Tình nguyện viên Nhật Bản lần đầu ăn Tết ở Việt Nam

Thứ bảy, 17/02/2018 10:34
(ĐCSVN) – Năm nay, anh Iizuka Kazuhiro – một tình nguyện viên Nhật Bản sẽ lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ, song anh Iizuka cho biết, anh rất háo hức với những trải nghiệm trong nhiệm kỳ làm tình nguyện viên tại Việt Nam và được khám phá những nét mới lạ về văn hóa, truyền thống của một đất nước mà trước đây anh chỉ được nghe qua sách báo.

 

 Tình nguyện viên Nhật Bản Iizuka Kazuhiro. (Ảnh: Việt Cường/JICA)


Anh Iizuka Kazuhiro năm nay 29 tuổi. Anh bắt đầu tới Việt Nam làm tình nguyện viên từ ngày 27/3/2017 với nhiệm kỳ 2 năm (kết thúc nhiệm kỳ ngày 26/3/2019).

Anh đã làm tình nguyện viên về hoạt động trị liệu tại Bệnh viện điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương Thanh Hóa được 9 tháng và đã có nhiều hoạt động giúp cải thiện hoạt động trị liệu tại đây. Trước đó, anh học 5 năm tại trường Quốc tế Sức khỏe và phúc lợi Sunvillage tại Nhật Bản. Đây là nơi anh đã học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức trong hoạt động trị liệu. Sau khi ra trường anh Iizuka đã làm việc tại Trung tâm đột quỵ, bệnh viện Nishijima 7 năm trước khi sang Việt Nam.  

Tuy là lần đầu tiên sang Việt Nam nhưng với Iizuka, Việt Nam rất gần gũi và có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản. Thời niên thiếu anh sống tại tỉnh Shizuoka - một tỉnh ven biển phía Đông Nam Nhật Bản cũng có nhiều điểm giống với tỉnh Thanh Hóa nơi anh đang làm tình nguyện viên. Trước khi tới Việt Nam, anh biết có rất nhiều người Việt cũng yêu quý nước Nhật nên anh mong có thể chia sẻ và nói chuyện nhiều với mọi người về y tế và văn hóa. Hơn thế nữa, ở Việt Nam anh cũng như nhiều người bạn Nhật Bản cảm thấy rất an toàn và gần gũi.

Anh Iizuka cho biết, lý do anh muốn tham gia chương trình tình nguyện viên xuất phát sau một chuyến du lịch tới Campuchia. Tại đây, anh đã chứng kiến những phương pháp sơ cứu khi có tai nạn giao thông và khi thấy những người khuyết tật ở trên phố, anh đã quan tâm và mong muốn tìm hiểu tình hình y tế, phục hồi chức năng ở những nước đang phát triển. Anh Iizuka thực sự muốn chia sẻ và học tập với các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu tại các nước khác. Ngoài ra, đươc trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài cũng là cơ hội rất đáng quý đối với anh theo phương châm “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.  

Kể về hoạt động của mình từ khi là tình nguyện viên của JICA, anh Iizuka cho biết: “Tôi cũng làm việc như một kỹ thuật viên hoạt động trị liệu Việt Nam tại bệnh viện, đó là điều trị phục hồi chức năng cho các bệnh nhân nội trú và ngoại trú (gồm các bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, bệnh nhân sau chấn thương, bệnh nhân nhi sau phẫu thuật). Các hoạt động này bao gồm: Hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng; Hướng dẫn các hoạt động sinh hoạt hàng ngày sử dụng các chức năng còn lại (như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo…); Lắng nghe những lo lắng của bệnh nhân; Hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc. Bên cạnh đó anh còn chia sẻ, truyền đạt tới các đồng nghiệp Việt Nam về kỹ thuật hoạt động trị liệu của Nhật Bản.

 

Anh Iizuka hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng. (Ảnh: Việt Cường/JICA)


Để hỗ trợ bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày, anh Iizuka đã tự chế tạo một số đồ vật như: Miếng xốp để luyện cầm thìa dành cho các bệnh nhân đột quỵ, chấn thương cột sống; Dụng cụ để luyện bấm móng tay…Những dụng cụ này có thể dễ dàng được chế tạo dựa trên những nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam. Việc sử dụng rất dễ nên nhiều bệnh nhân có thể tự mình luyện tập. Hơn nữa, các dụng cụ được chế tạo từ các vật dụng hàng ngày nên chuyển từ việc luyện tập đến sử dụng trong thực tế rất dễ dàng, tạo tính chủ động cho bệnh nhân. Khi nhìn thấy những bệnh nhân hoặc các đồng nghiệp sử dụng các dụng cụ hỗ trợ chức năng cho mình làm ra, anh Iizuka cảm thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn.

Tuy anh Iizuka nói Tiếng Việt chưa được nhiều và rõ ràng nhưng các đồng nghiệp của anh tại bệnh viên luôn cố gắng nghe vốn tiếng Việt bập bõm của anh để học các kỹ thuật hoạt động trị liệu. Qua sự kiên trì tiếp xúc, rất nhiều đồng nghiệp đã làm theo những kỹ thuật hoạt động trị liệu mà anh làm và điều đó khiến anh cảm thấy rất vui.

Nói về điểm khác biệt trong môi trường làm việc ở Việt Nam và Nhật Bản, anh Iizuka cho biết, ở Việt Nam, số người bị chấn thương sọ não hay phải phẫu thuật chỉnh hình vì tai nạn giao thông nhiều hơn so với ở Nhật Bản. Đặc biệt là có rất nhiều học sinh, sinh viên và những người trẻ với độ tuổi 20-30 bị chấn thương sọ não và có nhiều trường hợp bị rất nặng. Trong khi đó, rất ít người có mục tiêu điều trị phục hồi chức năng để quay lại công việc, tìm kiếm việc làm hay làm việc nhà trở lại, hầu hết chỉ dừng lại ở massage hoặc luyện tập bẻ cong khớp. Vì thế, có rất nhiều người phải trở lại viện nhiều lần, gây mất thời gian và gặp phải nhiều áp lực vì chi trả viện phí.

Anh Iizuka chia sẻ: “Kỹ thuật hoạt động trị liệu ở Nhật Bản là phục hồi chức năng để hồi phục 1 chức năng nào đó của cơ thể. Chúng tôi ước định về khả năng phục hồi cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tối đa những chức năng còn lại của bản thân để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu ở Nhật Bản đều được học các lớp tư vấn, các kiến thức về tâm lý nên có kỹ thuật tiếp xúc với bệnh nhân và lắng nghe các nhu cầu của bệnh nhân. Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu không chỉ nhìn vào cơ thể của bệnh nhân mà còn quan tâm đến cách sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân, môi trường sống, thể lực, kỹ thuật của người chăm sóc, tâm lý, ý chí của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị tốt nhất”.

Anh Iizuka tâm sự, năm nay, anh sẽ lần đầu tiên được ăn Tết ở Việt Nam nên anh sẽ có dịp thưởng thức các món ăn ngày Tết cùng với các đồng nghiệp. Theo cảm nhận của anh thì Tết ở Việt Nam rực rỡ và nhiều sắc màu hơn Tết của người Nhật Bản. Hoa và các đồ đạc trang trí cho ngày Tết được bán ở khắp nơi. Không khí của ngày Tết cũng trở nên gần gũi và rộn ràng hơn khi các đồng nghiệp của anh Iizuka ngày nào cũng nói chuyện xoay quanh về chủ đề Tết. Gần Tết, đa số các bệnh nhân đều mong muốn về quê ăn Tết, vì thế, bệnh viện những ngày này hầu như không còn bệnh nhân phục hồi chức năng.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Iizuka cho biết, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tình nguyện viên ở Việt Nam, anh sẽ làm việc ở bệnh viện hoặc là một cơ quan y tế của Nhật Bản. Ngoài ra, ở quê nhà của anh Iizuka có rất nhiều thực tập sinh Việt Nam nên anh muốn trợ giúp các bạn thực tập sinh nào gặp khó khăn trong vấn đề sức khỏe, y tế hoặc trong giao tiếp bằng tiếng Nhật Bản./.

Thu Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực