Tứ động tâm, Ấn Độ
Tứ động tâm - bốn thánh tích linh thiêng của Phật giáo bao gồm Lumbini (nơi đức Phật ra đời), Bodgaya (nơi đức Phật thành đạo), Sarnath (nơi đầu tiên Đức phật giảng pháp), Kushinagar (nơi đức phật nhập niết bàn), đều gắn liền cuộc đời hoằng hóa của đức Phật tại Ấn Độ. Mỗi năm có đến hàng triệu tăng ni, Phật tử, các tín đồ trên khắp thế giới, đến chiêm bái và giác ngộ, tiếp thêm niềm tin vào tam bảo và năng lượng để yêu thương...
Lumbini
|
|
Lumbini - nơi Đức phật ra đời. (Ảnh: Internet) |
Nằm dưới chân núi dãy Himalaya, Lumbini cách thành phố Kapilavastu khoảng 25km về hướng đông, là vùng đất hành hương linh thiêng của đạo Phật. Nơi đây hoàng hậu Mayadevi đã hạ sinh đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người đem lòng từ bi đến với muôn người.
Lumbini đã trở thành một thánh địa quan trọng hàng đầu đối với người Phật tử. Điểm nổi bật nhất của Lumbini chính là khu vườn thiêng rộng 2,56 km2 với những thánh tích quan trọng như: hồ Puskarni, đền Mayadevi và đặc biệt là trụ đá vua Ashoka.
Bodgaya
|
|
Bodgaya - nơi Đức phật thành đạo. (Ảnh: Internet) |
Bodhgaya được xem là đệ nhất thánh tích Phật giáo, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ và là nơi Đức Phật thành đạo. Hằng năm tín đồ Phật giáo ở Ấn Độ và khắp thế giới hành hương về đây để chiêm ngưỡng cây bồ đề nơi Đức Phật tọa thiền suốt 49 ngày, đông nhất là vào các ngày lễ truyền thống của Phật giáo.
Vào năm 2002, ngôi đền Mahabodhi ở Bodhgaya đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngôi đền Mahabodhi là chốn linh thiêng, xây theo hình tứ giác cao 52m. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng uy nghiêm càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của hàng triệu tín đồ Phật tử đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện… Có thể nói, Bodhgaya đã trở thành một cái nôi của lịch sử văn hóa Phật giáo và các Phật tử đều ao ước được ít nhất một lần hành hương đến nơi này.
Sarnath
|
|
Sarnath - nơi đầu tiên Đức phật giảng pháp. (Ảnh: Internet) |
Sarnath được xem là thánh địa của Phật giáo và là một trong những điểm hành hương không thể thiếu khi đến thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Sarnath hay còn gọi là Vườn Nai, nơi Đức Phật đã thuyết giảng về quy luật tự nhiên của vạn vật cho năm vị tu sĩ khổ hạnh trong lần thuyết pháp đầu tiên.
Khách hành hương đến tham quan và chiêm bái vườn Sarnath sẽ không thể bỏ qua những điểm đến nổi bật của nơi này. Đặc biệt, khách hành hương có thể đến thăm sông Hằng vào sáng sớm, nơi được xem là dòng sữa mẹ linh thiêng. Du khách có thể đi dọc bờ sông Hằng bằng thuyền và ngắm cảnh mặt trời mọc, xem bãi hỏa thiêu và nghi thức tắm gội. Đây là một trong những điểm hành hương không thể thiếu khi đến Varanasi.
Kushinagar
|
|
Kushinagar - nơi Đức phật nhập niết bàn. (Ảnh: Internet) |
Từ Varanasi, khách hành hương sẽ di chuyển tiếp đến Kushinagar, ngôi làng của Ấn Độ. Đây là nơi Đức Phật xưa kia nhập niết bàn. Trên đường đi, du khách cũng có thể tham quan những địa điểm như đền Mahaparinirvana, nơi đặt bức tượng Đức Phật dài 6m nằm ở tư thế nhập niết bàn và tháp Ramabhar, nơi làm lễ hỏa táng Đức Phật. Đây cũng chính là nơi học giả lữ hành cao tăng Trần Huyền Trang viếng thăm.
Angkor Wat, Campuchia
|
Ngôi đền cổ kính Angkor Wat. (Ảnh: Internet) |
Vùng đất của các ngôi đền cổ bí ẩn là điểm đến tuyệt vời đối với tín đồ Phật giáo, hay những người thích khám phá lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Những di tích cổ kính khiến cả nhân loại nể phục như quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, chùa Bạc, chùa Wat Phnom... sẽ là điểm dừng chân lý tưởng trong chuyến du xuân hành hương cùng gia đình dịp Tết năm nay.
Đến Campuchia mà không tham quan Angkor Wat - một trong 7 kỳ quan của thế giới sẽ là một thiếu sót lớn bởi kỳ quan này từ xa xưa đã trở thành niềm tự hào của người dân “xứ tháp chùa”! Quần thể đền Angkor Wat chính là địa điểm du lịch Campuchia nổi tiếng nhất. Đây cũng là một trong bảy kỳ quan thế giới được UNESCO công nhận.
Angkor Wat là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Quần thể đền nằm ở tỉnh Siem Riep và cách thủ đô Phnom Pênh 320km về hướng Bắc. Angkor Wat thể hiện đỉnh cao kiến trúc của Khmer với các tháp hình oval và những bức tường được điêu khắc tỉ mỉ phác họa đời sống tâm linh của người Khmer cổ. Ngôi đền là niềm tự hào của người dân Campuchia và được dùng làm biểu tượng trên quốc kỳ của nước này.
Angkor Wat là một trong những nơi rất linh thiêng đối với cả người dân địa phương và du khách khi đến du lịch Phnom Penh, họ thường đến đền để cầu tài, cầu lộc, cầu cho chuyện làm ăn, kinh doanh may mắn, suôn sẻ…
Quần thể chùa Shwedagon, Myanmar
|
Quần thể chùa Shwedagon, Myanmar. (Ảnh: Internet)
|
Myanmar từ lâu đã trở thành điểm hành hương quen thuộc của các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Nơi nổi bật nhất là quần thể chùa Shwedagon.
Dát vàng lộng lẫy và được trang trí bằng kim cương, đá quý, ngôi chùa Shwedagon ở Yangon là một trong những công trình Phật giáo đẹp và linh thiêng nhất Myanmar.
Với niên đại 2500 năm tuổi, đây là công trình Phật giáo linh thiêng nhất Myanmar. Chùa lưu giữ 4 báu vật đối với các tín đồ Phật giáo: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, dụng cụ lọc nước của Phật Câu Na Hàm, mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích-ca Mâu-ni.
Shwedagon không phải là một ngôi chùa đơn lẻ bình thường mà nó là một quần thể chùa bao gồm 1.000 ngôi chùa nằm bao quanh ngôi chùa tháp trung tâm, trong đó có 72 ngôi chùa được xây dựng bằng đá. Trải rộng trên diện tích 50.000 m2, chùa Shwedagon được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara, với tháp cao nhất lên tới 99m. Toàn bộ khu vực chùa đều có các tòa tháp Phật giáo dát vàng với kiến trúc tinh xảo, nhưng tòa tháp chính khổng lồ vẫn là trung tâm chú ý của mọi tín đồ và du khách. Đỉnh tháp nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, trên cùng là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15g). Đứng từ bất cứ đâu ở thành phố, khách hành hương cũng có thể nhìn thấy công trình ấn tượng này.
Chùa từ lâu trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanmar. Khi vào chùa phải cởi giày dép. Người Myanma thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đây là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.
Chùa Daigo-ji – Kyoto, Nhật Bản
|
Chùa Daigo-ji, Nhật Bản. (Ảnh: Internet) |
Cũng giống nhiều nước châu Á khác, Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và tinh thần của người dân Nhật Bản. Nhiều người Nhật cũng có thói quen đi chùa cầu nguyện vào những dịp lễ tết, đầu năm.
Nhật Bản sở hữu nhiều công trình kiến trúc Phật giáo cổ xưa, có đến hàng trăm hay hàng nghìn năm tuổi. Vì vậy, những ngôi chùa ấy đã chứng kiến nhiều thăng trầm, thịnh suy của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.
Chùa Daigo-ji tọa lạc tại Fushimi-ku, một trong 11 khu của cố đô Kyoto. Đây là ngôi chùa có lịch sử phát triển lâu đời, có vẻ đẹp cổ kính, hiền hòa và đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” năm 1994.
Trong chùa Daigo-ji có nhiều quốc bảo và tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Những kiến trúc được công nhận là quốc bảo là Bái Điện "Seiryu Guhaiden", Dược Sư Đường "Yakushi-do" thuộc Kamidaigo; Kim Đường "Kon-do", Ngũ Trùng Tháp "Goju no to"; Cổng "Karamon", Thư Phòng "Omote-shoin" của Tam Bảo Viện "Sanpo-in"; bức tượng bằng gỗ của phật Dược Sư Như Lai kèm theo 2 tượng phật nhỏ ở hai bên, bức tranh màu thêu lụa của Ngũ Đại Minh Vương, bức tranh màu thêu lụa của Văn Thù Độ Hải. Hiện trong Linh Bảo Quán của chùa Daigo-ji có hơn 100.000 bảo vật, bao gồm cả những tài sản văn hóa quan trọng. Đây được xem là những tư liệu vô cùng quý giá về lịch sử Phật Giáo, lịch sử mỹ thuật của Nhật Bản.
Daigo-ji được bao quanh bởi khu rừng rộng hơn 300ha với nhiều loại cây lớn và lâu năm. Do đó, vào các mùa trong năm, nơi đây luôn ngập tràn trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và nơi đây cũng là nơi diễn ra lễ hội tôn vinh vẻ đẹp hoa anh đào – nét đẹp văn hóa Nhật Bản.
Chùa Yakcheonsa, Hàn quốc
|
Chùa Yakcheonsa, Hàn Quốc. (Ảnh: Internet) |
Là một quốc gia với lịch sử văn hóa lâu đời, Hàn Quốc cũng có nhiều đền chùa nổi tiếng linh thiêng. Trong số các ngôi chùa được nhắc nhiều nhất, phải kể đến chùa Yakcheonsa nằm ở số 1165 đường Taepo Dong, đảo Jeju, Hàn Quốc. Hàng năm, ngôi chùa thu hút rất nhiều du khách thập phương đến thăm. Với lối kiến trúc mỹ thuật cực kỳ độc đáo và đẹp mắt, Yakcheonsa được vinh dự nằm trong danh sách những ngôi chùa trang nghiêm và hiện đại nhất của Phật giáo ở châu Á.
Chùa Yakcheonsa còn được gọi là Dược Tuyền Tự, được bắt đầu xây dựng từ đầu năm 1988 và hoàn thành vào năm 1996, nhưng phải đến năm 1999, ngôi chùa này mới chính thức được công nhận là trụ sở của Phật Giáo Hàn Quốc tại đảo Jeju.
Sở dĩ chùa được gọi là Dược Tuyền Tự là vì trong khuôn viên của chùa có một dòng suối chảy rất sạch sẽ, nước trắng xóa tung bọt trắng tuyệt đẹp. Những ai đến tham quan chùa đều uống dòng nước mát lạnh này để cầu may. Nhiều người còn nói rằng nước rất tốt cho sức khỏe.
Chùa Yakcheonsa được xây dựng theo thiết kế hiện đại, mà không làm mất đi sự trang nghiêm vốn có ở những ngôi chùa Phật giáo. Du khách đến đây thường cầu nguyện những điều may mắn cho mình và cảm thấy tâm hồn thanh tịnh, thoải mái sau những bộn bề của cuộc sống, xóa tan sự mệt mỏi trong chuyến đi dài ngày.
Bước vào chánh điện chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 18.000 bức tượng Phật mạ vàng tuyệt đẹp, 500 bức tượng A La Hán được tạc bằng gỗ vô cùng công phu và tỉ mỉ.
Với những du khách muốn du lịch Hàn Quốc để hành hương lễ Phật hay hiểu hơn về văn hóa của người dân xứ sở Kim Chi thì chùa Yakcheonsa sẽ không làm du khách thất vọng./.