Cách đây 60 năm, ngày 02/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngang nhiên tiến vào sát bờ biển để trinh sát và khiêu khích lực lượng của ta. Hành động này nằm trong mưu đồ tạo cớ của Mỹ để mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân, Phân đội 3 tàu phóng lôi của Tiểu đoàn 135 đã dũng cảm tiến công đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc, bắn rơi 01 máy bay, bắn bị thương 01 chiếc khác, buộc tàu địch phải rút chạy khỏi vùng biển nước ta. Trận chiến đấu ngày 02/8 đã “giáng một đòn vào ưu thế của hải quân Mỹ,… thể hiện ý chí đánh và quyết đánh Mỹ của toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc” (1).
Đêm 04/8/1964, Mỹ cho tàu khu trục Ma-đốc và Tơ-nơ-Gioi chủ động nổ súng và phát tín hiệu bị tiến công, dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế, đánh lừa dư luận Mỹ và quốc tế. Tiếp đó, ngày 05/8/1964, Mỹ mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên”, sử dụng tối đa lực lượng máy bay của hai biên đội tàu sân bay (Con-xten-lây-sơn và Tai-cơn-đơ-rô-gơ) đánh phá các mục tiêu kinh tế, căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu thuyền của Hải quân ta dọc ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh). Nêu cao tinh thần cảnh giác và quyết tâm chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp, hiệp đồng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân các địa phương ven biển miền Bắc anh dũng chiến đấu.
|
Tàu Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ tại Lạch Trường - Thanh Hóa trong ngày 5/8/1964. (Ảnh tư liệu). |
Tính chung trong các trận chiến đấu trong ngày 02 và 05/8/1964, đã có “tám máy bay hiện đại của địch bị bắn rơi, một trung úy phi công bị bắt sống,… nhiều máy bay khác bị thương” (2), âm mưu leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ bước đầu bị thất bại. Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 “đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân ta, góp phần cổ vũ toàn quân, toàn dân trên miền Bắc hăng hái quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ miền Nam hăng hái thi đua giết giặc lập công” (3). Chiến thắng trận đầu đã tạo nên truyền thống “đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây là chiến thắng của sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn dân tộc, ý chí quyết tâm chiến đấu “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định ý chí quyết tâm, dũng cảm, kiên cường, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của Bộ đội Hải quân. Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mỹ. Thắng lợi này tạo tiền đề cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam, tiến lên đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với chiến công xuất sắc đó, ngày 07/8/1964, Quân chủng Hải quân vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 5 Huân chương Quân công hạng Ba và 142 Huân chương Chiến công các loại cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu; Tuổi trẻ Quân chủng được Trung ương Đoàn Thanh niên tặng 20 lá cờ danh dự: "Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang".
Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, Đảng ta nhận định, “tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột” (4). Đặc biệt, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đang đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, trong đó có Quân chủng Hải quân; đòi hỏi phải “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” (5); vừa phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo.
Trước những đòi hỏi đó, phát huy truyền thống chiến thắng trận đầu, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Đặc biệt, từ năm 2010, thực hiện chủ trương tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, Quân chủng Hải quân đẩy mạnh phát triển lực lượng, hình thành 5 vùng trải dọc chiều dài đất nước với 5 binh chủng: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh - Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ và Đặc công Hải quân. Nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại được bổ sung, đưa vào khai thác hiệu quả, tạo đột phá về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn Quân chủng, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Vận dụng những kinh nghiệm quý trong chiến thắng trận đầu, bước vào giai đoạn cách mạng mới, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển trọng điểm; kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo vệ được chủ quyền và các mục tiêu chiến lược, các hoạt động kinh tế biển; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.
|
Thực hành hiệp đồng huấn luyện tác chiến trên biển. (Ảnh: PMH) |
Bám sát các nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân chủ động tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xử lý, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tình hình trên biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Hải quân tiến lên hiện đại; thường xuyên duy trì tốt các hoạt động quản lý, nâng cao khả năng bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng bà con ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày; tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng nhân dân trên các vùng biển, đảo; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, huy động nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và xây dựng hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu (02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024), là dịp để chúng ta cùng ôn lại chiến công hào hùng đầu tiên của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân và quân dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ đó, không ngừng bồi dưỡng lòng tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực góp sức vào quá trình xây dựng, phát triển Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; sẵn sàng và chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Tài liệu tham khảo:
(1), (2), (3). Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1985, tr. 100, 101, 112.
(4), (5). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 107, 156.