Với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế xã hội, trong mùa xuân mới của đất nước nơi đất trời Tây Bắc còn đang hiện hữu cả mùa xuân của lòng người, mùa xuân với cuộc sống no ấm, hạnh phúc…
Thương lái thu mua hoa quả chín của người dân ở xã Leng Su Sìn, Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: TL
Điểm sáng vùng biên
Vượt lên những khó khăn của mảnh đất biên giới nơi cực Tây của Tổ quốc, những năm qua, với sự đồng lòng, nhất trí của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc anh em, huyện biên giới Mường Nhé đã có những bước phát triển tích cực cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh…
Cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Điện Biên, chúng tôi đến thăm xã Sín Thầu, một xã biên giới vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của huyện Mường Nhé. Nổi tiếng là nơi có ngã ba biên giới A Pa Chải giáp Việt Nam - Lào - Trung Quốc, xã Sín Thầu có 7 bản, 307 hộ, 1.364 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì. Thường xuyên bám sát đặc điểm của địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã Sín Thầu đã luôn quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ đó nâng cao đời sống người dân. Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy tiềm năng thế mạnh trong trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác vận động, tuyên truyền người dân làm tốt công tác phòng chống thiên tai, phòng chống cháy rừng và bảo vệ tốt tài nguyên rừng; hỗ trợ nông dân, đưa những giống cây, con có năng suất cao vào trồng đại trà, xóa bỏ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng hàng hóa thị trường. Nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, nhân dân bám bản, không di cư tự do, tích cực giữ gìn đường biên mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Sín Thầu còn là xã “năm không” của huyện Mường Nhé (không có người nghiện ma túy, không chặt phá rừng, không có người di cư tự do, không xuất cảnh trái phép, không sinh con thứ ba).
Tìm hiểu được biết, không chỉ ở xã Sín Thầu mà tại hầu hết các địa bàn còn lại của huyện Mường Nhé, việc phát triển kinh tế xã hội đã luôn gắn với củng cố quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, đến nay đời sống kinh tế của nhân dân đã và đang dần được cải thiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn mới, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được từng bước nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân đã có bước phát triển vững chắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đồng chí Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, Mường Nhé thực sự là “điểm sáng” của toàn tỉnh trong thực hiện công tác an sinh xã hội; gắn phát triển kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân.
Học sinh Trường THCS Sín Thầu (Mường Nhé). Ảnh: TL
Giúp dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất
Được thành lập năm 2002, Mường Nhé là huyện khó khăn nhất tỉnh biên giới Điện Biên. Điều kiện kinh tế hạn chế, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ đói, nghèo trên 90%... Song với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc anh em, đến nay, huyện Mường Nhé đã có những đổi thay mạnh mẽ.
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, tập trung hỗ trợ tối đa để giúp người dân đời sống và phát triển sản xuất, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mường Nhé đã thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn lực trong dựng xây và phát triển, cơ sở hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện, trường lớp học… phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, huyện có trên 700km đường giao thông. Ngoài đường quốc lộ, tỉnh lộ phần lớn đã được nhựa hóa, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 93,5% số bản có đường dân sinh, đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Thực hiện Đề án 79 của Chính phủ, đến nay huyện đã bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 980/1.091 hộ theo quyết định phê duyệt.
Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện Mường Nhé có 56 công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới tiêu cho trên 900 ha lúa ruộng, trong đó diện tích cấy lúa 2 vụ 74 ha. Ông Lò Văn Hơn ở bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé (Mường Nhé) phấn khởi cho biết: “Trước đây người dân trong bản vốn chỉ biết trồng lúa nương năng suất thấp lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Từ khi Nhà nước hỗ trợ xây dựng đập thủy lợi, cán bộ hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng lúa nước thì dân bản đã làm ra được rất nhiều thóc gạo; có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống”.
Thực tế thời gian qua ở huyện biên giới Mường Nhé cho thấy, hệ thống các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng mở rộng diện tích khai hoang lúa ruộng trên địa bàn. Nếu như ngày mới thành lập, huyện Mường Nhé mới chỉ có gần 300 ha lúa ruộng 1 vụ, tập trung chủ yếu tại 4 xã: Mường Nhé, Mường Toong, Chung Chải, Sín Thầu, thì hiện nay, huyện có trên 900 ha lúa ruộng phân bổ tại 11/11 xã. Việc canh tác lúa ruộng cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác lúa nương nên đã giúp bảo đảm tốt an ninh lương thực tại địa phương.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng chú trọng việc hướng dẫn người dân thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng, góp phần nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đã tăng từ 2.825 tấn (năm 2003) lên 15.094 tấn (năm 2017); bình quân lương thực cũng tăng tương ứng từ 280kg/người/năm lên 362kg/người/năm. Chăn nuôi từng bước nâng cao chất lượng cả về quy mô và chất lượng. Tổng đàn gia súc 33.802 con, tăng trưởng bình quân 7,1%/năm; gia cầm các loại 112.430 con, tăng 19%/năm. Thu nhập bình quân toàn huyện đã tăng mạnh từ 900.000 đồng/người/năm lên 6,2 triệu đồng/người/năm (2017).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Ðảng bộ huyện sẽ tiếp tục lãnh đạo chính quyền tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn.
Giữa không khí mùa xuân đặc trưng của Tây Bắc với sắc trắng của hoa ban, sắc hồng của đào rừng… có thể nhận thấy niềm vui về một mùa xuân ấm no, hạnh phúc trong những ánh mắt, nụ cười của người dân Mường Nhé. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và tinh thần đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cán bộ, đảng viên cùng nhân dân các dân tộc trong huyện, tin tưởng Mường Nhé sẽ không ngừng vươn lên xứng đáng là “điểm sáng vùng biên” nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc./.