Gìn giữ hòa bình - hoạt động quan trọng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam

Thứ bảy, 17/02/2018 20:02
(ĐCSVN) – Kể từ tháng 6/2014 cho đến nay, Việt Nam đã cử được 20 sĩ quan tham gia vào các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi và được quốc tế đánh giá cao. Để hiểu rõ hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam.

 

Đại tá Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam

 

Phóng viên (PV): Sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam – Cục GGHBVN) đã cho thấy đường lối đối ngoại chủ động, tích cực, sẵn sàng của Việt Nam vào công việc chung của quốc tế. Với tư cách là người đứng đầu, đồng chí có thể giới thiệu rõ hơn về công việc của Cục GGHBVN?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Đây là niềm vinh dự của Cục GGHBVN khi có thể quảng bá được một hoạt động mới của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với sự nghiệp có tính nhân đạo cao như thế này. Thời điểm thành lập Trung tâm GGHBVN 27/5/2014 được coi là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của một lĩnh vực mới, mang tính nhân đạo cao, có độ nhạy cảm lớn, nhưng lại mang tính phối hợp tác chiến trong môi trường đa quốc gia rộng lớn dưới ngọn cờ Liên hợp quốc. Đây là hoạt động mà chúng ta đã có đóng góp từ lâu. Ví dụ như trước đây, từ 1993, Việt Nam bắt đầu có những đóng góp tài chính cho quốc tế, cho Liên hợp quốc để giải quyết những vấn đề chung. Đến tháng 6/2014, việc hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia vào hoạt động GGHB của Liên hợp quốc là dấu mốc cho thấy Việt Nam cử quân tham gia trực tiếp để cùng giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu.

Để có được điều này, Việt Nam đã trải qua một quá trình dài, từ sửa đổi nhiều cơ chế pháp lý đến quán triệt tình hình, nghiên cứu các phái bộ cho phù hợp với đường lối đối ngoại – quốc phòng mà Việt Nam đang thực hiện.

Cục GGHB Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng), cơ quan Thường trực của Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (gọi tắt là Tổ Công tác).

Chức năng của Cục GGHB là: Tham mưu chiến lược với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Tổ Công tác trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, chỉ huy các lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Quản lý, chỉ huy và điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam; Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam; Tham mưu chiến lược với Tổ Công tác giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo, phối hợp giải quyết các công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức triển khai huấn luyện về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong toàn quân; Tham gia thành viên của hiệp hội, mạng lưới các Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình liên hợp quốc trong khu vực và quốc tế.

PV: Vừa qua đã có 20 sĩ quan của Cục GGHBVN được cử sang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các tiêu chí đưa ra đối với những cán bộ được cử đi là gì thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Có nhiều tiêu chí đối với các sĩ quan được lựa chọn. Tiêu chí đầu tiên phải nói đến là những người được đào tạo bài bản, có phẩm chất chính trị vững vàng, có khả năng hoạt động độc lập cao. Các sĩ quan được cử đi được lựa chọn từ nhiều đơn vị trong toàn quân: biên phòng, công binh, cảnh sát biển,… Đây là những người đã được đào tạo và huấn luyện từ các nhà trường trong quân đội. Họ được tham gia các khóa học để lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ tổ quốc, họ có kinh nghiệm thực tế về huấn luyện, triển khai dã ngoại, có kinh nghiệm điều hành các đơn vị, có kiến thức về đối ngoại quốc phòng,… Họ là những người được rèn luyện về phẩm chất chính trị và thể lực. Theo yêu cầu của Liên hợp quốc thì độ tuổi của những người tham gia phái bộ không quá 54, trong khi các sĩ quan của ta chủ yếu ở độ tuổi 30 – 40, rất trẻ trung và có thể lực tốt, có kinh nghiệm, kiến thức quân sự giỏi.

Một tiêu chí nữa là về trình độ tiếng Anh. Những sĩ quan tham gia phái bộ phải làm việc trong môi trường đa quốc gia, hằng ngày phải tiếp xúc, nói chuyện với các đồng nghiệp, nghe báo cáo, viết báo cáo, trao đổi khi phối hợp công tác, lên kế hoạch tác chiến, nghe qua các phương tiện thông tin quân sự (điện thoại, bộ đàm,…) đều bằng tiếng Anh. Hiện nay, số lượng quân nhân của ta có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, những người được lựa chọn đều là những người có khả năng ngoại ngữ tốt.

Ngoài ra, các sĩ quan phải có khả năng thích ứng cao với môi trường khắc nghiệt ở châu Phi (như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan,…). Ngoài thể lực, thể chất ra thì họ cần phải có sức đề kháng tốt đối với các loại dịch bệnh đang xuất hiện ở các nước châu Phi. Trước khi đi, các sĩ quan Việt Nam được tiêm phòng 7 mũi vắc-xin: bệnh tả, sốt rét, viêm gan, sởi, đậu mùa,… Nhìn chung, các sĩ quan của Việt Nam có khả năng miễn dịch cao. Trong khi, có nhiều trường hợp sĩ quan nhà nghề của các nước bạn không chịu nổi sự khắc nghiệt của môi trường.

Sĩ quan Việt Nam (ngoài cùng bên trái) tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan

 

Một số nước khi cử sĩ quan sang, họ gửi theo thực phẩm được chia thành các ngày. Họ đi 365 ngày thì mang đủ lương thực cho từng ấy ngày, mỗi ngày có 3 khẩu phần ăn cho 3 bữa. Trong khi, các sĩ quan Việt Nam khi sang mang theo gạo, thực phẩm, thậm chí tự tìm kiếm nguồn rau xanh hoặc trồng thành những vườn rau nhỏ để tự cấp tự túc sinh hoạt. Chẳng hạn, khi nhìn thấy cây đu đủ, các sĩ quan của ta mang về có thể tận dụng từ quả đến thân cây để làm thực phẩm. Hay như quả mướp, họ chỉ để già đi, rồi dùng xơ để tắm rửa, kì cọ thì các sĩ quan Việt Nam chế biến thành các món ăn rất ngon. Sĩ quan các nước khi được mời để thưởng thức các món ăn, thì đều bất ngờ về khả năng chế biến món ăn của sĩ quan Việt Nam. Có thể thấy, khả năng tận dụng được những nguồn thực phẩm, khả năng tự cung cấp hậu cần tại chỗ của các sĩ quan Việt Nam rất tốt.

Trong thời gian công tác tại các phái bộ, các sĩ quan Việt Nam đã tận dụng được nguồn nước ngọt mà UN cung cấp để sinh hoạt (như nước rửa mặt) để tưới rau, mang mầm, hạt từ Việt Nam sang để tạo thành những vườn rau muống, rau cải rất tốt. Đây cũng là hình ảnh chưa từng có ở các phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi trước khi có đoàn của Việt Nam sang. Đây là một hình ảnh đẹp, một sự hãnh diện của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Các sĩ quan được lựa chọn còn phải là những người có tính kỉ luật cao trong công việc, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp nam và đồng nghiệp nữ, với người dân. Họ phải tuân thủ những quy định khắt khe của UN.

Ngoài những nhiệm vụ chính được giao, thì các sĩ quan Việt Nam còn có nhiệm vụ quảng bá về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, về đất nước, con người Việt Nam. Hay nói một cách khác, 20 sĩ quan chính là những sứ giả của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Có những lần chúng tôi sang thăm và làm việc tại các phái bộ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, rất xúc động khi thấy các đồng nghiệp các nước, người dân địa phương hay quan chức Nam Sudan dành lời khen ngợi đối với bộ đội Việt Nam. Quan chức Nam Sudan mong muốn rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục cử những sĩ quan có năng lực, phẩm chất tốt như thế này sang giúp họ.

PV: Tuy mới đi vào hoạt động được 4 năm, nhưng Cục GGHBVN đã ghi được nhiều dấu ấn. Đồng chí có thể chia sẻ về những kết quả đã đạt được và một số khó khăn của Cục trong thời gian qua?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Thành công lớn nhất là những nỗ lực của chúng tôi được Liên hợp quốc ghi nhận và được bạn bè quốc tế biết đến. Việc thực hiện nhiệm vụ của 20 sĩ quan Việt Nam tại các phái bộ mang tính biểu tượng rất cao, cho thấy trách nhiệm, sự sẵn sàng của Việt Nam với các công việc chung của quốc tế.

Tính đến trước tháng 6/2014, Việt Nam là một trong ba quốc gia của ASEAN chưa cử quân sang tham gia phái bộ của Liên hợp quốc, trong khi Liên hợp quốc đã hoạt động được 69 năm, đã thành lập được 69 phái bộ và hiện có 16 phái bộ đang hoạt động. Cho đến nay, Liên hợp quốc đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam từ cấp độ cá nhân (cử các sĩ quan tham gia phái bộ) đến cấp độ đơn vị (đang triển khai Bệnh dã chiến cấp 2 và Đội công binh).

Thứ hai, ở các phái bộ, các sĩ quan Việt Nam được học tập, va chạm trong môi trường đa quốc gia, tham gia các kế hoạch tác chiến chung. Qua sự cọ sát đó, đã chứng minh và khẳng định được trình độ của sĩ quan Việt Nam.

Thứ ba, việc tham gia các phái bộ của Liên hợp quốc là cơ hội để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Trước đây nói đến Việt Nam là nói đến cuộc chiến tranh. Nay bộ đội Việt Nam ngoài năng lực chuyên môn được khẳng định còn là những con người hòa hiếu, nhiệt tình, các sĩ quan tình nguyện đi dạy chữ cho trẻ em. Tuy đây không phải là nhiệm vụ được giao nhưng các sĩ quan Việt Nam tích cực tham gia, cho thấy một hình ảnh rất đẹp về anh bộ đội cụ Hồ với lòng yêu chuộng văn hóa, hòa bình.

Thứ tư, thông qua hoạt động đa phương này, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về trang thiết bị, kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực,… đối với hoạt động gìn giữ hòa bình.

Thứ năm, với việc tích cực tham gia các hoạt động chung mang tính nhân đạo, quan chức Liên hợp quốc và các nước hiểu hơn về tinh thần nhân văn, sự yêu chuộng hòa bình của Việt Nam. Từ đó, họ có những phản hồi, tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, như khẳng định của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá hoạt động gìn giữ hòa bình là một hình thức “bảo vệ tổ quốc từ xa”. Đó là kết quả tích cực mà hoạt động gìn giữ hòa bình mang lại.

Tuy nhiên, việc tham gia gìn giữ hòa bình cũng gặp những khó khăn nhất định, đó là:

Môi trường và tính chất của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hiện nay rất phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ cao, cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng, đa quốc gia trên tất cả các lĩnh vực như quân sự, dân sự, cảnh sát, các tổ chức quốc tế... Địa bàn hoạt động có nhiều khác biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Trong điều kiện hiện nay, kinh tế quốc tế và của Việt Nam cũng còn có nhiều khó khăn nên nguồn lực dành cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là về tài chính để mua sắm các trang thiết bị còn ở mức độ.

Đối với lực lượng vũ trang của Việt Nam, năng lực chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế bất cập.

Một số nội dung Bằng cấp, tiêu chuẩn chuyên môn trong hệ thống đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng và đồng bộ với tiêu chí của Liên hợp quốc.

PV: Sắp tới Cục GGHBVN sẽ triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan. Cụ thể của việc triển khai này như thế nào?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Đây là giai đoạn hai trong lộ trình tham gia gìn giữ hòa bình đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Lộ trình này đi từ hình thức đơn giản là sự tham gia của  cá nhân (các sĩ quan tham gia các phái bộ), tiếp đó là sự tham gia của quy mô đơn vị (Bệnh viện dã chiến, Đội công binh). Dự kiến đến tháng 4/2018, chúng ta sẽ đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan. Việc chuẩn bị đã được thực hiện từ 3 năm nay. Cục GGHB phối hợp với bệnh viện 175 ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đơn vị trong Bộ Quốc phòng để thực hiện.

Trong 3 năm qua, lực lượng cán bộ sẽ tham gia vào bệnh viện đã được học tiếng Anh ở nhiều cấp độ khác nhau, với giáo viên trong nước và từ các nước Australia, Anh  sang, kết hợp với các chương trình đào tạo đưa cán bộ sang nước ngoài để học. Trình độ tiếng Anh của các bạn về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Liên hợp quốc. Họ cũng được huấn luyện 6 tháng chuyên môn về y tế. Ngoài ra, Cục GGHB phối hợp với bệnh viện 175 hoàn tất khóa huấn luyện 3 tháng tiền triển khai: huấn luyện về luật pháp quốc tế, quy định về luật giao tranh, quy chuẩn của Liên hợp quốc ở phái bộ. Đây cũng là dịp tìm hiểu về đất nước, con người, phong tục, tập quán của nước sở tại.

Bệnh viện dã chiến có 3 cấp độ. Bệnh viện dã chiến cấp 1 có quy mô nhỏ, đảm bảo việc khám chữa bệnh ban đầu cho lực lượng riêng của quốc gia đó tại nước sở tại. Bệnh viện dã chiến cấp 2 đảm bảo khám chữa bệnh đủ cho 40 lượt sĩ quan, binh sỹ trong một ngày; đảm bảo  chữa trị cho toàn bộ cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc ở khu vực mà bệnh viện tham gia hỗ trợ; đồng thời kết hợp đảm bảo y tế cho người dân địa phương trong các tình huống như cấp cứu, sinh nở,…Bệnh viện dã chiến cấp 3 không đặt ở nước sở tại, mà đặt ở một quốc gia láng giềng khác. Khi bệnh viện dã chiến cấp 2 không đủ năng lực xử lý thì bệnh nhân sẽ được đưa bằng máy bay sang bệnh viện dã chiến cấp 3.

Các công việc cụ thể cho việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 vào thời gian tới tại Nam Sudan đang được thực hiện và thu được những kết quả tốt.

Ngoài nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc, hai sĩ quan Việt Nam còn tham gia vào công tác
chuẩn bị để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan trong năm 2018

 

PV: Đối với các công việc chung của quốc tế và sự tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, xin đồng chí cho biết, Cục GGHBVN có những kế hoạch gì trong thời gian tới?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Trong thời gian tới, Cục GGHBVN sẽ tập trung phát triển có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; thu hút các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực toàn diện của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong tương lai.

Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng triển khai thêm các suất cá nhân phù hợp khi Liên hợp quốc đề nghị và chuẩn bị nhân sự thay thế cho các vị trí hiện nay sĩ quan Việt Nam đang triển khai sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nhất là vị trí sĩ quan nữ. Chuẩn bị mọi mặt chu đáo để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 trong quý II năm 2018 và Đội Công binh trong năm 2019 theo đúng lộ trình đã xác định trong kế hoạch; đồng thời cũng chuẩn bị đội thay thế khi các lực lượng này được triển khai. Chuẩn bị tốt cho các Sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam ứng thi vào làm việc tại các vị trí trong cơ quan thường trực tại trụ sở của Liên hợp quốc.

Hướng tới xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có quy mô, tầm cỡ khu vực và quốc tế; có đủ năng lực tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Tổ Công tác liên ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và chỉ huy lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Quản lý, chỉ huy và điều hành toàn bộ quá trình chuẩn bị và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội.

 Xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đội Công binh gìn giữ hòa bình (cả lực lượng chuẩn bị triển khai tới phái bộ và đã hoàn thành nhiệm vụ trở về nước) để sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn, giải quyết các thách thức phi truyền thống như thiên tai, thảm họa (MH370, động đất, sóng thần...), xử lý tàn tích bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Dioxin)...

 Phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền cả trong và ngoài nước về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá./. 

Kiều Giang (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực