Đó là chia sẻ của TS. Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đón Tết Mậu Tuất 2018.
TS. Trần Văn - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: M.P)
Phóng viên (PV): Năm 2017 nền kinh tế có sự tăng trưởng ấn tương, các chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ đều đạt và vượt kế hoạch. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
TS. Trần Văn: Các kết quả đạt được trong năm 2017 là rất tích cực chứng tỏ những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước dần đi vào cuộc sống. Không thể liệt kê được hết những hành động của hệ thống chính trị, từng nhánh quyền lực nhà nước để giải quyết những tồn tại, khúc mắc, nút thắt trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi đánh giá cao các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước - các động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để triển khai trong thực tế.
Tuy nhiên, xét trên những yêu cầu của phát triển bền vững, đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường với tâm điểm là chất lượng cuộc sống của người dân thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước, lưu vực một số con sông lớn, ô nhiễm đất đai, không khí, xử lý rác thải, bố trí lại dân cư, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu, phòng chống, ứng phó với thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, chất lượng cuộc sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều vấn đề. Sức khỏe của một bộ phận nhân dân bị đe dọa do chất lượng thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước, mặt đất và không khí thể hiện qua các số liệu thống kê về tỷ lệ người bị các bệnh hiểm nghèo, ung thư, dịch bệnh tăng cao, ảnh hưởng đến chỉ số tuổi thọ trung bình, chất lượng nòi giống, giảm năng suất lao động, tăng chi phí xã hội,…
Nếu các chỉ số xã hội và môi trường chậm được cải thiện sẽ dẫn tới những phản ứng ngày càng gay gắt của nhân dân, ảnh hưởng tới thực thi chính sách kinh tế của Nhà nước. Đất nước ngày một phát triển nên mong muốn của người dân có một cuộc sống chất lượng hơn, an toàn hơn là tất yếu và Nhà nước phải hết sức phấn đấu đáp ứng ở mức cao nhất trong phạm vi nguồn lực quốc gia cho phép.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sau thắng lợi kép về tăng trưởng và tỉ lệ lạm phát năm 2017 sẽ là nhiều thách thức cho nền kinh tế trong năm 2018. Theo ông những thách thức đó là gì và cần làm gì để hướng nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững?
TS. Trần Văn: Thách thức lớn nhất trong năm 2018 và các năm sau này vẫn là kỳ vọng của người dân vào chất lượng cuộc sống, vốn phụ thuộc hiệu quả quản trị quốc gia theo mô hình phát triển bền vững. Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, Đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020,… với hàng loạt các mục tiêu, chỉ tiêu định lượng, cụ thể, không chỉ tác động nhất thời mà còn tác động dài hạn đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Những thách thức giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, hội nhập kinh tế sâu rộng và tính dễ tổn thương của thị trường nội địa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và năng lực thực tế của doanh nghiệp trong nước, yêu cầu đầu tư sớm một loạt các công trình, dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế,… khi nợ công đã kịch trần và khả năng huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân qua hình thức đối tác công - tư (PPP),…
Thách thức giữa tiến tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả vào năm 2020 và cải cách hành chính, cải cách thuế, môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực; giữa cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước không cần chi phối và giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước… Tất cả phải được giải quyết một cách hài hòa, công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao với chi phí xã hội thấp nhất.
Để đất nước phát triển bền vững, từng địa phương, từng ngành, từng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư phải phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước phải được cụ thể hóa và tích hợp vào chiến lược, kế hoạch phát triển của từng địa phương, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng để khuyến khích, tạo thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững ở mọi cấp độ, mọi lúc, mọi nơi.
PV: Bên cạnh những thách thức, ông kỳ vọng gì nhất vào năm Mậu Tuất năm 2018?
TS. Trần Văn: Tôi kỳ vọng đất nước vẫn thanh bình, hưng thịnh hơn, Chính phủ giữ được 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mà Thủ tướng Chính đã khẳng định để tạo ra một không khí thi đua vì sự phát triển nhanh và bền vững.
Với gần 100 triệu dân thông minh, lao động cần cù, chăm chỉ từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, là một quốc gia xuất khẩu năng lượng, xuất khẩu lương thực, xuất khẩu thực phẩm, không có lý do gì chúng ta cứ nghèo mãi! Người dân luôn sẵn sàng gia tăng sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận, đóng thuế cho Nhà nước, phần còn lại, để phát huy tinh thần dân tộc Việt Nam chính là ở hệ thống quản trị quốc gia. Để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, điều kiện tiên quyết là ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia bằng cách tiến tới cân đối thu chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi xuống 3% GDP, giảm dần nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư công, nhà nước chỉ đầu tư những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia, thực hiện thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước, phân bổ lại nguồn lực quốc gia, dành dư địa tối đa cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Để thoát khỏi nguy cơ “chưa giàu đã già” như một số người đang lo ngại, rất cần sự nỗ lực vượt bậc của tất cả chúng ta.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!