chúng ta sẽ cảm nhận được ước mơ của con người nơi đây từ bao đời nay, dù có trải qua bao sóng gió, tai ương, những người lao động miền biển vẫn luôn ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, về sự bình yên để họ luôn vững vàng để chèo lái những con thuyền ra khơi với bao niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng./.

Bài và ảnh: Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực