Bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, nhiều hộ dân Hà Giang đã thoát nghèo nhờ phát triển mô hình chăn nuôi bò và trồng cây tam giác mạch. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Trên 554 ngàn hộ gia đình được hưởng lợi từ Chương trình 135
Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135 cho biết, năm 2017 là năm thứ hai triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Chương trình 135. Do được đặt trong tổng thể các chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững nên để việc thực hiện Chương trình 135 đạt hiệu quả cao nhất mà không xảy ra tình trạng chồng chéo, dàn trải, kém hiệu quả là một khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự tham gia đón nhận, ủng hộ của người dân nên Chương trình 135 trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, tính đến cuối năm 2017, Chương trình 135 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 554.348 hộ gia đình với nội dung chủ yếu là hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất. Cùng với đó, hỗ trợ đầu tư cho hơn 2.500 công trình gồm 1.105 công trình chuyển tiếp và hơn 1.300 công trình khởi công mới, tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ và nhiều công trình khác. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, các địa phương cũng đã thực hiện duy tu bảo dưỡng cho hàng ngàn công trình, chủ yếu là các công trình nước sinh hoạt, trường lớp học, đường giao thông, thủy lợi kênh mương. Việc duy tu bảo dưỡng chủ yếu do các xã làm chủ đầu tư và tổ nhóm cộng đồng thôn bản thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
Đối với dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, tính đến nay Chương trình đã tổ chức thực hiện được trên 170 lớp với hơn 30 ngàn học viên tham dự (trong đó trên 1 ngàn học viên là cán bộ cơ sở, trên 29 ngàn học viên là người dân). Nhiều địa phương đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cả giai đoạn 2017 - 2020 như Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang; đặc biệt một số tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch năm như tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Trà Vinh, Thanh Hóa…
Đánh giá về việc thực hiện Chương trình 135 năm vừa qua, Ủy ban Dân tộc cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các văn bản khung thực hiện Chương trình 135 như: diện đầu tư, các Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành. Các văn bản đều thể hiện sự phân cấp, giao quyền tự chủ cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép nguồn lực, ban hành bổ sung cơ chế của địa phương để thực hiện Chương trình và đã thu được những kết quả nhất định.
Điển hình như tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ông Tô Quảng Giáo, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết, Chương trình 135 đã góp phần nâng cao chất lượng giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 4%; hạ tầng ở các xã, thôn, bản được đầu tư, nâng cấp đồng bộ với 90% số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; hơn 90% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; có đường bê tông, nhựa hóa. Riêng trong năm 2017, huyện có 85 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Từ nguồn vốn của Chương trình, huyện đã chủ động lồng ghép đầu tư xây dựng, sửa chữa 28 công trình, trong đó có 18 công trình đường giao thông, đường nội đồng phục vụ việc đi lại, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, các hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn còn được hỗ trợ tiền mua trâu, bò, lợn, dê, chè giống; hỗ trợ máy nông nghiệp, kiến thức sản xuất tùy thuộc vào điều kiện từng vùng.
Tuyên Quang còn là địa bàn có rất đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống (3.645 hộ). Năm vừa qua, Ban Dân tộc đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện lồng ghép vốn Chương trình 135 năm 2017 hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Mông. Cụ thể, đầu tư 34 công trình với tổng số vốn trên 21 tỷ đồng; hỗ trợ mua 9.552 giống cây trồng, 60 giống vật nuôi, 3 mô hình sản xuất, 156 máy móc thiết bị sản xuất với tổng số kinh phí trên 1,7 tỷ đồng.
Xã Minh Đức (T.X. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cũng là một trong những địa phương được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình 135. Địa phương này hiện có 6 xóm khó khăn thuộc diện được đầu tư từ Chương trình 135. Thời gian qua, nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này để xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như phát triển các mô hình sản xuất mà đời sống người dân trong xã được nâng cao, diện mạo nông thôn đang dần khởi sắc. Ông Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Đức cho biết: Năm 2016-2017, xã Minh Đức được hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng từ Chương trình 135 để phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng. Để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn này, xã đã căn cứ vào thực tế ở từng xóm, qua đó tổ chức họp dân để quyết định hạng mục, nội dung cần đầu tư. Xuất phát từ nguyện vọng của bà con, UBND xã đã trình lên cấp trên có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Trong quá trình triển khai, xã cũng thành lập ban giám sát, mọi thông tin của các công trình, dự án đều được công khai, minh bạch. Sau khi hoàn thành, xã bàn giao lại cho xóm quản lý, sử dụng, nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân.
Đặc biệt, các hộ nghèo và cận nghèo trong xã còn được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, những cây con giống mới, từng bước thoát nghèo. Tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 6% (so với năm 2016 là 12%); thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm (năm 2016 là 28 triệu đồng); hệ thống điện, đường, trường, trạm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu;...
Nhiều công trình được đầu tư xây dựng khang trang nhờ nguồn vốn Chương trình 135. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Một số khó khăn cần tháo gỡ
Xã Yên Sơn (Thông Nông, Cao Bằng) là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Theo ông Nông Đình Quy, Chủ tịch UBND xã, các hộ nghèo ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ theo phương thức canh tác truyền thống. Từ nguồn vốn Chương trình 135, đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phân bón phát triển sản xuất. Năm 2016, xã được phân bổ 189 triệu đồng từ Chương trình 135 hỗ trợ phân bón cho 200 hộ nghèo thuộc 9 xóm của xã. Theo kế hoạch năm 2017, xã tiếp tục được phân bổ 184 triệu đồng từ hợp phần dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ 26.768 kg phân bón cho 184 hộ nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, do vướng về cơ chế chính sách, đến hết tháng 9/2017 các hộ nghèo trên địa bàn xã vẫn chưa được hỗ trợ phân bón.
Theo chia sẻ của chị Lục Thị Xuân, xóm Chọc Mòn, xã Yên Sơn, những năm trước đây, trước khi bước vào thời vụ, các hộ nghèo trong xóm đều được hỗ trợ phân bón để phát triển sản xuất nhưng năm 2017, dù thời vụ đã qua nhưng người dân vẫn chưa được Nhà nước hỗ trợ.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Mạc Văn Nheo cho biết, năm 2016 nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi. Nhưng năm 2017, do một số vướng mắc về chính sách nên việc triển khai hỗ trợ bị chậm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân. Trong thời gian chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động họp thống nhất với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 theo kế hoạch. Theo đó, đã ưu tiên hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo trên 5 triệu đồng/hộ…
Khó khăn ở xã Yên Sơn cũng là một trong những vướng mắc chung của nhiều địa phương khác trong cả nước, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Chương trình 135 trong năm 2017. Ủy ban Dân tộc cho biết, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết dự toán chi ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình MTQG năm 2017 chậm, đến nửa cuối tháng 4/2017 mới ban hành Quyết định 556/QĐ-BKD&ĐT giao chi tiết dự toán; Thông tư hướng dẫn thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ NN&PTNT hướng dẫn cũng chậm được ban hành nên đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.
Cùng với đó, một số địa phương như Bắc Kạn, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, An Giang, Bạc Liêu, Đắk Nông, Long An… còn lúng túng trong việc xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; trong việc lựa chọn danh mục công trình theo cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng; vốn hỗ trợ phát triển sản xuất còn chưa đáp ứng kịp thời vụ… nên dẫn đến phân bổ kinh phí chậm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Chương trình.
Tạo thế chủ động trong triển khai thực hiện Chương trình 135
Để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 trong năm 2018 và những năm tiếp theo, theo Ủy ban Dân tộc, Trung ương nên sớm triển khai kế hoạch và phân bổ đầy đủ nguồn vốn cho Chương trình 135 ngay từ đầu năm giúp các địa phương tạo được thế chủ động trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Các Bộ, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình 135 của địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình 135 nói riêng và các chính sách dân tộc nói chung. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 nên chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình 135 đúng quy định, tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý, thực hiện Chương trình 135.
Cùng với đó, Chương trình 135, cũng như các chương trình, dự án khác về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi cần đa dạng hoá nguồn tài chính cho đầu tư bằng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển vùng dân tộc. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải xóa bỏ rào cản lớn nhất đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đó là tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân nghèo vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ có xóa bỏ được tâm lý này thì mới tạo động lực cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ và bền vững./.