Nâng cao chất lượng dự báo phục vụ phòng chống thiên tai

Thứ ba, 28/01/2020 19:10
(ĐCSVN) – Năm 2020, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (KTTV) sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và dự báo sát diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo PCTT.
GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV. (Ảnh: BL) 

 Đó là chia sẻ của GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn với phóng viên trước thềm năm mới năm 2020.

Phóng viên (PV): Nhìn lại một năm qua, toàn ngành KTTV đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai, ông có thể chia sẻ về thành công này?

GS. TS Trần Hồng Thái: Năm 2019 là năm tình hình thời tiết tương đối phức tạp, ngay từ những tháng đầu năm, Tổng cục KTTV đã sớm triển khai nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn trên phạm vi cả nước, ban hành các bản tin dự báo thời tiết chi tiết cho từng thành phố, huyện, thị xã trên cả nước.

Đồng thời, cảnh báo, dự báo sát, kịp thời diễn biến của 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có cơn bão số 2, 3, 4, 5, 6 và ATNĐ tháng 8 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 20 đợt không khí lạnh (KKL), trong đó có 16 đợt gió mùa Đông Bắc (GMĐB) và 04 đợt KKL tăng cường; 13 đợt nắng nóng trên diện rộng; 15 đợt mưa lớn trên diện rộng; 09 đợt lũ lớn, vừa và nhỏ trên phạm vi toàn quốc; dự báo mực nước và dòng chảy các sông đáp ứng yêu cầu phát điện, phục vụ vụ Đông Xuân năm 2018-2019 và các ngày lễ lớn trong năm.

Tổng cục trình và được lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch phê duyệt Chương trình Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn…

Hiện Tổng cục đang được giao quản lý 327 trạm quan trắc khí tượng (bao gồm cả trạm nông nghiệp, bức xạ, trạm thủ công, tự động); 781 trạm đo mưa tự động; 359 trạm quan trắc thủy văn; 27 trạm quan trắc hải văn; 18 trạm, điểm đo môi trường. Hằng năm, Tổng cục chỉ đạo Trung tâm Quan trắc KTTV và các Đài KTTV khu vực thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng khắc phục khi có sự cố đối với các trạm đo mưa, đo gió và hải văn tự động, duy trì hoạt động ổn định mạng lưới trạm KTTV quốc gia, đảm bảo chất lượng điều tra cơ bản; làm tốt công tác kiểm định phương tiện đo KTTV.

Cùng với đó, ngành  KTTV luôn đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, thực hiện chế độ trực kỹ thuật 24h/24h đảm bảo hệ thống viễn thông hoạt động thông suốt và thu thập, xử lý, chia sẻ số liệu đầy đủ kịp thời phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ và truyền tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; phối hợp với Ban chỉ đạo trung ương về PCTT thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu KTTV; duy trì, đảm bảo hoạt động cho hệ thống kênh thông tin quốc tế qua kênh GTS (02 kênh GTS 64 Kbs đến Bangkok và Beijing), internet với Moscow và WIS Tokyo để trao đổi thông tin KTTV toàn cầu phục vụ dự báo; phát báo quốc tế số liệu KTTV thời gian thực đảm bảo đúng quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới; tổ chức đánh giá chất lượng bản tin dự báo KTTV của hệ thống dự báo KTTV quốc gia.

Thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu KTTV đầy đủ, chính xác; lưu trữ, bảo quản và bảo đảm an toàn kho tư liệu giấy KTTV; số hoá tư liệu KTTV và cập nhật đầy đủ, kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu…

PV: Vậy còn những khó khăn, thách thức nào đòi hỏi toàn ngành tiếp tục nỗ lực giải quyết thưa ông?

GS. TS Trần Hồng Thái: Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm qua, vẫn còn những khó khăn, thách thức đòi hòi toàn ngành phải cố gắng nỗ lực hơn nữa.

Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV đang trong quá trình xây dựng, chưa đầy đủ so với yêu cầu quản lý nhà nước về KTTV.

Nhiều vấn đề khách quan và chủ quan tác động đến lĩnh vực KTTV như: vấn đề BĐKH, hạn chế về khoa học công nghệ, mạng lưới trạm còn thưa, trình độ của cán bộ, kinh phí còn hạn hẹp, sự thay đổi, phát triển của KT-XH, tham gia của các hoạt động KTTV chuyên dùng… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác KTTV. Ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ công trình KTTV chưa cao, do đó việc vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật công trình KTTV vẫn còn diễn ra tại một số trạm trên các tỉnh, thành phố.

Việc triển khai theo quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV chưa đồng bộ, đặc biệt là địa phương chưa thống nhất trong triển khai thực hiện.Việc xây dựng, phê duyệt phương án cắm mốc, công khai mốc giới và bảo vệ hành lang công trình KTTV thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí… Đây là những khó khăn cần phải nỗ lực khắc phục và giải quyết trong năm 2020, để đạt kế hoạch và mục tiêu đề ra.

PV: Trong năm 2020,Tổng cục có kế hoạch và giải pháp gì triển khai hiệu quả hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai?

GS. TS Trần Hồng Thái: Tổng cục tiếp tục đề xuất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật KTTV và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực thi hiệu quả Luật KTTV, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KTTV phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH; quyết liệt giải quyết triệt để tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật trạm KTTV. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, bộ máy của Tổng cục, các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về KTTV đến cộng đồng và xã hội.

Năm 2020, Tổng cục tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các văn bản triển khai thi hành các nội dung của Luật KTTV; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy chế, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật trong công tác quản lý, hoạt động KTTV. Trong đó Tổng cục hướng trọng tâm ưu tiên vào việc xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị , Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Bộ TN&MT khi được phê duyệt đưa vào các chương trình công tác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các chủ công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn tại 11 tỉnh (Yên Bái, Bắc Kạn, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang, Cà Mau, Tây Ninh) và sẽ mở rộng đối tượng kiểm tra đối với các chủ công trình của vườn quốc gia, sân bay, bến cảng, cầu, cáp treo.

Tăng cường giám sát các đơn vị trực thuộc việc thực hiện các quy trình, quy định, quy chế của Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV ban hành về công tác truyền tin, đo đạc và dự báo KTTV để nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu và khắc phục những hạn chế, bất cập

Tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của KTTV đến các ngành nghề như: nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch… để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Đặc biệt, Tổng cục cũng sẽ theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: ATNĐ, bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo PCTT. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực