Huyện Tây Sơn phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ ba, 28/01/2020 19:08
(ĐCSVN) - Tới đây, huyện Tây Sơn (Bình Định) sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục.

Dự kiến năm nay huyện có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn trong giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Tây Sơn là huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: UBND huyện Tây Sơn)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Bình Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn chia sẻ thêm, mặc dù các xã trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn về huy động nguồn lực, nhưng với quyết tâm cao, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể và toàn thể Nhân dân đã vượt khó khăn thách thức. Kết quả, 100% đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của 13/13 xã đã được UBND huyện phê duyệt, một số xã tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là thời điểm các ngày lễ, tết; tuần tra và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Tổ chức giao quân cho các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu trên giao và tổ chức đón nhận quân nhân xuất ngũ về lại địa phương đảm bảo theo quy định.

Công trình cứng hóa kênh tưới tiêu nội đồng giúp giảm thất thoát nước, tăng năng suất lúa (Ảnh: UBND huyện Tây Sơn)

Theo ông Lê Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Tây Sơn), giai đoạn 2015-2020, các xã đã đầu tư xây dựng bê tông hóa và cứng hóa 233,1 km đường giao thông nông thôn các loại, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa và ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Dự kiến năm nay, 13/13 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, tăng 08 xã so với năm 2015, đạt 108,3% so với kế hoạch đến năm 2020 (12/13 xã). Đã đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và kiên cố hóa 85,8 km kênh mương nội đồng phục vụ tưới, tiêu nông nghiệp. Có 13/13 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi, tăng 6 xã so với năm 2015, đạt 118,2% so với kế hoạch đến năm 2020 (11/13 xã).

Điện lưới quốc gia giúp đời sống người dân nông thôn tỉnh Bình Định thêm khởi sắc (Ảnh: UBND huyện Tây Sơn)

Để tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh lưới điện nông thôn, 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 99,6%, đáp ứng nhu cầu về điện cho sản xuất và dân sinh, Huyện quyết tâm năm nay toàn bộ các xã đạt tiêu chí số 4 về điện, đạt 100% so với kế hoạch đến năm 2020 (13/13 xã).

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn nêu rõ, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 34 công trình đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Hiện các xã trên địa bàn hầu hết đều có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và Internet, có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

Từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2017-2019, các xã lập 47 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất về chăn nuôi bò thịt và chăn nuôi bò lai sinh sản, có 781 hộ tham gia được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay 20 triệu đồng/hộ, với số tiền hỗ trợ là 2.686,84 triệu đồng.

Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đạt 36,4 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 xuống còn 6,55%. Dự kiến năm 2020, có 12/13 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, tăng 08 xã so với năm 2015, đạt 150,0% so với kế hoạch đến năm 2020 (8/13 xã).

Công tác giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới về quản lý, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học, đánh giá kết quả giáo dục đúng quy định và thực chất. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,8%; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học các trường tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Đến năm 2020, có 12/13 xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo, tăng 01 xã so với năm 2015, đạt 109,1% so với kế hoạch đến năm 2020 (11/13 xã).

Một công trình giáo dục khang trang, sạch đẹp (Ảnh: UBND huyện Tây Sơn)

Các trạm y tế xã đều có y sỹ, bác sỹ có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Với hệ thống 60 y tế thôn, công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân tiếp tục được tăng cường, thường xuyên giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời ca bệnh, tiến hành lồng ghép tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế. Năm nay, phấn đấu có 13/13 xã đạt tiêu chí về y tế, tăng 04 xã so với năm 2015, đạt 118,2% so với kế hoạch đến năm 2020 (11/13 xã).

Qua rà soát, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới đạt 5/9 tiêu chí, gồm: tiêu chí số 1 (quy hoạch), tiêu chí số 3 (thủy lợi), tiêu chí số 4 (điện), tiêu chí số 8 (an ninh, trật tự xã hội), tiêu chí số 9 (chỉ đạo xây dựng nông thôn mới), còn lại 4 tiêu chí chưa đạt gồm: tiêu chí số 2 (giao thông), tiêu chí số 5 (y tế - văn hóa - giáo dục), tiêu chí số 6 (sản xuất), và tiêu chí số 7 (môi trường).

“Huyện vẫn đang gặp một số khó khăn, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là trong khu dân cư vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn còn hạn chế”, ông Lê Công Thành lý giải thêm.

Xuất phát từ thực tế thu nhập bình quân đầu người còn thấp; đời sống một bộ phận nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, dẫn tới một số xã chưa chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng được lộ trình, kế hoạch, mục tiêu và giải pháp cụ thể, để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

Đề cập về chính sách giữ chân, thu hút người tài, lãnh đạo Huyện ủy thẳng thắn thừa nhận nội dung này chưa đủ mạnh, trong khi điều kiện làm việc ở nông thôn còn kém, nguồn nhân lực “giàu chất xám” ở cơ sở còn thiếu và yếu. Thậm chí, nhận thức về phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới của một số cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc; năng lực, trình độ một số cán bộ, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế nên việc xây dựng một số chương trình, đề án, dự án, quy hoạch… vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí một số quy hoạch còn chồng chéo.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân chính là chăm lo tương lai đất nước (Ảnh: UBND huyện Tây Sơn) 

Thời gian tới đây, lãnh đạo huyện sẽ thể hiện sự thống nhất trong tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; xây dựng mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến theo Luật Hợp tác xã, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục huy động mọi nguồn lực và đa dạng hóa các nguồn vốn tập trung vào bảo vệ và xử lý môi trường, hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch… hạn chế, khắc phục vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cũng như công khai các khoản đóng góp, không được huy động quá sức dân.

Tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” từ huyện đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, phát hiện và biểu dương các mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới thiết thực, hiệu quả hơn, tránh phô trương, chạy theo thành tích. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá thi đua và khen thưởng hàng năm.

Tin tưởng rằng, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới, tổ chức lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo các cấp, các ngành sẽ có hướng chỉ đạo, điều hành phù hợp, nâng cao chất lượng dân cư nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho Nhân dân, đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm./.

Anh Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực