|
|
Năm 2020, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 2,8 - 3% (Ảnh minh họa: KL) |
Một năm gặt hái nhiều thành tựu
Năm 2019, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, ngành còn chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi trong nước; diễn biến thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ).
Đồng thời, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu với những quy định mới khắt khe và yêu cầu cao hơn của thị trường Trung Quốc...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo và chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để tạo giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Nhờ vậy, năm 2019 toàn ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu: kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật lên trong năm 2019 là vấn đề về thị trường xuất khẩu nông sản. Trong năm, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15% nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt con số 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD.
Trong năm, Bộ NN&PTNT đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào thị trường Malaysia, Hồng Kông; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ. Đặc biệt, đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019. Về thủy sản xuất khẩu, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam; riêng Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8%, vượt kế hoạch đề ra (6%).
Năm 2019 cũng là năm ghi nhận lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.Trong năm, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp.
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành và đi vào hoạt động.
Cùng với đó, Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã về đích sớm trước một năm rưỡi. Đến hết năm 2019, cả nước có trên 4.806 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020). Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xuất hiện địa phương có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,8 - 3%
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; đồng thời là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành NN&PTNT đặt ra chỉ tiêu cơ bản: tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt từ 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020.
Trong đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; ngăn chặn lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn Châu Phi.
Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển. Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi nhanh hệ thống rừng ngập mặn ven biển.
Đặc biệt, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Song song với các giải pháp trên, ngành Nông nghiệp chủ trương xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Chính phủ điện tử theo các Nghị quyết của Chính phủ; thực hiện đúng lộ trình Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư cho các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, an toàn, bền vững.
Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là các cơ quan truyền thông hỗ trợ thông tin về kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những mô hình thành công, kinh nghiệm hay để học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng./.