Ngành nông nghiệp quyết tâm triển khai nhiệm vụ trong năm 2018

Thứ sáu, 16/02/2018 16:08
(ĐCSVN) - Năm 2017, ngành nông nghiệp đã trải qua chặng đường không ít những thử thách, đặc biệt thiên tai bão, lũ diễn ra khốc liệt trên nhiều vùng, miền cả nước. Dù vậy, với nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Nhìn lại một năm ngành nông nghiệp đi qua, bước sang năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Năm 2017, ngành nông nghiệp trải qua nhiều thử thách nhưng cũng gặt hái được không ít kết quả nổi bật. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ngành nông nghiệp trong một năm vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017 là năm thử thách lớn cho khu vực nông nghiệp, trong đó thiên tai xảy ra rất khốc liệt. Tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm đồng bộ của các doanh nghiệp, bà con nông dân, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Về tăng trưởng nông nghiệp chúng ta đạt tới 2,9%, vượt kế hoạch ban đầu của Chính phủ giao; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu cán đích 36,37 tỷ USD. Đây là một mốc rất cao trong bối cảnh thị trường thế giới rất nhiều khó khăn.

Cùng với đó là chương trình xây dựng Nông thôn mới, chúng ta đã cán đích được tỷ lệ trên 32% đạt chuẩn Nông thôn mới. Đánh giá chung năm 2017 nông nghiệp thực sự là một khu vực vượt khó đi lên để có những kết quả trân trọng.

PV: Năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi một số ngành hàng rơi vào “khủng hoàng thừa”, đặc biệt là thịt lợn. Về vấn đề này, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp lâu dài mà ngành nông nghiệp hướng đến để giải quyết bài toán trên?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết rằng bản chất của nền nông nghiệp nước ta vẫn dựa trên hộ quy mô nhỏ lẻ, với 86 triệu hộ và 77 triệu miếng ruộng. Do đó, đây là một “nút thắt” của ngành nông nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu. Chúng ta đang trong lộ trình sau 4 năm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị và hướng đến thị trường quốc tế. Thì tiếp nối 2017, chúng ta đạt được những kết quả khả quan, chúng ta cơ cấu lại các nhóm ngành hàng, nhất là các ngành hàng chủ lực quốc gia, tổ chức lại theo hướng từng vùng và sản xuất chuỗi, gắn giữa vùng nguyên liệu với chế biến và công tác xúc tiến thương mại.

Đây là một kết quả bước đầu mà chúng tôi cho rằng rất khả quan. Đặc biệt trong những nhóm ngành hàng mà chúng ta có lợi thế như thủy sản, trái cây, chúng ta đưa những mặt hàng không chỉ có thế mạnh về tiềm năng sản xuất mà còn có thế mạnh về mặt nhu cầu thị trường thế giới.

Cùng với đó, chúng ta kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng vào thực hiện chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu đến chế biến và xúc tiến thương mại.

PV: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi được chặng đường 4 năm, tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhìn tổng quan ngành nông nghiệp có những khâu rất dễ tổn thương như: liên kết chưa chặt chẽ giữa các ngành, công tác chế biến của chúng ta ở nhiều ngành hàng vẫn còn yếu, tổ chức thương mại ở hai khu vực thị trường nước ngoài, thị trường trong nước còn hạn chế.  Đây là những điểm yếu mà chúng ta sẽ tập trung trong năm 2018 và các năm tới phải đi sâu hơn nữa. Nếu làm được điều đó chúng ta mới đảm bảo được nền nông nghiệp bền vững, qua đó mang lại giá trị cao nhất cho bà con nông dân và các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị.

PV: Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ngành nông nghiệp đạt khoảng 40 tỷ USD. Vậy ngành nông nghiệp có giải pháp gì để triển khai mục tiêu trên, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đây là một chỉ tiêu rất cao trong bối cảnh chúng ta chịu nhiều thách thức của thiên tai và trong điều kiện cạnh tranh thị trường nông sản trên thế giới rất quyết liệt. Tuy nhiên, bằng những kết quả nền tảng đạt được trong thời gian vừa qua, với sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, bà con nông dân chúng ta vừa qua, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cao nhất.

Thách thức của ngành nông nghiệp còn rất nhiều nhưng bước sang năm 2018 mong muốn bà con nông dân chúng ta, mong muốn các thành phần kinh tế sẽ vào cuộc quyết liệt hơn, để chúng ta cố gắng tái cơ cấu nền nông nghiệp đạt được những đích mới.

PV: Nông nghiệp là khu vực chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng của thiên tai, vậy bước sang năm 2018, ngành nông nghiệp có những giải pháp gì để ứng phó và thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp là khu vực rủi ro do sản xuất ngoài trời, đồng thời cũng là khu vực mà đối tượng sản xuất là bà con nông dân rất dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp luôn coi đây là một nguyên tắc. Do đó trong toàn bộ những chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, đề án phát triển đều phải rà soát lại để tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Riêng phương châm “4 tại chỗ” thuộc khu vực nông nghiệp cũng được nêu cao. Trước tác động của thiên tai biến đổi khí hậu, chúng ta điều chỉnh lịch thời vụ của một số những đối tượng cây trồng vật nuôi để theo hướng thích ứng hơn. Ví dụ như khu vực Nam Trung bộ, vụ lúa Xuân chúng ta điều chỉnh lịch vụ chậm hơn 15-20 ngày để thích ứng hay chúng ta lựa chọn những đối tượng sản xuất để biến những thách thức đó thành lợi thế của chúng ta. Đơn cử như Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đang thúc đẩy sản xuất thủy sản để tăng lợi thế cạnh tranh hoặc cây ăn trái. Tuy nhiên, về cây ăn trái, không chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà các khu vực khác, kể cả miền núi phía bắc của chúng ta cũng có dư địa phát triển.

Như vậy, chúng ta không chỉ chú ý điều chỉnh chiến lược mà còn từng đối tượng ngành hàng, chúng ta tổ chức lại theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ nữa là chúng ta phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu, từ khâu giống từ quy trình sản xuất, từ khâu công nghệ chế biến đến tổ chức thị trường, để làm sao chủ động hơn. Cùng với đó là công tác dự phòng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung thêm các dự phòng để khi xảy ra thiên tai chúng ta chủ động thích ứng. Đồng thời, công tác truyền thông cần triển khai rộng rãi, huy động lực lượng của toàn xã hội, nâng cao tinh thần cảnh giác, tinh thần ứng phó của người dân.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2018 mà ngành hướng tới để thực hiện những mục tiêu đề ra?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp trong năm 2018 và các năm tới là tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.

Để thực hiện được hai chương trình lớn này thì ở khu vực nông nghiệp phải cải tiến lĩnh vực quản trị, đổi mới công tác quản lý. Thứ hai là tăng cường cải cách hành chính để đưa công tác quản lý phục vụ đắc lực hơn trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

Thứ ba là tăng cường tham mưu cho Chính phủ những chính sách, chủ trương để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, Hợp tác xã kiểu mới được ra đời, trở thành hạt nhân trong chuỗi liên kết các ngành hàng từ xây dựng vùng nguyên liệu đến khâu chế biến và phát triển thị trường.

Thứ tư là phối hợp chặt chẽ với các Bộ ban ngành để làm tốt công tác quản lý nhà nước. Cùng với đó là tăng cường hợp tác quốc tế để chúng ta tranh thủ được các kinh nghiệm, khoa học, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta nói chung và khu vực nông nghiệp đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và toàn cầu.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

 

BT (ghi)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực