Trong hệ thống sách mới đồ sộ và đa dạng hiện nay tưởng chừng thừa sức đáp ứng được tất cả nhu cầu đọc của con người, nhưng dòng sách cũ vẫn thu hút được sự chú ý của độc giả. Đặc biệt thời gian gần đây sách cũ đang trở lại mạnh mẽ bởi những hoạt động lớn như: Ngày sách và di sản, Ngày hội trao đổi sách cũ, Hội chợ sách cũ Hà Nội, Ngày hội sách cũ TP.Hồ Chí Minh, Ngày hội sách cũ, Chợ phiên sách cũ...
Bạn đọc ưa thích, tìm đến sách cũ với nhiều lý do. Đối với một số bạn sinh viên, sách cũ có mức giá khá rẻ, có nhiều tài liệu không còn xuất bản, khá khó kiếm thì vẫn có thể tìm thấy ở các tiệm sách cũ. Hay dân kỹ thuật muốn tìm những cuốn sách “độc” là công trình nghiên cứu, khảo cứu của các học giả xưa vẫn còn nguyên giá trị, làm quy chuẩn so sánh cho người học, người nghiên cứu hiện nay. Những người hoài cổ đến với sách cũ là để sống lại cùng những hồi ức về một thời thơ ấu. Cũng có những người bỏ rất nhiều tâm sức để tìm kiếm những cuốn sách cũ chỉ vì thích sách, thích đọc, muốn gìn giữ những cuốn sách cổ như đang cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa xưa cũ, quý báu mà ông cha để lại.
Bộ sưu tập sách Dostoievski của một người chơi sách ở Hà Nội
Đến với các hội sách mới được hết sự sôi động của thị trường sách Việt Nam. Và thật đáng mừng khi đến với các hội chợ sách cũ cũng sẽ bắt gặp những hình ảnh sôi động ấy. Trong số không ít bạn trẻ chuộng đọc trên mạng, lướt facebook hay sách truyện "mì ăn liền"..., vẫn có nhiều bạn trẻ quan tâm đến những tác phẩm Việt Nam xưa mà bây giờ chẳng còn được tái bản, vẫn có nhiều bạn sinh viên quan tâm tới tài liệu chuyên ngành để tự học hỏi, trau dồi kiến thức.
Sách cũ thể loại nào cũng có: từ truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài cho đến tiểu thuyết, từ sách thiếu nhi cho tới sách chuyên ngành, từ sách của các tác giả Việt Nam cho tới sách ngoại văn. Theo những người mê sách cũ, những bản dịch cũ được thực hiện bởi những dịch giả chuyên nghiệp, lối văn phong lạ lẫm cuốn hút. Những người dịch trước thường là các nhà văn, nhà thơ… nên câu chữ không bị bó hẹp trong tư duy lối mòn, cũng vì thế mà giàu cảm xúc hơn. Sách càng cũ càng có giá trị bởi từng được thực hiện bởi những dịch giả danh tiếng.
Thước đó giá trị của một cuốn sách cũ nằm ở nhiều yếu tố, có thể là những dịch giả danh tiếng, những đầu sách phát hành đời đầu, đôi khi không chỉ có những quyển sách xưa cũ, mà đó còn phải là những quyển sách độc, thậm chí còn là “độc bản”, hay có khi chỉ là một giấy bìa cũ kỹ hoặc ít trang nhật báo trước năm 1975…
Đối với những người lần đầu đến với sách cũ, sẽ thấy những cuốn sách đa phần đều khá lạ tai, không có nhiều cái tên quen thuộc, nên phải là người am hiểu về sách, hoặc tỉ mẩn lật từng trang để đọc sơ mới biết được cuốn nào hay, cuốn nào dở, cuốn nào phù hợp với mình. Và muốn tìm được “vàng” giữa rừng sách này, phải khổ công “đãi” thì mới có thể tìm được.
Việc thời gian gần đây nhiều hội chợ sách cũ được mở không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê của người yêu sách mà còn khơi dậy trong các bạn đọc trẻ ý thức quý trọng những giá trị văn hóa của những giai đoạn lịch sử đã đi qua. Những quyển sách cũ, nhàu nát tưởng như chỉ bằng tiền vài cân giấy vụn nhưng việc tìm kiếm và lưu giữ sách cũ nó không chỉ là một thú vui mà đó còn là cách gìn giữ kiến thức một cách rất thiêng liêng.
Qua năm tháng, sức hút của sách cũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp hiếm có của văn hóa đọc. Cũng chính vì thế, dù xu hướng đọc có phát triển đến đâu thì những cuốn sách cũ vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả!.