|
|
Ngành Ngân hàng đã cung cấp được 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế (Ảnh: M.P) |
Đã cung cấp được 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế
Theo Thống đốc, điều đầu tiên và then chốt là để có được môi trường kinh doanh thuận lợi phải có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc lâu dài. Chính vì vậy, thời gian vừa qua Chính phủ đã điều hành nhất quán, kiên định và trong điều hành của NHNN đã thực thi theo phương châm giữ nền tảng kinh tế vĩ mô, thông qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, trong năm 2019, ngành Ngân hàng đã cung cấp được 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Áp lực một lượng lớn thanh khoản như vậy đưa ra nền kinh tế nhưng đã được NHNN điều tiết rất chủ động công cụ CSTT để kiểm soát. Đáng chú ý, dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%; trong đó doanh nghiệp Nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trong khi khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng. Có thể nói là nguồn lợi tín dụng rất lớn đã tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và cá nhân.
Nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế, trong đó tỷ trọng vốn cho vay trung dài hạn, vốn đầu tư cho nền kinh tế rất lớn, áp lực lên nguồn vốn thường xuyên cao. Tuy nhiên, trong các thời điểm, kể cả áp lực lãi suất quốc tế cũng như trong nước, NHNN đã kịp thời điều hành các công cụ thị trường để kiểm soát được ổn định mặt bằng lãi suất và khi điều kiện thị trường cho phép đã giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên thực tế, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, NHNN đã giữ được ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và hiện nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%. Ngành Ngân hàng cũng chủ động điều tiết, giảm các mức lãi suất điều hành của NHTW vào thời điểm phù hợp với khối lượng và liều lượng thích hợp để đạt được kết quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng. Điều hành lãi suất cân đối được các yếu tố trong nền kinh tế, người vay vốn, người gửi tiền cũng như các TCTD được đảm bảo cân đối một cách hài hòa. Nguồn vốn tín dụng vẫn được điều tiết một cách kịp thời, đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, điều hành tỷ giá luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ NHTW nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Với kinh nghiệm trong nhiều năm qua, NHNN đã rất linh hoạt và chủ động, đặc biệt rất kiên định trong điều hành tỷ giá, điều này không có nghĩa là cố định tỷ giá, nhưng NHNN đã điều hành ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của NHTW và quan trọng nhất qua đó tăng được một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, cao kỷ lục từ trước đến nay. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đến nay, Việt Nam đã có dự trữ ngoại hối ở mức 79,9 tỷ USD, xấp xỉ 80 tỷ USD. Đây là một tấm đệm cho đất nước để bảo vệ an ninh tài chính quốc gia, phòng ngừa những tác động từ bên ngoài, đồng thời là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và của Ngân hàng Trung ương để ổn định được nền tảng vĩ mô, trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
“Từ thực tế và kết quả điều hành đó, NHNN đã củng cố được niềm tin vào năng lực thực thi và điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng như chính sách tỷ giá của ngân hàng nhà nước nói riêng cùng với việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thêm vào đó, công tác quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN đảm bảo mục tiêu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là an toàn thanh khoản tuyệt đối và sinh lời, tức là tạo ra hiệu quả về kinh tế” - Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ.
Từ những yếu tố điều hành lạm phát, lãi suất, tỷ giá như vậy, có thể nói trong thời gian vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's sau 9 năm đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Vừa qua khi làm việc với các tổ chức quốc tế, trong đó IMF đánh giá rất cao khả năng, năng lực điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Trung ương, cũng với đó Ngân hàng Thế giới cũng đã nâng xếp hạng chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2018. Việt Nam hiện đứng thứ 25/190 quốc gia và đứng thứ 2 trong ASEAN. Có thể nói các kết quả này nêu bật hiệu quả trong điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.
|
|
Đến nay, Việt Nam đã có dự trữ ngoại hối ở mức xấp xỉ 80 tỷ USD (Ảnh: M.P) |
Điều tiết thanh khoản hợp lý
Khép lại năm 2019 với những hiệu quả từ việc tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, năm 2020 NHNN đặt mục tiêu giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Cụ thể, tín dụng năm 2020 dự kiến tăng 14%, có điều chỉnh phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường. Tăng trưởng tín dụng định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế tín dụng đen. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%. Nghị quyết Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% cũng tiếp tục thực hiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng , để hoàn thành mục tiêu trên NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ. Ngành ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; Nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tiếp tục xuống dưới 2%; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Trong hoạt động thanh toán, ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; trong đó chú trọng đến sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, nhất là đối với ngân hàng số, thanh toán số; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư; tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử; đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.../.