|
Ảnh minh họa (Nguồn: vatm.vn). |
Trong hơn 30 năm đất nước đổi mới, ngành hàng không Việt Nam là một trong những lĩnh vực đi đầu, đại diện cho ngành Giao thông Vận tải và đất nước hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế.
Theo Cục Hàng không Việt Nam từ năm 2009 tới năm 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: tăng trưởng về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%. Sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay so với năm 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần.
|
24 năm liền, hàng không Việt Nam luôn giữ vững đảm bảo an toàn bay không để thiệt hại 1 trường hợp nào về người (Ảnh: KC). |
Điểm tích cực đáng ghi nhận là bên cạnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam luôn giữ được an toàn bay, không có 1 trường hợp tổn thất về người nào trong giao thông vận tải hàng không Việt Nam.
Đánh giá về sự tăng trưởng vượt bậc của hàng không Việt Nam, tại Tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, tổ chức tháng 12/2019, đồng chí Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhận xét: ngành hàng không Việt Nam đang đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, hợp lý. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thì nếu theo dõi khoảng 20 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không luôn gắn chặt với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 đến 2%. Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng nêu trường hợp ngược lại, khi GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng. Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không của Việt Nam là điều tất yếu bởi dó là sự đồng hành của giao thông và với nền kinh tế của đất nước.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đồng thời khẳng định: Trong quá trình tăng trưởng vừa qua, thị trường hàng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quản lý nhà nước. Tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ. Điều đáng tự hào là hàng không Việt Nam chính thức bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối, đây là điểm quan trọng rất ít ngành hàng không trên thế giới đạt được.
Ngành hàng không của Việt Nam hiện nay có 5 hãng hàng không cùng tham gia (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetta facific và Vasco) góp phần xây dựng một thị trường hàng không có sức cạnh tranh cao. Tốc độ tăng trưởng của thị trường trong năm 2019 tiếp tục được duy trì ở mức hai con số với mức độ tăng trưởng gần 12% về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt trên 78 triệu khách và vận chuyển hàng hóa đạt hơn 1,25 triệu tấn. Dự báo năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, bên cạnh những thành tích đã đạt được thì hàng không Việt Nam đang đối mặt với 4 áp lực lớn nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro. Do vậy, việc phát triển hàng không Việt Nam thật sự bền vững, với một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải luôn hướng tới.