Phát triển cây ăn quả đã giúp tăng thu nhập cho người dân và
đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới ở Mãn Đức. Ảnh: NQ
Chỉ vài năm trước, Mãn Đức vẫn là một xã miền núi còn nhiều hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hay cách đây chỉ hơn một năm, đường vào bản Tân Phong, xã Mãn Đức vẫn còn lầy lội mỗi khi mưa về, người dân đi lại rất khó khăn... Nhưng từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã đã có những đổi thay vượt bậc: Những con đường giao thông nông thôn bê tông trải dài khắp các thôn bản; các công trình điện, nhà văn hóa, lớp học khang trang; nhiều mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả giúp đem lại thu nhập cao cho người dân…
Với quan điểm, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới quan trọng nhất là làm đổi thay cuộc sống của nhân dân, tập thể cấp ủy đã chỉ đạo các cấp chính quyền cụ thể hóa từng chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong quá trình triển khai thực hiện. Thực hiện phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” và huy động sự vào cuộc của các cấp, các đoàn thể, chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Mãn Đức đã nhận được sự đồng tình, nhất trí và tham gia nhiệt tình của toàn thể nhân dân. Ngay khi bắt đầu triển khai, UBND xã Mãn Đức đã tổ chức rà soát, đánh giá một cách toàn diện các tiêu chí của xã để xem xét, xây dựng kế hoạch bảo đảm cụ thể, khả thi, hợp lý.
Theo ông Bùi Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Mãn Đức, trong xây dựng nông thôn mới, địa phương xác định mục tiêu quan trọng đầu tiên là nâng cao thu nhập của người dân. Bởi kinh tế phát triển, đời sống ổn định sẽ là điều kiện để bà con tích cực tham gia thực hiện những tiêu chí tiếp theo. Triển khai thực hiện nội dung này, cấp ủy, chính quyền xã Mãn Đức đã tập trung làm thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất truyền thống của bà con bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện địa phương và có giá trị về kinh tế. UBND xã Mãn Đức đã phối hợp cùng các ban, ngành của huyện Tân Lạc tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con; lập kế hoạch về phát triển kinh tế cụ thể ở từng bản; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, dần giúp bà con có cách nghĩ khác, hành động khác trong sản xuất. Những diện tích trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế thấp đã dần được thay thế bằng các vườn cây ăn quả trên đất dốc như cam, quýt, bưởi da xanh… Vì vậy, bây giờ khi về Mãn Đức, điều đầu tiên dễ nhận thất đó là những vườn cây ăn quả, những đồi mía tím, mía trắng… nối tiếp nhau. Cùng với đó là những câu chuyện của người dân về kinh nghiệm nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn bản địa hay nuôi gà thả đồi, nuôi cá lồng… cho thu nhập cao. Với những giải pháp tích cực, thu nhập bình quân năm 2017 của người dân xã Mãn Đức đã đạt hơn 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng hơn 10%; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn chiếm 75%... Ông Đặng Văn Thu, bản Tân Phong, xã Mãn Đức vui vẻ cho biết: Lúc mới triển khai, không ai hiểu nông thôn mới là gì. Được sự hướng dẫn của cán bộ dần dần bà con cũng hiểu rõ mục đích xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ cho đời sống nhân dân. Gắn bó hàng chục năm với mảnh đất Mãn Đức, điều làm tôi vui nhất đó là việc xây dựng nông thôn mới đã mang lại những đổi thay lớn của quê hương: Điện, đường, trường, trạm tốt, nhà nhà có điện, có nước sạch, kinh tế đang từng ngày phát triển; đời sống bà con được cải thiện rõ rệt…
Thu hoạch mía ở xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Ảnh: NQ
Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Mãn Đức đó là việc huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2016, xã Mãn Đức đã huy động nhiều nguồn lực với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, các tuyến đường nông thôn, nội đồng đã thực hiện hoàn thành đảm bảo theo quy định; 100% đường liên xã và trục xóm được nhựa hóa, bê tông xi măng; trên 65% đường ngõ xóm được rải cấp phối; 50% đường nội đồng đã được cứng hóa. Các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Toàn xã mãn Đức đã phát triển được 38 ha trồng bưởi các loại với giá trị kinh tế bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm…
Ông Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc (Hòa Bình) cho biết: Thành quả lớn nhất trong triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã Mãn Đức đó là nhận thức và thói quen sản xuất của bà con đã dần được đổi mới; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế đã được nhân rộng; các giá trị truyền thống cùng những bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong xã đã được bảo tồn và phát huy.
Với quyết tâm giữ vững danh hiệu “xã nông thôn mới ”, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí, xã Mãn Đức đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 90% số nhà đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%...
Xuân này về với Mãn Đức, sắc xanh của những vườn bưởi, màu tím của những đồi mía đang trải rộng trên những bản mường trù phú. Trên những con đường bê tông dẫn vào bản đang rộn ràng tiếng nói cười, mọi người nói về năm mới với những kế hoạch, dự định cho một vụ sản xuất mới. Đâu đó, những cây nêu truyền thống đã được dựng lên; âm thanh tiếng chiêng Mường vang lên báo hiệu xuân mới đang về. Một mùa xuân với cuộc sống no ấm, phát triển được tạo dựng từ chính bàn tay, khối óc và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đồng bào các dân tộc trong xã gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới./.