Những thước phim của các đội chiếu bóng lưu động (CBLÐ) thuộc Trung tâm không chỉ là “món ăn tinh thần” quan trọng của đồng bào vùng cao mà còn là kênh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân…
Hoạt động chiếu bóng lưu động của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Hòa Bình luôn thu hút sự quan tâm của đồng bào dân tộc vùng cao. Ảnh QĐ
Rộn ràng bản vùng cao đón đội chiếu bóng…
Một ngày cuối tháng 1/2018, bản Khuộc, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn như rộn ràng hơn bởi tin có đội CBLĐ về với bà con. Theo sự phân công của Trưởng bản, người tự nguyện mang cây đến để căng phông, người đào hố chôn cọc giúp các thành viên của đội CBLĐ huyện Lương Sơn chuẩn bị bố trí nơi để máy móc, loa đài... Cũng như nhiều hộ khác trong bản, sau một ngày lao động vất vả, gia đình anh Bùi Văn Thanh ăn tối sớm hơn so với mọi ngày để đi xem phim. Bọn trẻ nhà anh háo hức lắm, chẳng thiết ăn uống, chúng rủ nhau đi từ rất sớm so với thời gian chính thức của buổi chiếu phim.
Theo kế hoạch, 18h30 buổi chiếu mới bắt đầu nhưng mới hơn 17h00 bà con trong bản Khuộc đã tập trung rất đông tại khu vực chiếu bóng. Bắt đầu buổi chiếu, Đội CBLĐ tuyên truyền trực tiếp bằng phim tài liệu “Giải phóng Điện Biên”, nói về tinh thần chiến đấu anh dũng và khí thế hào hùng của cả dân tộc trong những tháng ngày lịch sử. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều im lặng, trật tự, theo dõi diễn biến bộ phim. Những hạt mưa xuân lác đác không làm phân tán sự tập trung theo dõi của bà con. Anh Bùi Văn Thanh chia sẻ: “Cũng lâu lâu đội CBLĐ mới về với bà con dân bản. Nói thật là bây giờ khoa học phát triển, mạng Internet phủ sóng rộng, nhiều nhà có tivi nhưng mọi người vẫn rất thích được xem chiếu bóng màn ảnh rộng, nhất là những bộ phim tài liệu, phim về cách mạng, về Bác Hồ”.
Tìm hiểu được biết, không chỉ ở huyện Lương Sơn mà tại các 09 huyện còn lại của tỉnh Hòa Bình, các Đội CBLĐ đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tổ chức hoạt động chiếu phim phục vụ nhân dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên các Đội CBLĐ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhất là đường xá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt… Đặc biệt về mùa mưa, mỗi người còn phải mang thêm cả chục kg máy móc, trang thiết bị… Rồi có lúc đang chiếu phim thì trời đổ mưa, mọi người trong Đội lại phải nhanh chóng di chuyển thiết bị máy móc để tránh hỏng hóc. Vất vả hơn là ở những bản chưa có điện lưới quốc gia, trong ánh sáng chủ yếu từ những chiếc đèn pin treo đầu hoặc của chiếc điện thoại di động họ lại nỗ lực thực hiện các phần việc theo chuyên môn của từng người. Theo đồng chí Trương Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Hòa Bình: Quá trình thực hiện hoạt động chiếu phim phục vụ người dân, cán bộ, nhân viên các Đội CBLĐ gặp phải rất nhiều khó khăn. Song, vui nhất là đến nơi nào anh, chị em cũng nhận được những tình cảm chân thành, nhiệt tình, hiếu khách của người dân. Chính những tình cảm đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi phục vụ tốt hơn khán giả vùng sâu, vùng xa.
Kênh thông tin hiệu quả ở cơ sở
Với phương châm hướng về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là địa chỉ phục vụ, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Hòa Bình đã luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân viên 10 đội CBLÐ tại các huyện chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận; tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Chỉ tính riêng trong năm 2017 vừa qua, vượt qua những khó khăn về giao thông, thời tiết, Trung tâm đã thực hiện 1.176 buổi chiếu phim; bình quân mỗi đội CBLÐ phục vụ gần 120 buổi/năm với nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, thuyết minh bằng cả tiếng Kinh và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Mông…) chiếu trên màn hình rộng. Cách thức tuyên truyền trước mỗi buổi chiếu đều được lựa chọn phù hợp với truyền thống tập quán các dân tộc. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; nhân rộng các mô hình, điển hình; hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình…
Một buổi chiếu phim phục vụ bà con bản Khuộc, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh QĐ
Là một trong những đơn vị tiêu biểu, Đội CBLĐ huyện Tân Lạc đã thực hiện 206 buổi chiếu tại 16 xã với 76 xóm, bản. Các buổi chiếu phim của Đội đã thu hút trên 14 nghìn lượt người tham gia. Ngoài việc chiếu phim theo kế hoạch, Đội CBLĐ huyện Tân Lạc còn tuyên truyền miệng, triển lãm nhỏ theo từng chủ đề tại các bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Các buổi chiếu phim thường được sắp xếp thành chương trình gồm: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng; kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS, phim phóng sự tài liệu, phim hoạt hình thiếu nhi, phim truyện... Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Những buổi chiếu phim của Đội CBLĐ huyện đã góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với bà con các dân tộc trên địa bàn huyện.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay, đời sống dân trí của đồng bào dân tộc đang dần được nâng lên. Nhiều hộ gia đình đã có ti vi, điện thoại, giao thông cũng thuận lợi hơn nhiều... nhưng việc tuyên truyền theo hình thức chiếu phim lưu động vẫn đang là một kênh thông tin mang lại hiệu quả tích cực, nhất là ở cơ sở. Theo đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình: CBLĐ hiện nay vẫn là một hoạt động tuyên truyền hiệu quả và thiết thực đối với người dân vùng cao, vùng xa. Theo báo cáo, năm 2017, các đội CBLĐ thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Hòa Bình đã đến gần 630 xóm, bản thuộc 133 xã vùng cao phục vụ gần 1.200 buổi chiếu phim thu hút trên 100 nghìn lượt người xem. Các buổi CBLĐ đã vừa giúp nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân vừa đưa thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở một cách thiết thực đối với địa bàn miền núi. Đồng thời, thông qua những buổi chiếu bóng, các tác phẩm điện ảnh được chiếu còn góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thay đổi nhận thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở. Từng thước phim, mỗi thể loại tư liệu mà các đội CBLÐ mang đến cho khán giả đã giúp người dân thêm niềm tin vào Ðảng, chính quyền, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; động viên bà con tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; đẩy mạnh sản xuất góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình ngày thêm phát triển mạnh giàu./.