Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng

Chủ nhật, 18/02/2018 23:46
(ĐCSVN) – Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS có các biện pháp chủ động ngay từ giai đoạn xét xử; đồng thời đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản ngay từ giai đoạn điều tra...

Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Mai Lương Khôi đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là liên quan đến thi hành, thu hồi tài sản trong các án tham nhũng.


Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi. (Ảnh: TH).

Số việc và số tiền thi hành xong vượt chỉ tiêu được giao

PV: Được biết, trong năm 2017, số việc và số tiền thi hành xong tiếp tục tăng, vượt chỉ tiêu được giao, góp phần  quan trọng vào vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vậy, đâu là yếu tố cơ bản dẫn tới thành công trên, thưa ông?

Ông Mai Lương Khôi: Năm 2017, công tác THADS đã đạt được những kết quả nổi bật, trong bối cảnh số thụ lý mới rất lớn, tăng gần 47 nghìn việc (5,57%) và trên 28 nghìn tỷ đồng (19,67%) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng) nhưng các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong gần 550 nghìn việc và thu trên 35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19 nghìn việc và trên 6 nghìn tỷ đồng so với năm 2016, đạt tỷ lệ 79,25% về việc và 38,31% về tiền, vượt 9,25% về việc và 8,31% về tiền so với chỉ tiêu được giao.

Có được kết quả nêu trên, trước hết cần phải kể đến sự quan tâm của Quốc hội, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ và sự chỉ đạo hiệu quả của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với công tác THADS. Đặc biệt, phải kể đến việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về công tác tư pháp, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 về việc tăng cường công tác THADS và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ ngày 12/4/2017 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác THADS năm 2017, qua đó, đã lãnh đạo toàn diện, kịp thời các mặt công tác THADS.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ công chức THADS. Các cơ quan trong Hệ thống cũng đã tập trung hoàn thiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự nhạy bén, kịp thời và phù hợp; nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động THADS.

PV: Thực tế cho thấy án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng có số tiền phải thi hành rất lớn nhưng kết quả thi hành còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án xong về giá trị trên toàn quốc. Xin ông cho biết nguyên nhân do đâu, cụ thể là “vướng” ở khâu nào?

Ông Mai Lương Khôi: Năm 2017, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ rất lớn, trên 99.000 tỷ đồng, chiếm 60,74% tổng số tiền phải thi hành toàn quốc.Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tập trung xử lý các khoản nợ xấu, để góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, giải phóng các nguồn lực tài chính để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các cơ quan THADS đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác thi hành án đối với các vụ việc loại này. Kết quả, năm 2017 đã thi hành gần 28 nghìn tỷ đồng (đạt 27,89%) tăng trên 8 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.

Khâu vướng nhất trong quá trình thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng là xử lý tài sản của người phải thi hành án. Nhiều vụ việc tài sản bảo đảm thi hành án có giá trị nhỏ hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành hoặc tài sản bảo đảm không có thực hoặc không đúng thực tế hồ sơ vay vốn; một số tài sản bảo đảm lỗi thời về công nghệ, xuống cấp, hư hỏng không còn giá trị sử dụng nên rất khó xử lý; một số tài sản được thế chấp cho nhiều nơi hoặc một số tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hình thành trong tương lai nhưng khi bị xử lý để thi hành án thì chưa hoàn thiện, thậm chí chưa khởi công xây dựng… Để khắc phục tình trạng này, khi cho vay các tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ về hồ sơ vay vốn cũng như quá trình quản lý, sử dụng đối với tài sản bảo đảm.

Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm công chức vi phạm

PV: Năm 2017, số công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ thi hành án tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá nhiều, gây bức xúc dư luận. Đây là cũng là vấn đề nhức nhối lâu nay trong hệ thống THADS. Cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại trước tình trạng chạy theo thành tích hay sợ số lượng báo cáo vi phạm tăng lên so với các năm mà buông lỏng kiểm tra giám sát?. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Mai Lương Khôi: Trước hết, cần khẳng định rằng, năm 2017, số công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ đã giảm so với năm 2016 nhưng vẫn còn nhiều.

Năm 2017, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập 11 đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề. Các cơ quan THADS đều đã nghiêm túc tổ chức thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra đối với các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác thụ lý, phân loại án, trình tự, thủ tục thi hành án, hồ sơ thi hành án. Năm 2017, Bộ Tư pháp đã thực hiện 19 cuộc thanh tra trong lĩnh vực THADS, thành lập 02 tổ xác minh, thu thập thông tin về việc thi hành án. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện 248 cuộc giám sát đối với công tác THADS, tăng 96 cuộc so với năm 2016. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện 1.127 cuộc kiểm sát đối với công tác THADS, tăng 168 cuộc so với năm 2016. Đặc biệt, năm 2018, Bộ Tư pháp yêu cầu 100% các cơ quan THADS tự kiểm tra và Cục THADS các tỉnh kiểm tra toàn diện 2/3 số Chi cục trên địa bàn.

Quan điểm của Tổng cục là sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm những công chức có vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ công chức, đặc biệt là quán triệt và thực hiện nghiêm yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị triển khai công tác THADS, hành chính năm 2018 là: “Chấp hành viên và người làm công tác thi hành án dân sự liêm chính, có phẩm chất đạo đức, không làm sai lệch bản chất của vụ việc, không bị tác động bởi quyền lợi riêng tư, lợi ích nhóm”.

PV: Theo ông, cần có giải pháp đột phá nào để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng tiêu cực, chạy theo thành tích, nhằm  xây dựng hệ thống ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành tư pháp?

Ông Mai Lương Khôi: Như đã nói ở trên, giải pháp đầu tiên là giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức THADS. Từ năm 2018, Tổng cục sẽ đưa vào vận hành Phần mềm quản lý THADS, qua đó, sẽ góp phần giám sát chặt chẽ, kịp thời hơn các hoạt động nghiệp vụ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế công khai, minh bạch hoạt động nghiệp vụ như thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến, đăng tải công khai danh sách người chưa có điều kiện thi hành án, xử lý thông tin qua đường dây nóng. Từ năm 2018, các cơ quan THADS sẽ phải công khai các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo lần 2 trên Cổng và Trang thông tin điện tử để các tổ chức và cá nhân giám sát.

Khó thi hành bản án kinh tế, tham nhũng do tài sản bị che giấu hoặc cố tình tẩu tán

PV: Trong năm 2017 và 2018 nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử. Từ những hạn chế, vướng mắc trên, ngành THADS đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là liên quan đến thi hành, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, thưa ông?

Ông Mai Lương Khôi: Tổng cục THADS luôn xác định việc thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế - tham nhũng là nhiệm vụ chính trị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ. Với nhận thức nêu trên,Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan THADS tích cực, tập trung thi hành phần dân sự trong các bản án kinh tế - tham nhũng, đặc biệt là các vụ án kinh tế - tham nhũng nghiêm trọng.

Năm 2017, đã thụ lý gần 750 việc, tương ứng với gần 37 nghìn tỷ đồng; số có điều kiện thi hành án là 480 việc, tương ứng với trên 22 nghìn tỷ đồng. Kết quả, thi hành xong gần 300 việc tương ứng số tiền trên 7.500 tỷ đồng, đạt 61,2% về việc và 33,8% về tiền. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong thi hành các vụ việc loại này là giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án, như trường hợp Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin phải thi hành án hơn 600 tỷ đồng nhưng tài sản bảo đảm thi hành án chỉ có 5 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ việc loại này, Tổng cục sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan THADS kịp thời nắm bắt thông tin từ giai đoạn xét xử để chủ động có các biện pháp thi hành án hiệu quả hơn, đồng thời, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực