Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Theo Bộ GD&ĐT, nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân trong nước gồm: vốn của các nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo bán công, tư thục; học phí và phí; từ hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quyên góp, cho tặng… của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân...; Nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân ngoài nước chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo 100% vốn nước ngoài; vốn liên doanh, liên kết giữa các cơ sở trong nước và ngoài nước; vốn không hoàn lại, vốn quyên góp, cho tặng dưới các hình thức khác nhau của của các tổ chức quốc tế, của chính phủ, phi chính phủ hoặc các công ty, tập đoàn kinh tế và các cá nhân nước ngoài...
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT quản lý 10 chương trình, dự án triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 với tổng mức đầu tư là 17.986.760 triệu đồng, trong đó: ODA viện trợ là 172.147 triệu đồng, ODA vay và vay ưu đãi là 15.974.799 triệu đồng, vốn đối ứng là 1.766.237 triệu đồng. Đáng chú ý là dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (77 triệu USD vốn vay Ngân hàng Thế giới) với mục tiêu hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng chương trình tổng thể và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội;
Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (100 triệu USD vốn vay Ngân hàng Thế giới) nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục;
Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 (100 triệu USD vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á) nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học và quản lý giáo dục ở cấp trung học, tăng cường định hướng giáo dục các ngành nghề kỹ thuật và hướng nghiệp cho học sinh trung học trong khi vẫn chú ý tăng cường tiếp cận giáo dục cho các đối tượng khó khăn như con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, trẻ em khuyết tật, di cư...
Trong năm qua, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Thủ tướng phê duyệt Chương trình, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí triển khai.
Đồng thời, Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ và Quốc hội quyết định kế hoạch vốn trung hạn để giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ trung hạn 2017-2020 và kế hoạch năm 2017 cho các địa phương thực hiện.
Rà soát, ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Một số địa phương đã ban hành chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa trên địa bàn tỉnh như: chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ lãi suất vay thương mại… như tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Long An, Nghệ An, Phú Thọ…
Việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa đã góp phần tăng thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho toàn ngành Giáo dục; phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng tăng với chất lượng cao của những người có thu nhập cao trong xã hội mà còn góp phần tăng khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập có uy tín đều đã và đang triển khai chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con của thương binh, liệt sĩ, học sinh thuộc hộ nghèo để các em yên tâm theo học tại trường. Thêm nữa, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần giải quyết chỗ làm cho hàng nghìn giáo viên, nhân viên trên địa bàn với mức thu nhập và các chế độ, chính sách ưu đãi tương đương hoặc cao hơn mức thu nhập của các giáo viên tại trường công lập.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, nguồn lực thu hút đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với tiềm năng; mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương khác nhau. Một số địa phương, ngành giáo dục chưa được tham gia quản lý nguồn lực đầu tư cho giáo dục, sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ nên có nơi việc đầu tư chưa hiệu quả. Một số cơ chế chính sách đưa ra chưa phù hợp với thực tế nên khó thực hiện.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tập trung rà soát cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Cùng với đó, tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao.
Các địa phương thực hiện có hiệu quả xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh để phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn./.