Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tảo.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tảo hiện đang sống tại trú tại thôn 4, xã Bình Dương. Xuân này Mẹ đã tròn 88 tuổi nhưng vẫn minh mẫn và luôn vui vẻ.
Mẹ Tảo có 3 người con hy sinh cho cách mạng. Bản thân Mẹ trong thời kỳ chiến tranh đã nhiều lần bị địch bắt, đánh đập, tra tấn dã man, thậm chí có lần sau khi đánh đập, tra tấn, chúng bắn Mẹ bị thương nặng nhưng Mẹ vẫn một lòng không khai báo, không lay chuyển quyết tâm để chồng, con yên tâm công tác, cống hiến cho cách mạng.
Khi chúng tôi vừa đến ngõ, Mẹ từ trong nhà tủm tỉm cười nói lớn: “Chuẩn bị Tết ai cũng bận, sao mà mấy đứa có thời gian đến thăm Mẹ à ?”. Rồi Mẹ bước ra sân nắm tay các bạn đoàn viên thanh niên dẫn vào nhà.
Nắm tay Mẹ, các bạn trẻ hỏi Mẹ có khỏe không ? Mẹ cười nói khẽ: “Tuổi này rồi, không còn khỏe như mọi khi nữa rồi”. Giọng Mẹ nhẹ nhàng: “Thấy các con trẻ và vui như thế này, Mẹ lại rất nhớ các anh, các chị của các con”- Mẹ nói và chia sẻ: Mẹ có tất cả 7 người con (4 trai và 3 gái), trong đó, có 3 người đã hy sinh vì cách mạng gồm: anh Trần Quang Cảnh, con trai đầu; anh Trần Tào, con trai thứ tư và chị Trần Thị Nên (còn có tên gọi khác là Trần Thị Bền) là con gái út.
Theo lời Mẹ, cả 03 người con mà mẹ dứt ruột đẻ ra này, từ rất sớm, ngay khi còn nhỏ đã nghe lời cha lúc ấy là ông Trần Thanh (lúc ấy làm việc ở thôn) dạy bảo, hướng về cách mạng. Bởi thể, khi lớn lên, anh Cảnh và chị Nên đã thoát ly theo tổ chức; còn anh Tào thì ở lại quê nhà bí mật tham gia du kích xã. “Ngày 2 đứa lớn nó thoát ly, vợ chồng Mẹ chỉ cầu mong chúng nó sẽ được cách mạng giáo dục để trưởng thành. Không ngờ là chiến trang quá ác liệt, cả 2 đã hy sinh nhưng mãi sau này, khi quê hương được giải phóng, Mẹ vẫn ngày đêm mong chúng trở về. Cuối cùng Mẹ nhận được 2 tờ giấy báo tử từ đơn vị gửi về. Mẹ đau lắm. Nhưng Mẹ càng đau nữa khi đến nay, ngoài tờ giấy báo tử, thằng Cảnh nằm ở đâu Mẹ vẫn chưa biết được. Còn con Bền (ý Mẹ nói chị Trần Thị Nên) thì vẫn đang nằm xa lắm, ở tận nghĩa trang Trường Sơn kia các con à!...”.
Nước mắt Mẹ dường như đã khô từ lâu, nhưng tôi vẫn thấy ở sâu trong khóe mắt, Mẹ đang rất buồn và nhìn về một nơi rất xa xăm…
Mẹ kể tiếp: “Sau ngày giải phóng, Mẹ nghe được tin con Bền đang yên nghĩ ở nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị). Thế là Mẹ cùng người con gái thứ sáu của Mẹ thu xếp ra tận nơi để nhận mộ chị Bền. Từ đó, cứ hai hoặc ba năm, Mẹ và gia đình lại ra thăm, viếng hương chị Bền. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, Mẹ thấy sức khỏe không tốt nên không đi được. “Nhớ nó lắm!”- Mẹ Tảo nói khẽ.
Ngoài anh Cảnh và chị Nên kể trên, anh con trai thứ tư của Mẹ là Trần Tào sau khi tham gia du kích xã, trong một lần đi công tác ở xã bên cạnh Bình Đào, anh đã bị địch phục kích và hy sinh.
Chúng tôi hỏi Mẹ, anh hy sinh năm nào? Mẹ bảo: “Mẹ không nhớ nữa. Nhưng Mẹ không thể quên cái không khí u buồn và mất mát khi nhận tin nó mất. Chiều hôm ấy nó đi công tác, nó nói với Mẹ là con đi với các anh trong đơn vị sang Bình Đào có việc của trên giao. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, đừng đi ra ngoài kẻo địch nó chú ý. Thế rồi đêm đến Mẹ trằn trọc không ngủ được vì thấy rất “nóng ruột”. Tới sáng dậy, ban đầu nghe vài người trong xóm bàn tán, xầm xì chuyện gì đó. Và đến nữa buổi thì đơn vị của thằng Tư đến báo nó đã hy sinh…!”- Giọng Mẹ nghẹn ngào.
Một không khí yên lặng. Có lẽ cả đoàn chúng tôi không ai bảo nhưng đều chung một nỗi đau với Mẹ. Rồi Mẹ nói, giọng Mẹ rõ ràng, phá tan không khí lúc ấy: “Mấy con không biết chứ Mẹ đau quen rồi. Ngày ổng (tức ông Trần Thanh- chồng Mẹ) đang làm ở thôn, có lần tổ chức yêu cầu ông ấy phải lánh đi không ở quê nữa. Ông ấy đi rồi, Mẹ phát hiện còn nhiều giấy tờ ông ấy để lại, sợ bị lộ Mẹ đào hố chôn cất các tài liệu của chồng.
Khi vừa chôn cất xong, bọn địch tới lục lạo, tìm kiếm; hỏi ông Thanh đi đâu rồi? Mẹ bảo ổng đi đâu tôi không biết. Chúng ra sau vườn thấy dấu cát đào lấp còn mới. Chúng nghi ngờ và đào lên. Không ngờ trong số các tài liệu đó có tấm căn cước của Mẹ. Thế là chúng kéo Mẹ ra đánh đập, yêu cầu Mẹ khai có phải là bà chôn cất các giấy tờ này không, ông Thanh chồng bà đang ở đâu ?
Dù chúng đánh đập, Mẹ cứ nói tôi không biết, tôi không chôn cất các giấy tờ kia. Chúng lấy cớ tại sao trong các giấy tờ có tấm căn cước của Mẹ nên đánh đập rất dã man. Không còn cách nào khác, chúng dùng nước và xà phòng trộn vào rồi đổ vào miệng Mẹ, đánh vào bụng để Mẹ khai. Lúc đó thấy quá nguy cấp, một số chị em trong xóm đến can thiệp và nhanh trí lấy khẩu súng ngắn của tên trưởng đoàn (khi tên này tra tấn Mẹ đã để khẩu súng ở ngoài bàn uống nước).
Phát hiện mất khẩu súng, chúng hô nhau đi tìm, bắt mọi người lại. Đang trong lúc ồn ào đó, Mẹ liền bỏ chạy và chúng bắn theo làm Mẹ bị thương nặng. Sau khi Mẹ bị thương, chờ nhóm địch rút đi, bà con xóm làng đưa Mẹ đến một đơn vị y tế thuộc bộ đội Quảng Đà đang hoạt động bí mật ở Bình Dương thời điểm đó để giải phẫu, cứu chữa. Mẹ may mắn thoát chết. “Mấy con xem đây, vết thường đã mấy chục năm rồi nhưng khi trái gió trở trời, vết thương lại làm Mẹ đau không ngủ được”- Mẹ nói.
Thế giờ Mẹ sống ra sao? một thành viên trong đoàn hỏi. Mẹ bảo, giờ vợ chồng thằng Út nuôi Mẹ. Nó đi chơi Xuân rồi. Nhìn lên trần nhà, Mẹ nói thêm: “Ngôi nhà ni là Nhà Tình nghĩa, do Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp ở tận ngoài Hà Nội vào đây tặng Mẹ 50 triệu đồng, các con cháu, bà con xóm làng và xã hỗ trợ thêm 40 triệu nữa để xây lên đó. Mấy anh em ở Hà Nội và đơn vị của Công ty Mobifone khu vực Đà Nẵng quan tâm đến Mẹ rất nhiều, mỗi tháng phụng dưỡng Mẹ 1.600.000 đồng, đủ để mẹ ăn trầu và chữa bệnh”.
Ôi, Mẹ bệnh à ? Bệnh gì có nặng không Mẹ? Một bạn đi trong đoàn nhanh nhảu. “Mẹ bị tim con à! Đã gần 4 năm nay, dù có bảo hiểm nhưng bệnh này nằm và uống thuốc bảo hiểm không ăn thua nên Mẹ lấy toa bác sỹ cho, ra ngoài mua thuốc uống, mỗi tháng cả triệu kia, nếu không có tiền phụng dưỡng, không biết Mẹ có sống đến giờ được không nữa!”- Mẹ lại cười nói thêm.
Nói về sự quan tâm của chính quyền địa phương, Mẹ vui vẻ cho biết: “Mấy đưa trên xã thường xuyên đến đây lắm. Nhất là vào ngày giỗ mấy anh chị các con hay vào các dịp lễ, tết, xã đều cử cán bộ đến giúp Mẹ sửa sang nhà cửa, rồi mang quà đến cho Mẹ. Kỷ niệm ngày 27/7 vừa rồi, đoàn cán bộ của xã còn tặng cho Mẹ 1 sổ tiết kiệm 5 triệu đồng đó! Tết này, nhiều đứa trên xã cũng xuống giúp Mẹ dọn dẹp nhà cửa, tặng nhiều quà Tết lắm”.
Những tấm Bằng Tổ quốc ghi công 3 người con của Mẹ Tảo.
Nghe Mẹ nói về cuộc sống của Mẹ hiện nay, trong tôi có cả niềm vui và lo cho Mẹ. Tôi vui vì Mẹ đang được chính quyền địa phương, các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời và các con Mẹ - những người còn sống như anh Út đang mỗi ngày luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho Mẹ, để Mẹ được vui với tuổi già, được nhìn thấy con cháu trưởng thành và tận mắt chứng kiến quê hương được đổi mới. Còn lo lắng là lo lắng cho bệnh tim của Mẹ. Theo các cán bộ của xã Bình Dương, Mẹ bị 2 van tim hẹp nên phải thường xuyên dùng thuốc và đến bệnh viện để chữa trị, kiểm tra.
Chia tay Mẹ, chúng tôi ra về nhưng vẫn ấn tượng bởi những hy sinh, mất mát mà Mẹ đã âm thầm chịu đựng. Đặc biệt, sự nhẹ nhàng trong từng lời nói, cử chỉ và ánh mắt của Mẹ cho thấy Mẹ đang vui với niềm vui chung của quê hương, đất nước.
Một mùa Xuân mới đang về. Mẹ Tảo lại thêm một tuổi nhưng vẫn luôn tràn ngập nhiều niềm vui với con cháu, xã hội. Nói như Mẹ “Mẹ vui là còn sống đến hôm nay để thấy quê hương, đất nước đang phát triển, thay đổi từng ngày”.
Xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là một địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Trong kháng chiến, Bình Dương 2 lần được Đảng, Nhà nước công nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những năm đổi mới, Bình Dương tiếp tục được đón nhận danh hiệu xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới do Đảng, Nhà nước phong tặng. Góp phần làm nên những kỳ tích đó là công lao và xương máu của bao thế hệ người Bình Dương, trong đó những Bà mẹ Việt Nam anh hùng như Mẹ Phan Thị Tảo cả cuộc đời đã hiến dâng cho cách mạng, cho độc lập tự do của quê hương, đất nước. |